- Đề nghị trừ trực tiếp vào hóa đơn tiền điện khoảng 20% giá điện cho tổng số giờ cao điểm sáng mà doanh nghiệp sử dụng và dự kiến áp dụng từ ngày 1/9/2009, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Hữu Hào cho biết chiều 9/8.
Thực hiện đúng thời hạn phải trình trước ngày 10/8 về phương án giảm giá điện cụ thể mà Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều cách thức kiến nghị tới Thủ tướng để giải quyết khó khăn giá điện cho các doanh nghiệp.
Giá điện giờ cao điểm sáng có thể được giảm 20% từ ngày 1/9 tới (ảnh: VNN)
Trao đổi với VietNamNet chiều 9/8, ông Đỗ Hữu Hào, người đã ký văn bản trên cho hay: “Với mức giảm giá 20%, lựa chọn cuối cùng của Bộ là chỉ áp dụng ưu đãi này vào giờ cao điểm sáng cho doanh nghiệp sản xuất 1 ca, đồng thời, chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sử dụng cấp điện áp dưới 110kV trở xuống”.
Về hình thức, cách xử lý trừ thẳng vào hóa đơn tiền điện như trên sẽ đơn giản hơn so với việc Bộ phải ra quy định tính toán lại các mức giá điện cụ thể của giờ cao điểm và cũng đảm bảo thuận tiện trong việc thanh toán tiền điện.
Theo Thông tư 05/2009/TT-BCT qui định về giá bán điện thì đối với các doanh nghiệp sản xuất sử dụng cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV, giá điện giờ cao điểm là 1.755 đồng/kWh, nếu giảm 20% sẽ còn 1.404 đồng/kWh.
Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng cấp điện áp từ 6kV- dưới 22kV, giá điện giờ cao điểm là 1.830đồng/kWh, giảm 20% còn 1.464đồng/kWh.
Các doanh nghiệp sử dụng điện áp dưới 6kV, giá điện giờ cao điểm là 1.900đồng/kWh, giảm 20% còn 1.520đồng/kWh.
Giờ cao điểm sáng áp dụng từ 9h30- 11h30h, giờ cao điểm tối áp dụng từ 17h-20h các ngày từ thứ 2- thứ 7.
Lý do là qua các đợt rà soát, đánh giá tác động của qui định tính giá điện theo giờ cao điểm sáng cho thấy, doanh nghiệp 1 ca chịu ảnh hưởng lớn nhất. Có khoảng 15 -17% doanh nghiệp 1 ca được kiểm tra đã tăng trên 20% chi phí tiền điện cho sản xuất.
Các doanh nghiệp 2 ca hoặc 3 ca chỉ chịu tác động nhẹ, tăng khoảng 10% chi phí tiền điện.
Lý giải vì sao không áp dụng giảm giá điện cao điểm sáng cho tất cả các doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Hào phân tích: “Đó là bởi các doanh nghiệp sản xuất 2 ca, 3 ca đã được bù lại phần nào khi được hưởng mức giá ưu đãi khi sử dụng điện vào giờ thấp điểm.
Còn doanh nghiệp 1 ca, thường hoạt động từ 7h sáng đến 17h, không có giờ thấp điểm để bù đắp. Hơn nữa, việc giảm giá này còn phải tính đến yếu tố doanh thu của ngành điện. Ngoài ra, tổng số doanh nghiệp sản xuất 1 ca không nhiều, chỉ khoảng 56.000 doanh nghiệp.”
Trong các tháng 6, 7 vừa qua, ông Đỗ Hữu Hào cũng khẳng định, chi phí tăng giá điện do tác động của giá giờ cao điểm sáng cũng chưa tới 1% giá thành sản xuất.
Như vậy, với cơ chế giá điện mới, các doanh nghiệp 2 ca có thể sẽ thiệt thòi nhất vì ca 2 của các doanh nghiệp này là kéo dài từ 17h-22h. Các doanh nghiệp này cũng không sản xuất giờ thấp điểm là từ 22h- 4h hôm sau và do đó, toàn bộ quy trình sản xuất mỗi ngày sẽ phải chịu giá điện cao trong 5 tiếng giờ cao điểm.
Như vậy, với phương án trên, giá điện bình quân năm 2009 sẽ giảm 0,5%, từ mức 948,5đồng/kWh xuống còn mức 943,7 đồng/kWh. Doanh thu ngành điện sẽ giảm hơn 300 tỷ đồng.
"Nếu Thủ tướng phê duyệt chấp thuận thì Bộ sẽ ban hành dưới dạng Thông tư hướng dẫn về việc giảm giá điện giờ cao điểm sáng," ông Đỗ Hữu Hào nói.
Phạm Huyền