Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong tháng 7 đạt 5,36 tỷ USD, giảm 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Thương mại nước này, Yao Jianon, cho biết ngày 17/8.
Như vậy, FDI vào Trung Quốc đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch mở rộng trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
FDI vào Trung Quốc giảm tháng thứ 10 liên tiếp. (Ảnh: Impactlab) |
Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2008, xuống còn 1.146,71 tỷ USD. Riêng trong tháng 7, xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục đạt 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, giảm 14,94% so với cùng kỳ. Kim ngạch thương mại giữa hai bờ giảm 35,1%, xuống còn 52,53 tỷ USD.
Mặc dù FDI suy giảm, nhưng theo nhà nghiên cứu Mei Xinyu, tỷ lệ giảm của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới, điều này cho thấy Trung Quốc có môi trường đầu tư thuận lợi hơn so với một số nước đang phát triển khác.
Theo kết quả điều tra do Hội đồng thương mại và phát triển thuộc Liên hiệp quốc tiến hành từ tháng 2 đến tháng 5 đối với 241 công ty đa quốc gia, Trung Quốc vẫn là nước hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2007, sản lượng của các công ty đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đạt 12.503,69 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 30,9% doanh thu công nghiệp của Trung Quốc, đồng thời cung cấp 420 triệu việc làm.
Goldman Sachs, trong dự báo mới nhất, cho hay, kinh tế Trung Quốc năm 2009 có thể tăng trưởng 9,4%, vượt xa mức dự báo 8% của chính phủ nước này. Lý do chính giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là tác động từ gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD cũng như hoạt động tín dụng tăng trưởng mạnh.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 2/2009 đạt 7,9%, trong khi tăng trưởng GDP quý 1 chỉ là 6,1%, mức thấp nhất trong gần 10 năm qua.
-
Đ.T (Theo Xinhua, Bloomberg)