- Để "cứu" du lịch thoát cảnh ảm đạm, Bộ VH-TT và Du lịch đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá. Lâu nay, vì nhiều lý do, công việc này vẫn bị nhận xét là yếu và thiếu chuyên nghiệp.
Du khách biết đến Việt Nam qua nhiều kênh thông tin khác nhau (ảnh H.Y)
Từ chuyện lên sóng truyền hình
Xác định mục đích xúc tiến, quảng bá là giới thiệu hình đất nước, con người Việt Nam, qua đó thu hút khách quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngành sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm, đối tác quan trọng của du lịch Việt Nam, trên nhiều kênh, với cách thức đa dạng. Tất cả các cơ quan của Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT và Du lịch cùng phải "xắn tay" thực hiện.
Trong đó, có thực hiện trên kênh truyền hình. Kết thúc quảng bá trên BBC với nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả, Bộ VH-TT và Du lịch quyết định tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam trên CNN - ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục HTQT (Bộ VH-TT và Du lịch), mới đây cho biết.
Ông Tình nói rằng, đến nay, việc đàm phán đã hoàn tất và hồ sơ đã chuyển sang Bộ Tài chính chờ duyệt kinh phí. Ngày 20/8, đoàn quay phim của CNN sẽ vào Việt Nam thực hiện. Chương trình dự kiến phát vào trung tuần tháng 9. Chủ đề của lần quảng bá này tập trung vào du lịch biển, Tây Nguyên và Phú Quốc.
Trả lời chất vấn của bá giới, ông Tình khẳng định, Cục HTQT đã nghiên cứu rất kỹ kênh, thị trường trước khi quảng bá. Với mục đích giới thiệu hình ảnh Việt Nam nên BBC, CNN - hai kênh truyền hình phủ sóng toàn cầu, nhiều người xem nhất thế giới - đã lọt vào "tầm ngắm".
Cơ quan này cũng đàm phán với hai kênh truyền hình khác (Star Sports và Star World), song, do hết kinh phí nên phải chuyển sang năm 2010.
Việc phối hợp giữa Tổng cục Du lịch với các bộ, ngành, địa phương, DN còn hạn chế, bất cập. Tổng cục chưa phát huy được vai trò chỉ đạo điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch. Chẳng hạn trong năm 2008, tháng 8, Hà Nội vừa tổ chức Ngày Hà Nội tại Moscow thì tháng 9 Bộ VH-TT và Du lịch tổ chức ngày Việt Nam tại Nga. Tại sao chúng ta không gộp lại thành một sự kiện mà để trùng lắp, tốn kém? (Bà Nguyễn Thanh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch)
Ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhận xét, đây là sự nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên mạnh dạn đầu tư, triển khai quảng bá trên sóng truyền hình.
Tuy nhiên, cũng như tất cả các hình thức xúc tiến tiếp thị khác, để có hiệu quả, vấn đề là phải thực hiện xuyên suốt và triển khai đồng nhất, dài hạn hơn. Chúng ta mới cung cấp thông tin, xây dựng hình ảnh ban đầu đến với du khách.
Nếu gián đoạn, ngừng lại thì lập tức thông tin đó sẽ bị chìm lẫn bởi rất nhiều thông tin quảng bá của các quốc gia khác trong khu vực - như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Họ cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến với tiềm lực mạnh hơn ta nhiều.
Ngoài ra, đây tuy là các kênh toàn cầu nhưng họ cũng phát những chương trình theo khu vực. Do vậy, khi Việt Nam xác định thị trường trọng điểm là Tây Âu và Bắc Mỹ chẳng hạn, thì phải quảng bá đến BBC và CNN khu vực này.
Tuy nhiên, chúng ta mới quảng cáo trên CNN khu vực châu Á - Thái Bình Dương do giá quảng cáo trên CNN châu Âu, Bắc Mỹ quá đắt.
Như vậy, không thể chối cãi về hiệu quả về quảng bá trên truyền hình, nhưng giải bài toán lựa chọn kênh, nội dung - cách thức quảng bá và số tiền Việt Nam có thể chịu được để quảng bá một cách dài hơn, thì không hề dễ. Và lời bàn ra tán vào xung quanh câu chuyện này sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Đã thiếu tiền, lại tiêu không hiệu quả
Tại hội thảo quốc tế cuối tháng 7 vừa rồi về phối hợp Nhà nước - tư nhân làm xúc tiến du lịch, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch), nhận xét, do nguồn kinh phí cho quảng bá, xúc tiến hạn chế nên cơ chế giải ngân rất bất cập, định mức tài chính không hợp lý.
Chẳng hạn, đón đoàn fam-press không được chi vé máy bay quốc tế và chỉ định mức 600.000 đồng/người/ngày, định mức ăn 300.000 đồng/người/ngày; đi hội chợ, tham gia sự kiện ở nước ngoài mà thiếu tiền để tổ chức các hoạt động phụ trợ như họp báo, tiếp tân, quảng bá trực quan...
Còn khi tham gia các hội chợ, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Giám đốc điều hành Furama thấy rằng, Thái Lan, Philippines hay Indonesia thường có các gian hàng ấn tượng, hoành tráng tầm vóc quốc gia.
Nhìn sang Việt Nam, hình ảnh rất mờ nhạt. Do mức phí phải đóng cao (2.000USD) trong khi các nước chỉ khoảng 400USD, chỉ một vài DN Việt Nam có thể tham gia. Họ tính toán, với số tiền đó thà tự thuê gian hàng riêng cho mình, đỡ phải chia sẻ khách hàng.
Cả năm qua, ngành tập trung cho chương trình Ấn tượng Việt Nam - giảm giá kéo khách - thì cũng không có một đồng cho công tác xúc tiến.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, tài chính hạn chế buộc chúng ta phải quảng bá nhỏ giọt, chưa có những chương trình thực sự lớn, hiệu quả. Hơn nữa, quy chế về xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam vẫn chưa hoàn tất nên vừa qua, Tổng cục Du lịch đã phải sàng lọc một số đầu việc rất quan trọng và cần thiết, phải triển khai sớm để trình Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép triển khai trước.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương nhìn nhận, đúng là chúng ta nghèo, tiền quảng bá rất ít. Song, thực tế là năm ngoái, Chính phủ quyết định chi 25 tỷ đồng cho công tác xúc tiến quảng bá, ngành du lịch lại không tiêu hết tiền, mà còn tiêu chưa hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng nên có một cơ quan đầu mối lo về xúc tiến
du lịch. (Ảnh: H.L.Y)
Ông Lương đúc kết, quảng bá xúc tiến của Việt Nam hiện có hai điểm yếu. Thứ nhất, chúng ta làm chưa thực sự bài bản. Khi quảng bá, anh phải nghiên cứu kỹ xem người ta cần gì để xây dựng sản phẩm quảng bá. Một khi chưa có sản phẩm thật thì quảng bá đôi khi lại phản tác dụng.
Thứ hai, sản phẩm có rồi nhưng thông tin đến thị trường đấy như thế nào để họ tiếp nhận một cách tốt nhất cũng cần phải nghiên cứu. Ví như, người dân thị trường này thích đọc Brochure, thị trường khác lại thích Internet thì mình phải đáp ứng - cái đó Việt Nam làm cũng chưa bài bản.
"Chúng ta cứ làm ào ào, thị trường nào cũng giống thị trường nào. Đi xúc tiến cứ một đoàn đến mà không nhiều hiệu quả", ông Lương nhận xét.
Do vậy, theo ông Lương, nếu mình làm hai phần trên tốt thì cũng là sử dụng hiệu quả đồng vốn. Rõ ràng thời gian qua, Việt Nam làm hai phần trên đều chưa tốt nên đồng tiền ít lại càng ít và không hiệu quả.
Thiếu nhạc trưởng
Bà Nguyễn Thanh Hương cho rằng, khó khăn hiện nay chính là cơ cấu tổ chức cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia chưa hợp lý. Trong hoạt động này, không có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ giữa Tổng cục Du lịch và Cục HTQT (Bộ VH-TT và Du lịch).
Trong lịch sử, ngành du lịch cũng tách ra nhập vào không biết bao lần. Chuyện không ổn định tổ chức là sự đối xử, một cách nhìn không đúng và từ đó ngành du lịch không thể bật lên được.
"Ngày trước, Tổng cục Du lịch đã hết sức cố gắng khi ra được Cục Xúc tiến. Đó là linh hồn của hoạt động xúc tiến, quảng bá. Nhưng rồi nhập vào Bộ lại mất luôn, nay chỉ còn Vụ Thị trường", ông Lương ngậm ngùi. Theo ông, đó là một sai lầm của du lịch Việt Nam khi không còn cơ quan chuyên làm xúc tiến.
Nhìn xa hơn, ông Lương thẳng thắn, cách nhìn nhận về du lịch chưa ổn: lúc thì xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, lúc lại lờ đi; lúc thì tách ra, lúc nhập vào (Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ VH-TT và Du lịch từ năm 2007).
"Nhập vào hiện nay là một vấn đề rất lớn mà ngành du lịch đang gặp phải. Chúng ta mất đi những con người làm du lịch chuyên nghiệp, những người tâm huyết. Họ bỏ đi. Giờ nhập vào một Bộ mà hai ngành khác đều tiêu tiền còn một ngành thì làm tiền - đó là một điều không logic mà lại vận hành trong một Bộ, một thể chế là không ổn", lời ông Lương.
Ông Lương nhận định, xúc tiến du lịch khác với xúc tiến thương mại, xúc tiến văn hoá. Nếu cho rằng xúc tiến du lịch giờ chỉ là một phần của xúc tiến văn hoá thì không ổn. Chẳng hạn, Thái Lan sau khi cơ cấu lại cơ quan quản lý du lịch, phần lớn chức năng tập trung cho công tác xúc tiến. Singapore cũng vậy.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn trả lời VietNamNet rằng, Tổng cục Du lịch giờ sáp nhập và trở thành một thành viên thuộc Bộ VH-TT và Du lịch, mọi hoạt động phải nằm trong sự điều hành chung của Bộ. Và ông vẫn nhất quán một cách tiếp cận rằng quảng bá xúc tiến du lịch cần gắn với quảng bá về đất nước con người Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho biết quan điểm trên là đúng, song đã hơn 10 năm nay ngành du lịch đã thực hiện công việc này.
Ông Võ Anh Tài thì nhận xét, dù dưới hình thức tổ chức nào, Việt Nam cũng nên có đầu mối thực hiện công tác xúc tiến du lịch. Vấn đề tên gọi hay hình thức tổ chức ra sao tuỳ thuộc vào nhiều vấn đề, song, cơ quan này phải đóng vai trò dẫn dắt các hoạt động xúc tiến, quảng bá và mang lại hiệu quả thực sự cho du lịch Việt Nam.
-
Hà Yên