- Nguồn điện đã bớt căng thẳng hơn nhưng hệ thống điện quốc gia lại đối mặt với không ít bất ổn vì hệ thống các công trình truyền tải chậm tiến độ.
Ngoài thừa, trong thiếu
Đó là tình trạng mà lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhiều lần nhắc tới tình hình cung ứng điện của Hà Nội: nguồn điện bên ngoài thì đủ nhưng điện vào thành phố lại... thiếu!
Lưới điện phải đáp ứng nhu cầu đấu nối của các nhà máy điện. (Ảnh: VNN) |
Năm nay, EVN không hề phân bổ công suất điện cho Hà Nội song, dịp tháng 6/2009 vừa qua, mất điện vẫn diễn ra như cơm bữa. Nguyên nhân không phải vì thiếu nguồn điện mà vì hệ thống lưới điện quá kém, không đủ năng lực truyền tải công suất điện theo nhu cầu.
Báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch phát triển điện năm 2010, EVN đã cho hay, nhiều công
Trong 8 tháng đầu năm, EVN đã vận hành được 25 công trình lưới điện truyền tải. Năm nay, EVN khởi công 32 công trình 220-500kV, trong đó có 11 công trình 500kV, 21 công trình 220kV, hoàn thành đóng điện 49 công trình, trong đó, 5 công trình lưới điện 500kV và 44 công trình lưới điện 220kV. |
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương Hà Nội cũng xác nhận việc thực hiện các công trình lưới điện của Hà Nội đạt chưa đến 10% so với kế hoạch. Tất cả các công trình trạm biến áp 110-220kV và đường dây 110-220kV, đường dây trung thế… đều bị chậm. Nhiều trạm biến áp đã hoạt động 100% công suất, vượt hệ số an toàn.
Vì sự chậm trễ này, dưới cái nóng bức trên 36 độ C hồi tháng 6/2009, người dân Hà Nội đã phải lãnh đủ hậu quả của việc quá tải và mất điện triền miên trong nhiều đêm. Hơn 200 trạm biến áp và các đường dây trung thế, hạ thế tại các trạm phân phối của nhiều khu vực đều bị quá tải.
Cùng đó là công tác dự báo lại không sát thực tế. Ông Thắng nói, ví dụ đơn giản nhất là mức tăng trưởng nhu cầu điện của Hà Nội năm nay là từ 17-22%, trong khi theo quy hoạch lưới điện Hà Nội giai đoạn 2006-2010 chỉ dự báo phụ tải tăng 14%.
Vừa qua, EVN đã cho cấy thêm công suất 3 trạm biến áp 220kV là trạm Hà Đông, Chèm và Mai Động, mỗi trạm thêm 250MVA, nâng công suất của mỗi trạm này lên thành 750MVA. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi khi đó, công ty điện phải xây dựng thêm tuyến đường dây 110kV và đường dây trung thế để gánh công suất ấy.
Do vậy, năm 2010, khi các nguồn điện mới tiếp tục hoà vào lưới điện quốc gia thì Hà Nội cũng chẳng thể nào tiếp nhận thêm công suất điện. Người dân Thủ đô sẽ có thể phải tiếp tục chịu cảnh điện đóm phập phù như đợt nắng nóng vừa rồi.
Nguồn điện bổ sung "vô duyên" vì truyền tải kém
Hà Nội chỉ là ví dụ điển hình nhất cho câu chuyện lưới điện bị quá tải. Theo ông Nguyễn Đình Thắng, nhiều địa phương cũng bị mất điện với lý do tương tự như Hà Nội.
Hiện nay, hệ thống lưới điện miền Bắc chỉ đủ gánh công suất truyền tải là 3.600MW trong khi, nhu cầu truyền tải lên tới 5.800MW.
"Cần phải tăng cường trách nhiệm của EVN trong việc đầu tư đường dây truyền tải điện theo quy hoạch phù hợp với tiến độ phát điện và nhu cầu đấu nối của các nhà máy. Trường hợp EVN chưa đầu tư thì thoả thuận với các chủ đầu tư xây dựng theo quy hoạch, sau đó, EVN tiếp nhận quản lý, vận hành và hoàn vốn cho các nhà đầu tư." (Đại diện Tổng công ty Sông Đà đề nghị) |
Ban chỉ đạo Quy hoạch 6 đã đánh giá, khi đường dây 500kV Quảng Ninh - Thường Tín chậm tiến độ thì sẽ không thể đáp ứng tiến độ hoà đồng bộ chạy điện các dự án Quảng Ninh I, Cẩm Phả I.
Đường dây 500kV Ô Môn - Nhà Bè và đoạn Cai Lậy - Nhà Bè chậm nên cũng chưa thực hiện được nhiệm vụ tải điện của tua bin khí hỗn hợp Cà Mau 2 và nhiệt điện Ô Môn 1-1 về trung tâm phụ tải điện khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Hay như, trạm biến áp 500kV Hiệp Hoà bị chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát điện của các tổ máy số 3-6 Thuỷ điện Sơn La.
Khi tham dự cuộc hội thảo về quy hoạch năng lượng của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gần đây, nhiều chủ đầu tư ngoài EVN cũng đã lên tiếng than phiền về sự ì ạch của các công trình lưới điện này.
Tổng Công ty Sông Đà, một đơn vị đầu tư khá nhiều công trình thuỷ điện cho biết, tại tỉnh Lào Cai, đến năm 2010, ngoài dự án Sử Pán 2 của Sông Đà, có 27 dự án điện khác sẽ đi vào hoạt động. Trong khi kế hoạch của Công ty Điện lực 1 đến năm 2015 mới xây dựng đường điện 110kV, còn đường dây 220kV thuộc trách nhiệm của EVN thì vẫn chưa có quyết định đầu tư hay không.
Chủ đầu tư này lo ngại, nhiều dự án điện hoàn thành, nhưng đường điện đấu nối vẫn chưa được đầu tư. Nếu phát điện thì… không biết bán điện đi đâu, bằng cách nào. Tình trạng này cũng xảy ra tại các tỉnh như KonTum, Quảng Nam.
Quy hoạch hiệu chỉnh lưới điện truyền tải 220- 500kV đáng lẽ phải xong vào tháng 12/2008 theo yêu cầu của Chính phủ thì đến nay, đề án vẫn chưa hoàn thành và chưa chọn xong tư vấn nước ngoài để kiểm tra, tính toán lưới truyền tải. Dự kiến, quy hoạch này phải vào cuối năm 2009 mới xong.
Có thể thấy nhiều năm qua, chúng ta chỉ chú trọng nguồn điện mà xem nhẹ vai trò của lưới điện. Vì vậy, năm 2010, nguy cơ thiếu điện miền Bắc vì... không có đường truyền vẫn còn treo lơ lửng.
-
Phạm Huyền