- Có mặt tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) ngày 30/8 để xúc tiến, quảng bá du lịch, đoàn Việt Nam phát hiện có tới 5 nước khác cũng đang tiến hành hoạt động tương tự tại đây. Cuộc đua xúc tiến đang ở giai đoạn quyết liệt.
Vạn Lý Trường Thành, điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều khách đến từ Việt Nam. (Ảnh: H.Y)
Giai đoạn khốc liệt
Đón đầu cơ hội hút khách khi kinh tế hồi phục, các quốc gia đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Điều này thể hiện rõ nhất ngay ở các nước lân cận Việt Nam.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Vụ phó Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết, Thái Lan đang tìm kiếm điểm sáng marketing trong bối cảnh du lịch thế giới gặp nhiều khó khăn.
Tiếp theo những chiến dịch quảng bá từ đầu năm, Cơ quan Du lịch quốc gia Thái Lan (TAT) vừa công bố chiến dịch marketing tổng hợp cho giai đoạn 2009-2010, trên cơ sở những thế mạnh lâu dài của đất nước họ như vị trí địa lý, giá cả hợp lý, hình ảnh ấn tượng và sự đa dạng của các sản phẩm cũng như dịch vụ.
Chiến lược này tập trung vào các hoạt động marketing trên mạng, các phương tiện truyền thông xã hội và các chương trình du lịch trọn gói nhằm vào các thị trường gần, các nước láng giềng và tích cực tìm kiếm thị trường mới cũng như các sản phẩm du lịch chuyên đề.
Đối với Việt Nam, bà Khun Supawan Teerarat - đến từ Tổng cục Du lịch Thái Lan - tiết lộ, cơ quan này phát hiện ra một xu hướng mới là khách Việt sang Thái rất chuộng loại hình tổ chức du lịch MICE. Năm 2008 có gần 340.000 khách du lịch Việt Nam đã sang Thái Lan, tăng 42,6% so với 2007.
Chính vì thế, mới đây nhất, họ đã nhanh nhạy tung ra gói du lịch mới trên để hút luồng khách này.
Ngày 25/8, các cơ quan chức năng của Thái Lan đã tới ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để tổ chức chuỗi hội nghị "kéo" khách du lịch và thương nhân.
Tại đây, họ giới thiệu chiến dịch mới “Thêm một đêm, thêm nụ cười” nhằm kéo dài kỳ lưu trú của khách trong giai đoạn từ 7/2009 đến 09/2010. Ở hơn 3 đêm, khách sẽ được thêm 1 đêm miễn phí.
Khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
(Ảnh: chudu24)
Trước đó, Cơ quan Xúc tiến Du lịch Malaysia cũng sang Việt Nam để quảng bá du lịch và lôi kéo 150.000 du khách Việt Nam đến đất nước này trong năm 2009.
Hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đang diễn ra sôi động, nhắm tới các thị trường mà mỗi nước xác định là trọng điểm.
Ông Vũ Thế Bình, phụ trách Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) kể rằng, ngày 30/8, khi đoàn của Tổng cục Du lịch tới Thẩm Quyến (Trung Quốc) thì có tới 5 nước khác cũng đang tiến hành quảng bá tại đây, như Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore...
Ông Bình nhận xét, trong nỗ lực giành lại thị phần khách tại các thị trường, cuộc đua xúc tiến đang ở trong giai đoạn quyết liệt. Nước nào quảng bá mạnh, quảng bá tốt sẽ thắng.
Chỉ thành công khi có kế hoạch dài hạn
Theo bà Ngô Hải Anh, đại diện Hãng hàng không Malaysia Airlines, kinh tế càng suy giảm, du lịch càng cần phải có nhiều chương trình quảng bá nếu không muốn hình ảnh của Việt Nam bị chìm vào quên lãng.
"Thường thì bao giờ các nước cũng kết hợp chặt chẽ với các hãng hàng không, công ty lữ hành, chuỗi nhà hàng, trung tâm mua sắm lớn. Chính phủ cũng phải phối kết hợp chặt chẽ cho các đối tượng trên để kích thích đi du lịch nhiều hơn. Điều này Thái Lan làm rất tốt", bà Hải Anh nhìn nhận.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đang lên kế hoạch "ra quân" quảng bá rầm rộ.
Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục HTQT (Bộ VH-TT và Du lịch), cho biết, ngoài chương trình roadshow Bắc Kinh tại 5 thành phố lớn của Trung Quốc, sẽ quảng bá đồng loạt Việt Nam trên các tạp chí hàng đầu về du lịch, trên kênh truyền hình CNN, mời các đoàn báo chí vào Việt Nam...
Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính và nhân sự hạn hẹp, Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh với các nước này về mặt tài chính, mà phải vượt qua họ bằng cách khôn ngoan hơn và hiệu quả hơn họ.
Yếu và thiếu của du lịch Việt Nam lâu nay vẫn được nhắc tới nằm ở Chiến lược quảng bá xúc tiến.
Ông Kai Marcus Schröter, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn quản lý HTM (quốc tịch Đức) - người đã sống ở Việt Nam 12 năm và là chuyên gia từng tư vấn về du lịch cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia - nhấn mạnh, việc quảng bá, xúc tiến du lịch chỉ thành công khi có kế hoạch dài hạn.
"Bất kỳ hoạt động xúc tiến nào, bao gồm cả quảng cáo trên TV, cũng phải theo kế hoạch từ trước. Quảng cáo phải đúng nơi, đúng thời điểm, tần số xuất hiện hợp lý và điều quan trọng nhất, nên kết hợp những hoạt động marketing khác như thương hiệu quốc gia nổi tiếng, chiến dịch khuyến mại, website hay các brochures...
Mặt khác, nếu thông điệp quảng bá đưa ra yếu ớt, thời gian và tiền bạc dành cho công tác này sẽ mất", ông cảnh báo.
Vị này tin rằng, tiền bạc không thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Những gì mà Việt Nam cần là tái cấu trúc lại bộ máy quản lý du lịch và phân bổ lại nguồn ngân quỹ. Hơn nữa, đó là tiếp tục sửa đổi tiến trình hoạch định chính sách theo hướng cởi mở, minh bạch, được dẫn dắt bởi những người làm du lịch chuyên nghiệp.
-
Hà Yên