- Tiếp tục giảm giá, kéo dài thời gian giảm hay tăng giá trở lại... đang là bài toán khó với "Ấn tượng Việt Nam" - chương trình giảm giá du lịch do Tổng cục Du lịch phát động từ đầu năm nay.
Khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu tăng trở lại từ tháng 8/2009.
(Ảnh: chudu24)
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ đồng thời đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng nhóm Khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa TP.HCM, trả lời PV.VietNamNet về chương trình này.
Còn sự "bơi ngược dòng"
- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả chương trình Ấn tượng Việt Nam (Impressive Vietnam) sau 7 tháng triển khai?
Qua 7 tháng, riêng nhóm chúng tôi đã khai thác được trên 7.000 khách mua tour trọn gói du lịch các tỉnh miền Bắc và Hành trình di sản miền Trung bằng vé máy bay giảm giá của Vietnam Airlines. Đó là chưa kể lượng khách miền Trung, miền Bắc Nam "tiến" được các nhóm khuyến mãi địa phương khai thác. Con số này thật sự khích lệ bởi gấp 2-3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, ta có thể hiên ngang cạnh tranh với giá tour Thái Lan, Malaysia, Singapore...
Tuy nhiên, thành công nhất vẫn là hiệu ứng từ chương trình kích cầu du lịch nội địa đã kích thích trực tiếp đến ngành cung ứng dịch vụ du lịch phải tìm biện pháp giảm giá, thu hút khách trong tình hình kinh tế toàn cầu đang đi xuống.
Tôi còn nhớ, đầu năm 2009, khi Tổng cục bắt đầu phát động chương trình với giá tour giảm đến 50%, không ít khách sạn đã phản ứng.
Lý do, từ cuối năm 2008, họ đã liên tiếp giảm giá, nay tiếp tục giảm sẽ lỗ hoặc tự hạ thấp giá trị thực. Rồi ngành ăn uống, các điểm tham quan, phương tiện vận chuyển đường bộ, đường sắt, tàu thuyền cũng một mực từ chối giảm giá.
Song, tình hình hiện nay đã khác đi. Hầu hết khách sạn đều giảm giá khuyến mãi mặc dù hình thức có khác nhau, bằng biện pháp này hay phương pháp khác. Thậm chí, một số khách sạn ở Hạ Long, Hội An, Huế, Mũi Né chấp nhận giảm giá hơn 30%. Sắp tới trong mùa Thu Đông, giá cả còn có khả năng giảm tiếp.
Ở một góc độ khác, chính từ chương trình này đã khuyến khích khách nội địa đi tour tiêu xài trong nước nên phần nào bù đắp được thất thu do khách inbound giảm.
- Nói vậy nhưng cũng còn nhiều hạt sạn, bởi ở nơi này nơi kia vẫn không có tiếng nói chung hoặc cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá, thưa ông?
Đúng là có những câu chuyện đã xảy ra tôi cho là bài học đắt giá với những người làm du lịch chỉ muốn thu vén cho mình và không muốn chia sẻ khó khăn với ngành.
Lúc mới phát động, chương trình "Ấn tượng Việt Nam" rơi vào thời điểm đầu năm, khách du lịch chưa đông. Một số khách sạn nằm trong khu vực nổi tiếng của cả nước như Hà Nội, Vũng Tàu, Nha Trang, Mũi Né... thỏa thuận với các đơn vị tham gia khuyến mãi với giá thuê phòng phải chăng. Công việc tưởng chừng trôi chảy vì lượng khách của hai bên tăng vọt thấy rõ.
Trong quá khứ, du lịch Việt Nam chưa hề có một cuộc vận động khuyến mãi kích cầu quy mô như lần này. Và cũng chưa bao giờ “đại gia” Vietnam Airlines lại giảm vé tới 60% trên các tuyến bay trọng điểm và tích cực hợp tác, tư vấn với hãng lữ hành để tăng cường thế mạnh khai thác. Cũng vậy, khách sạn, những đối tác mà các hãng lữ hành thường đánh giá “khó chơi” thì nay hầu hết đều hưởng ứng giảm giá từ 15 đến 30%. Thậm chí, có những resort đẳng cấp 4, 5 sao đã giảm tới 40% hoặc hơn thế. (Ông Trần Thế Dũng)
Song, ít tháng sau, du lịch bắt đầu khởi động thì khách sạn bỗng dở quẻ, thẳng thừng từ chối khách đoàn, tập trung dành phòng đón khách vãng lai nhằm chặt chém, tăng lợi nhuận. Kinh doanh thực dụng theo kiểu này thực tế chỉ kéo dài được 2 tháng, vì khách càng ngày càng vắng.
Cuối cùng, họ cũng phải “muối mặt” gặp lại đối tác để mời chào, thậm chí chấp nhận giảm mức giá tối thiểu. Nhưng dù thế nào đi nữa cũng không đối tác nào dám hợp tác, bởi “buôn có bạn, bán có phường”.
Nên làm "cú đúp" giảm giá
- Theo ông, chương trình này nên kết thúc vào thời điểm nào là hợp lý? Sau một thời gian dài giảm giá, việc tăng giá trở lại nên được tiến hành như thế nào?
Tìm giải pháp giảm giá kích cầu đã khó bởi phải trải qua một thời gian lãnh đạo ngành du lịch hoạch định rồi phát động. 4 tháng sau, chương trình mới thật sự phát huy tác dụng, tức là nhận được sự hưởng ứng từ các nhà cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, nói đến việc tăng giá trở lại thì khó trăm bề.
Cho nên, lúc này mà nói đến việc thời điểm kết thúc chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch e rằng hơi sớm, cho dù chương trình “Ấn tượng Việt Nam” tiếp tục kéo dài đến hết năm 2009 thay vì chỉ đến tháng 9 như dự kiến ban đầu và nguồn khách nội địa tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành du lịch vừa chống đỡ khủng hoảng kinh tế, nay lại thêm dịch cúm A/H1N1. Trong khi đó, đời sống xã hội bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng ngày càng khó khăn hơn.
Không cần nói sâu xa. Tôi lấy ví dụ, hiện tại giá tour khuyến mãi trọn gói sử dụng máy bay thăm thú miền Bắc khoảng 5,2 triệu đồng/khách (trong 6 ngày) hay 3,1 triệu đồng/khách (5 ngày) với du lịch miền Trung.
Nếu theo lộ trình, chương trình sẽ kết thúc vào cuối năm và tất nhiên bước sang năm 2010 tăng giá trở lại với giá tour miền Bắc là 8 triệu đồng và 5,2 triệu đồng tour miền Trung. Tôi nghĩ khi đó chắc chắn chẳng mấy người đăng ký mua tour.
Ngoài ra, không khéo khách sẽ quay lưng với tour nội địa và lại mua tour nước ngoài vì giá tour vốn dĩ đã rẻ hơn, nay còn rất hấp dẫn do chiến dịch thu hút khách của các nước trong khu vực thường kéo dài. Cũng giống như người bệnh nặng phải tốn công tốn sức điều trị dài hơi, nếu không sẽ què quặt, sống dở chết dở.
Do vậy, theo tôi, thời điểm để kết thúc chương trình và ổn định lại giá cả thị trường sớm nhất cũng phải hết quý III/2010.
Tất nhiên, điều đó còn phải lệ thuộc vào đời sống kinh tế - xã hội có phục hồi sớm không.
Hơn nữa, để phục hồi giá cả trở lại, phải có lộ trình và tăng dần dần với sự hợp lực từ những đơn vị cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ về chính sách thuế. Cơ quan quản lý ngành, quản lý lý kinh tế địa phương cũng phải vào cuộc tìm biện pháp để khống chế giá.
Trước đó, mặc dù Chính phủ, Tổng cục Du lịch đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành du lịch nhằm chống đỡ khủng hoảng và sớm ổn định kinh tế, nhưng kết quả chưa được như ý muốn.
- Sắp tới khi kinh tế hồi phục, khách sẽ đi du lịch trở lại. Cơ quan quản lý và các DN cần chuẩn bị gì để có kéo khách đến Việt Nam, nhất là khi có thể tâm lý và nhu cầu của khách đã thay đổi sau khủng hoảng và dịch bệnh?
Tôi nghĩ có 3 biện pháp: nâng chất lượng sản phẩm du lịch; ổn định giá tour nhưng phải giảm ở mức chấp nhận được và cuối cùng là công tác tổ chức, nhân sự được đồng bộ, chuyên nghiệp hơn.
Ông Trần Thế Dũng. (Ảnh: TTD)
Cần lưu ý kinh tế hồi phục không có nghĩa là đời sống sung túc ngay. Do vây, sự cân đối chi tiêu của khách du lịch cũng sẽ phải dè sẻn, tính toán.
Để có thể ổn định được giá cả thị trường du lịch không thể không nói đến sự hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ, bao gồm vận chuyển (xe cộ, máy bay, du thuyền, tàu hỏa), lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan, các trung tâm mua sắm quà lưu niệm.
Thật ra, biện pháp này hoàn toàn không mới bởi nhiều năm qua, các nước trong khu vực đã thực hiện thành công.
Song hiện tại, Việt Nam vẫn chưa làm được. Nguyên do xuất phát từ sự nghi ngại, tính toán thực dụng và xem nhẹ lợi ích chung. Bằng chứng là xưa nay đã có nhiều tổ chức hình thành liên doanh, nhóm... nhằm tăng thêm thế mạnh cạnh tranh, thu hút khách, cuối cùng đều không tồn tại.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì khả năng hợp tác giữa các nhà cung ứng dịch vụ để nâng chất lượng sản phẩm, ổn định giá tour nhằm thu hút khách vào Việt Nam lại là điều khả thi.
Có thể thấy, cho đến lúc này, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã “ngấm đòn” từ khủng hoảng kinh tế và đang dao động vì chẳng biết tình hình sẽ diễn biến ra sao. Nhưng điều tích cực là họ sớm nhận ra rằng, cần phải dựa lưng hợp tác giảm giá kích cầu song song với việc tăng cường quảng bá.
Tại sao ngành du lịch không làm thêm một "cú đúp" giảm giá bằng việc tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ, bộ ngành để được hỗ trợ hình thành chiến lược hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch nhằm ổn định giá tour, cạnh tranh thu hút khách với các nước trong khu vực.
Kế tiếp, phải nói tới vai trò làm cầu nối hợp tác, đồng thời đôn đốc kiểm tra của Hiệp hội Du lịch. Và trong quyền hạn, ngoài việc tạo tiếng nói chung, khen thưởng những doanh nghiệp làm tốt thì vẫn có thể kêu gọi hội viên tẩy chay nếu có vi phạm về luật chơi, cạnh tranh thiếu lành mạnh hoặc “bơi ngược dòng”.
Rất tiếc, trong chiến lược "Ấn tượng Việt Nam", vai trò của Hiệp hội Du lịch khá mờ nhạt, chưa thể hiện tinh thần năng động.
- Xin cảm ơn ông.
-
Hà Yên (thực hiện)