- Kinh tế trong nước đã dần trở lại ổn định, nhu cầu vốn tăng lên. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc dỡ bỏ trần lãi suất để quay về cơ chế lãi suất thỏa thuận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, điều này là không dễ.
Ngân hàng gặp khó với trần lãi suất
Cuộc đua lãi suất kéo dài trong mấy tháng qua đã đẩy lãi suất huy động VND trên thị trường lên trên 9% đối với kỳ hạn 12 tháng. Thậm chí, qua khuyến mãi, lãi suất huy động vốn vượt 10% là khá phổ biến trên thị trường hiện nay.
Trong khi đó, lãi suất đầu ra cho sản xuất kinh doanh vẫn đang được khống chế ở mức 10,5%/năm. Thậm chí, mới đây, BIDV tiến hành thu hút vốn vay với kỳ hạn dài 5 năm lên đến 10,5% - một mốc rất nhạy cảm khi chạm trần lãi suất cho vay hiện nay.
Nhu cầu vốn tăng cao, ngân hàng đang muốn tăng lãi suất nhưng vướng trần. (Ảnh: tin24h)
Theo các chuyên gia, để đảm bảo kinh doanh có lãi, mức chênh lệch lãi suất vào ra khoảng 3 -4%. Với mức huy động và cho vay hiện nay tính riêng cho từng kỳ hạn thì các ngân hàng có thể lỗ.
Tuy nhiên, đây là vốn huy động dài hạn và việc tăng lãi suất hiện nay ngoài huy động vốn để đảm bảo vốn vay, các ngân hàng còn có kỳ vọng vào sự tăng lên của lãi suất cơ bản.
Tăng lãi suất huy động sát với trần lãi suất, nếu lãi suất cơ bản tăng hoặc được dỡ bỏ thì ngân hàng không lo lỗ.
Thậm chí, nguồn vốn huy động lúc này với lãi suất sát trần được cho là cao, nhưng về sau, khi lãi suất cơ bản được nâng lên hoặc được dỡ bỏ, kéo theo lãi suất đầu vào tăng, thì nguồn vốn huy động lúc này trở thành vốn giá rẻ.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi của Vietinbank, chênh lệch lãi suất bình quân đầu vào và đầu ra của nhiều ngân hàng rất thấp, dưới 2,0%. Để hoạt động có lãi, các ngân hàng thương mại đã mở rộng cho vay tiêu dùng, chứng khoán - lĩnh vực được áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận.
Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng có nguy cơ nóng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát chặt chẽ kênh này, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra với tín dụng trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Bị chặn bởi mức lãi suất cho vay tối đa, phải hạn chế ở mức nhất định dư nợ cho vay tiêu dùng và chứng khoán, trong khi giá đầu vào cao, một số các NHTM đã tìm mọi cách thu phí của khách hàng dù nhiều loại phí không được phép và nếu phát hiện, ngân hàng sẽ phạm luật.
Theo bà Mùi, với những diễn biến vài tháng qua trên thị trường tín dụng, một câu hỏi đặt ra: Có nên tiếp tục khống chế trần lãi suất cho vay đối với các NHTM và lúc này đã thực hiện được cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận chưa?
Đây là câu hỏi cũng được nhiều người đặt ra tại các diễn đàn về chính sách tiền tệ cho giai đoạn hậu khủng hoảng. Thực tế là, các NHTM đang chịu áp lực huy động vốn rất lớn, nhu cầu vốn cho vay trung và dài hạn đang tăng cao khi nền kinh tế hồi phục.
Nhưng do vướng trần nên dù tăng lãi suất, vốn dài hạn vào ngân hàng vẫn không như mong đợi. Chính lúc này, chính sách tiền tệ càng được đòi hỏi phải theo sát thị trường.
Khó bỏ ngay
Theo bà Mùi khi nền kinh tế có dấu hiệu bất ổn, lãi suất biến động quá mạnh như năm 2008, NHNN khó kiểm soát lãi suất, thì việc khống chế trần lãi suất là cần thiết.
Vài tháng trở lại đây, lãi suất vẫn có biến động, nhưng trong phạm vi kiểm soát dễ dàng của NHNN, thì rất cần tính đến việc bỏ trần lãi suất cho vay tối đa, chuyển sang thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận.
Bỏ lãi suất cơ bản, các ngân hàng cũng chưa đồng thuận. (Ảnh: Mai Anh)
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) lại giữ quan điểm khác. Ông cho rằng, cơ chế điều hành lãi suất cơ bản là phù hợp với các quy định của Luật Dân sự, cũng như đáp ứng mục tiêu của chính sách tiền tệ hiện nay và các năm tới đây là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Bảo nhấn mạnh, nguy cơ lạm phát cao chưa được ngăn ngừa một cách vững chắc, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, hệ thống các NHTM còn nhiều hạn chế; thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, chứng khoán còn chứa đựng những nguy cơ bất ổn... kéo theo các rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Vì thế, trong giai đoạn hậu suy giảm kinh tế, việc tiếp tục lãi suất cơ bản là một giải pháp thích hợp. Sự thay đổi cơ chế điều hành lãi suất theo hướng tự do hoá phải trên cơ sở đánh giá một cách khoa học và thực tiễn các điều kiện kinh tế.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, nhưng ông Nguyễn Đức Hưởng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt, cũng ủng hộ quan điểm trên của ông Bảo.
Theo ông Hưởng, cần tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất cơ bản, coi đây là mức lãi suất tham chiếu tin cậy cho thị trường. Muốn vậy lãi suất cơ bản phải đóng vai trò kiên trì thực hiện định hướng điều hành kinh tế vĩ mô và bám sát diễn biến thị trường, phản ánh được cung cầu vốn thực tế.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho rằng, giữ lãi suất cơ bản thấp có tác dụng tích cực trong kích thích đầu tư, giảm khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Còn theo bà Mùi, có thể, ít nhất cũng phải hết năm 2009, lãi suất cơ bản vẫn cần thiết nhưng để tránh méo mó trong hoạt động tín dụng, NHNN nếu vẫn muốn giữ trần cho vay thì nên cho phép các NHTM thu một số phí trong hoạt động tín dụng theo thông lệ.
Bên cạnh đó, để bỏ được lãi suất cơ bản cần phải xác định rõ công cụ thay thế, cũng như vai trò kiểm soát của NHNN và thời gian để các doanh nghiệp có thời gian chấp nhận giá mua vốn theo tín hiệu thị trường.
Một trong những hỗ trợ đó có thể tính đến, là tiếp tục gói hỗ trợ với qui mô nhỏ hơn, thời gian hỗ trợ ngắn hơn, đối tượng hỗ trợ hẹp hơn, với mức hỗ trợ thấp hơn.
-
Phước Hà