221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1235853
Dự án điện hạt nhân: Đối tác Nhật Bản đang "sáng giá"
1
Article
null
Dự án điện hạt nhân: Đối tác Nhật Bản đang 'sáng giá'
,

 - Tháng 10 tới, dự án đầu tư điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ trình Quốc hội. Bộ Công Thương hé mở, Nhật Bản là ứng cử viên số 1 cho việc nhập khẩu công nghệ.

3.800USD cho một kW điện hạt nhân

Nếu các tính toán này trong báo cáo đầu tư dự án điện hạt nhân được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là dự án điện đắt nhất của Việt Nam.  

Mô tả ảnh.
Nhà máy điện hạt nhân tại Pháp: Chỉ xả hơi nước chứ không phát thải các chất thải, khí độc hại ra ngoài như nhiệt điện than (ảnh:khoahoccongnghe)

Vào tháng 5/2008, Viện năng lượng đã từng công bố, suất đầu tư của điện hạt nhân ở Việt Nam dự kiến vào khoảng 1.800- 2.000USD/kW, gấp đôi tỷ suất đầu tư của nhiệt điện than. 

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí hôm qua, 16/9, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương đã đưa ra một con số cao gấp rưỡi: sẽ phải là 3.500USD-3.800USD/kW. Ngân sách để phát triển điện hạt nhân khoảng gần 1 tỷ USD. 

Đây mới chỉ là con số dự kiến nhưng không thể phủ nhận rằng, việc gia tăng giá thành đầu tư đang là một thách thức lớn của ngành điện Việt Nam. Với suất đầu tư trên, một tổ máy 1.000MW điện hạt nhân sẽ có tổng vốn đầu tư lên tới 3 - 4 tỷ USD, gấp 3 lần mức đầu tư nhiệt điện.  

Với giá thành “đắt đỏ” này, chắc chắn, hiệu quả kinh tế của dự án điện hạt nhân đầu tiên cần được “mổ xẻ” một các kỹ lưỡng và thận trọng trong thời gian tới.

Ông Hường cũng phải công nhận rằng, điện hạt nhân sẽ không thể cạnh tranh với thuỷ điện hay với nhiệt điện khí và nhiệt điện dùng than nội. 

Tuy nhiên, nếu xét ở thời điểm điện hạt nhân vận hành từ năm 2020-2025, là khi  Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than từ nơi xa như Nga, Ấn Độ thì chắc chắn, điện hạt nhân sẽ có giá cạnh tranh tốt hơn. 

Ngoài nỗi hoài nghi về việc điện hạt nhân đắt hay rẻ, vấn đề ai là chủ đầu tư dự án này cũng đã làm dấy lên luồng ý kiến lo ngại không kém.

Chính phủ đã giao dự án điện hạt nhân đầu tiên này cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm nhiệm. Trong khi đó, mới năm ngoái, chính Tập đoàn này đã phải “trả” lại Chính phủ 13 dự án nhiệt điện than vì  không thể thu xếp được vốn. 

Trước băn khoăn này, người đứng đầu cơ quan đặc trách về năng lượng quốc gia quả quyết: “Ở Việt Nam hiện nay, làm điện tốt nhất vẫn phải là EVN. Mặc dù, Việt Nam đã có một loạt các tổng công ty, tập đoàn khác tham gia làm điện như Dầu khí, Than- Khoáng Sản hay Sông Đà nhưng xét trong lĩnh vực điện thì các đơn vị này không thể bằng EVN được.”


Việt Nam cần sự hỗ trợ thêm về tài chính

Mô tả ảnh.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận (ảnh:EVN)

 Trong một năm qua, có khá nhiều nước đã chào công nghệ điện hạt nhân vào Việt Nam như Pháp, Canada, Hàn Quốc… Bộ Công Thương cũng đã ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với rất nhiều nước. 

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Chính phủ đã thông qua Báo cáo định hướng quy hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030 do Bộ Công Thương trình, Báo cáo đầu tư  và kết quả thẩm định Dự án Nhà máy điện hạt nhân do bộ KH-ĐT trình.

Hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đặt tại Ninh Thuận, mỗi nhà máy có diện tích 500ha, tổng công suất 4x1.000MW. Năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ vận hành. 

Nguyên liệu Uranium dự kiến sẽ được đàm phán nhập khẩu ngay từ nước cung cấp công nghệ.  

Việc chôn vĩnh cửu chất thải phóng xạ sẽ được Bộ KH-CN trình Thủ tướng dưới dạng một đề án độc lập. Trước mắt, Việt Nam sẽ áp dụng hình thức chôn tạm thời, lưu giữ chất thải phóng xạ tại nhà máy.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn hợp tác phát triển điện hạt nhân Việt Nam- Nhật Bản hôm 16/9, ông Yahagi Tomoyoshi- Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ : “Nhật Bản có thể hợp tác với Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là sau khi tổ máy số 1 vận hành vào năm 2020, đồng thời, có thể sẽ có cơ chế để huy động tài chính cho Việt Nam.”

Ngược lại, các đề xuất của Việt Nam về việc lựa chọn công nghệ cũng phù hợp với thế mạnh hiện nay của Nhật Bản. 

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề xuất sẽ chọn 1 trong 2 loại công nghệ điện hạt nhân. Đó là lò áp lực hoặc lò nước sôi nhưng là lò nước nhẹ. Đối với Nhật Bản, công nghệ lò nước sôi đã phát triển mạnh và đây cũng là quốc gia  có độ an toàn điện hạt nhân rất lớn. 

Ông Tạ Văn Hường cho hay, loại công nghệ này hiện chiếm gần 70% trong các nhà máy hạt nhân trên toàn thế giới. Do đó, nó có độ tin cậy cao. 

Không khẳng định ngay về việc có lựa chọn hợp tác với Nhật Bản hay không, song vị quan chức này đánh giá: “Bởi các lẽ trên, Nhật Bản sẽ là nước tiềm năng để chúng ta đàm phán, nhập khẩu công nghệ đó về. Còn loại lò nước nặng của 2 đối tác Canada và Ấn Độ coi như đã bị loại trừ”.

Ông Hường còn “ngụ ý”: “Khi chọn nhập bất cứ  một công nghệ nào về mà là công nghệ đầu, ngoài vấn đề chuyên môn, chúng tôi sẽ còn đánh giá các vấn đề liên quan về mặt quan hệ kinh tế- xã hội, quan hệ chính trị giữa 2 dân tộc”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Bùi Xuân Khu cho biết: “Đây là lĩnh vực mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong khi phía Nhật Bản cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của công chúng Việt Nam về dự án này. Tháng 9 năm ngoái, đoàn cán bộ của Việt Nam cũng đã sang tham quan, học hỏi điện hạt nhân tại Nhật Bản. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam rất tích cực trong lĩnh vực này”.

Đặc biệt, tháng 5/2008, hai nước cũng đã ký thoả thuận hợp tác với các nội dung quan trọng như Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, xây dựng qui chế an toàn nhà máy điện hạt nhân… 

Tương lai chỉ 3 năm tới, Việt Nam sẽ từ nước xuất khẩu năng lượng chuyển sang nhập khẩu năng lượng. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, e ngại về tính an toàn, về hiệu quả đầu tư song, nếu không đi theo con đường này thì việc thiếu năng lượng cũng coi như là không có cách giải quyết nào khác, ông Hường cho biết. 

  • Phạm Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));