Thị trường bánh trung thu đang ở cao điểm nóng nhất khi ngày Tết Trung thu đã cận kề. Lý do khiến bánh của các đại gia ngày càng thôn tính thị trường không hẳn là các thành phần độc đáo mà nhà sản xuất tốn nhiều công sức tìm tòi, nhiều người chọn mua vì thực phẩm an toàn.
Nhận định thị trường bánh Trung thu năm nay, nhiều hãng lớn đều công bố tăng sản lượng so với mùa trước, Đồng Khánh: tăng giá nhẹ khoảng 4%, sản lượng tăng dự kiến 10%. Bánh mứt kẹo Hà Nội tăng 10%. Tổng sản lượng dự kiến của Kinh Đô mùa Trung thu này là 1.600 tấn, tăng 10% so với năm 2008, trong đó dòng sản phẩm cao cấp tăng 50% sản lượng.
Tỉ lệ nghịch với sức tăng của các thương hiệu lớn, các loại bánh trung thu gia truyền của các cơ sở nhỏ lẻ, bánh của các làng nghề chỉ còn chiếm thị phần khiêm tốn trên thị trường. Điều này dễ nhận thấy khi trên thị trường tràn ngập tên tuổi và sự soán ngôi của những thương hiệu lớn: Kinh Đô, Hữu Nghị, bánh mứt kẹo Hà Nội…
Tiêu chí để lựa chọn bánh trung thu năm nay là an toàn vệ sinh thực phẩm
Các làng nghề làm bánh trung thu tại Hà Nội như thôn Đông (huyện Từ Liêm), Xuân La, Xuân Đỉnh năm nay vẫn nhộn nhịp làm nghề nhưng nhắm đến thị trường chính là các vùng nông thôn, các tỉnh xa. Những chiếc bánh trung thu gia công chỉ ghi nhãn chung chung như bánh nướng thập cẩm, bánh dẻo nhân gà quay, xá xíu… không có thông tin về chất bảo quản, thời hạn sử dụng thì... mặc nhiên là đến Trung thu, đã không còn sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Anh Trần Mạnh Hùng, quản lý kinh doanh, Công ty TNHH dịch vụ thương mại Mesa, nhận định, việc nhiều tấn mỡ mốc xanh, bì lợn thối đã bị cơ quan chắc năng phát hiện vào thời điểm thị trường bánh Trung thu nóng nhất đã khiến người tiêu dùng không còn lựa chọn khác, đổ xô sang tiêu thụ các sản phẩm bánh Trung thu có uy tín, có thương hiệu tốt. Không chỉ tại Hà Nội, hàng loạt đại lý tại các tỉnh phía Bắc đều bán chạy các loại bánh của các nhà sản xuất lớn.
Chị Lê Thanh Hà, chủ đại lý phân phối bánh trung thu Hữu Nghị cho biết, năm nay gia đình chị không bán đủ chủng loại bánh như mọi năm, do xu hướng những năm gần đây, sức mua sản phẩm của các thương hiệu lớn tăng mạnh. Bánh trung thu không tên tuổi dù giá rẻ, được chiết khấu cao nhưng tiêu thụ rất chậm và ngày càng ít khách mua. Thông thường, nếu cửa hàng không giới thiệu, mời chào khách mua thì hầu như không có ai hỏi.
Theo TS. Ngô Hải Yến, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, việc sử dụng những loại nguyên liệu, đặc biệt là các loại thịt, mỡ mốc, ôi thiu… để chế biến bánh trung thu, và kể cả việc bảo quản không đúng cách, có thể gây tác hại khôn lường cho sức khỏe người sử dụng. Nhẹ nhất thì có thể gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc, còn về lâu dài, các thực phẩm ôi thiu này có thể gây những ảnh hưởng đến yếu tố di truyền, gây biến đổi gen, ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, gây bệnh ung thư…
Thông thường các loại chất bảo quản nằm trong danh mục được Bộ Y tế cho phép sẽ có thời gian bảo quản thực phẩm ngắn hơn và giá cả đắt hơn. Vì vậy, sử dụng chất bảo quản an toàn và đúng hàm lượng cho phép cũng làm tăng giá thành sản xuất bánh trung thu cao cấp.
“Bánh Trung thu là truyền thống, nhưng ngày nay không thể lấy lý do truyền thống để che lấp việc sản xuất không
đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bằng cách sử dụng phẩm màu hóa học, hàn the, phụ gia độc hại để sản xuất và bảo quản bánh”, đại diện một nhà sản xuất nói.
Ông Trần Quốc Việt: Nguyên liệu đầu vào cần được lựa chọn từ các nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng.
Theo ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc, để có sản phẩm bánh Trung thu an toàn, yếu tố được giám sát chặt chẽ nhất trong quá trình sản xuất là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bánh Trung thu Kinh Đô trước khi ra thị trường buộc phải trải qua các công đoạn kiểm nghiệm chặt chẽ theo công nghệ quản lý ISO, HACCP. Nguyên liệu đầu vào được lựa chọn từ các nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng.
Riêng về chất bảo quản và phụ gia, các bánh Trung thu Kinh Đô tuân thủ nghiêm ngặt quy định và danh mục cho phép của Bộ y tế. Hãng không dùng phẩm màu gây hại, không chất bảo quản và không nguyên liệu kém phẩm chất.
Theo TS. Ngô Hải Yến, nếu nhà sản xuất chỉ chú ý đến khâu sản xuất và bảo quản tốt trong nhà máy, nhưng lơ là việc bảo quản tại các khâu phân phối, điểm bán lẻ, thì việc bánh trung thu biến chất, hư hỏng trước hạn sử dụng là chuyện dễ xảy ra. Tùy thành phần, bánh có thể bảo quản tốt trong vòng 1 tháng và ở nhiệt độ đảm bảo dưới 30độ C.
Vì vậy, người tiêu dùng khi mua bánh cũng cần dùng cảm quan để kiểm tra xuất xứ sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng và kiểm tra thật kỹ, tránh mua những sản phẩm bao bì bị xì rách, hoặc nhàu nát, biến dạng, thay đổi màu sắc dù trên trên vỏ in còn hạn sử dụng.
- T.Huệ