- Trong khi Bộ Tài chính thúc giục triển khai Thông tư 103 liên tịch Tài chính - GTVT về bỏ trần giá vé máy bay trên các tuyến cạnh tranh, Bộ GTVT vẫn loay hoay, chưa thống nhất quan điểm.
JPA đã đăng ký giá vé lên Bộ Tài chính, nhưng chưa triển khai được trong thực tế. (Ảnh: JPA) |
Không vướng mắc gì
Từ tháng 2/2009, Bộ Tài chính đã nhận được 9 hồ sơ đăng ký điều chỉnh giá của các DN hàng không, tổng công ty cảng theo tinh thần Thông tư 103.
"Về phía Bộ Tài chính là không có vướng mắc gì", ông Vũ Công Chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định.
Theo ông, quan điểm của Bộ Tài chính là cứ có cạnh tranh thì để thị trường điều tiết, tức là đường bay có hai hãng tham gia trở lên nên buông hết, không giữ giá trần. Các đường bay nào còn độc quyền, một mình một sân, thì thực hiện theo giá trần Nhà nước quy định để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
"Nhưng thông tư 103 đang mắc ở Bộ GTVT. Họ muốn Nhà nước vẫn quy định giá trần máy bay, mặc dù khi ký kết hai bên đã thống nhất ý kiến. Chúng tôi không hiểu được nội tình Bộ GTVT thế nào", ông Chính thắc mắc.
Nếu tiến độ thực hiện Thông tư vẫn chậm trễ, Bộ Tài chính có thể xem xét đến việc báo cáo Chính phủ có phương án giải quyết nhằm tránh gây thêm khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Vị Phó Cục trưởng Quản lý giá nói thêm, khi có DN gửi hồ sơ đăng ký giá lên Bộ Tài chính, liên tiếp trong các tháng 4, 7, 9/2009, Bộ đã nhiều lần gửi văn bản sang Bộ GTVT dưới dạng "nhắc việc" nhưng không nhận được phản hồi.
Chính vì vậy, mới đây nhất, ngày 8/10, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu tiếp tục gửi Công văn 14293 sang Bộ GTVT thúc giục về việc triển khai Thông tư 103.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT rà lại Thông tư này theo đúng quy định của pháp luật, tập trung các nội dung về thẩm quyền, danh mục dịch vụ còn hoạt động độc quyền tại các cảng hàng không, sân bay để có hình thức quản lý phù hợp.
Thông tư 103 ban hành ngày 12/11/2008 thay thế cho Thông tư 22 ngày 21/3/2007 về trần giá vé máy bay và giá một số dịch vụ hàng không tại các cảng, sân bay. Theo đó, Nhà nước chỉ quy định giá, khung giá các dịch vụ hàng không và giá vé trên các đường bay độc quyền. Đối với các dịch vụ và đường bay đã có tính cạnh tranh (có 2 hãng trở lên khai thác), doanh nghiệp được tự quy định giá theo cơ chế thị trường và thực hiện đăng ký giá, kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi rà soát, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ phương án giá dịch vụ hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định giá, tổ chức thẩm định và có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài chính.
Riêng giá dịch vụ hàng không và giá cước hàng không nội địa thực hiện kê khai giá, Bộ GTVT rà lại và công bố đường bay nào là độc quyền, đường bay nào có tính cạnh tranh để có cơ sở triển khai về tự đăng ký, tự kê khai giá.
Bộ GTVT tự làm khó mình?
Trên thực tế, trong báo cáo 07/BC-CP Bộ GTVT được uỷ quyền của Chính phủ gửi Uỷ ban Thường vụ QH báo cáo về việc quản lý giá dịch vụ và giá cước vận chuyển hàng không theo quyết định của pháp luật, Bộ GTVT đã thừa nhận, thị trường hàng không đã có tính cạnh tranh, không còn độc quyền như năm 2007 trở về trước.
"Việc quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ tại cảng cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế thị trường cũng để từng bước hoàn thiện thị trường hàng không", văn bản do Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng ký, nhấn mạnh.
Do vậy, trong kết luận gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ này khẳng định việc liên bộ xây dựng và ban hành Thông tư 103 đảm bảo tính hệ thống nhất, không chồng chéo giữa Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá và các văn bản pháp luật liên quan.
Rõ ràng, Bộ GTVT đã thừa nhận tính pháp lý đầy đủ của Thông tư này. Tuy nhiên, vẫn có mâu thuẫn giữa các cơ quan của Bộ bởi mới đây, ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng, đến nay Thông tư chưa thực hiện được là do vướng Luật.
"Luật Hàng không dân dụng năm 2006 quy định vé máy bay phải có giá trần. Vì vậy, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ GTVT làm việc trực tiếp với UBTVQH và Bộ đã có báo cáo nhưng chưa nhận được ý kiến phản hồi. Nếu không, các hãng phải chờ sửa luật", ông Bình nói.
Chính vì vậy, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính tạm dừng việc triển khai Thông tư liên tịch 103 cho đến khi có ý kiến cho phép của UBTVQH.
Sự dùng dằng, chậm trễ này buộc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 1/9/2009 tiếp tục có Công văn 6009/VPCP-KTTH chỉ đạo Bộ GTVT và Bộ Tài chính khẩn trương làm việc với các cơ quan liên quan để thực hiện hướng dẫn việc về quản lý cước vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Song, theo một chuyên gia hàng không, một trong những lý do khiến Bộ GTVT chưa quyết liệt thực hiện Thông tư 103 là lo ngại việc quản lý sau khi bỏ trần giá vé máy bay và giá một số dịch vụ hàng không khác.
Điểm khác biệt là trong các mùa cao điểm, như Tết Nguyên đán chẳng hạn, nếu được "buông", giá vé có thể tăng gấp nhiều lần, hành khách khác gì bị móc túi.
Về phía Bộ Tài chính, ông Chính lại khuyến cáo các hãng hàng không không phải chờ đợi gì vì Thông tư 103 vẫn có hiệu lực. DN cứ việc đăng ký giá và thực hiện, trừ phi giá đó bất hợp lý thì các cơ quan quản lý sẽ có động thái yêu cầu xác định lại, báo cáo giải trình. Thế nên, việc lo ngại không kiểm soát được giá vé máy bay khi bỏ trần là không có tính thuyết phục.
-
Hà Yên