- "Tôi cũng lo việc giá xăng tăng nhanh, giảm chậm" - Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Hiếu nói như vậy khi trao đổi với VietNamNet về những cái khó trong điều hành giá xăng dầu hiện nay.
Trong cơ chế hiện nay, doanh nghiệp không quyết định được giá đầu ra nên thường xuyên kêu lỗ. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Với giá hiện tại, tôi công nhận có sự điều hành của Nhà nước tương đối cứng nhưng không phải là doanh nghiệp không được tự chủ, không có quyền định giá như mọi người thường nói.
Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố mà doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, linh hoạt để vẫn có lãi được.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu (ảnh: Phạm Huyền) |
Ví dụ như, giá căn cứ là giá bình quân 20 ngày theo qui định về dự trữ lưu thông xăng dầu. Ví dụ, một thời điểm cụ thể nào đó, giá dầu thấp, chỉ có 65USD/thùng chẳng hạn, vị giám đốc giỏi là người phải nắm bắt được tình hình, chớp thời cơ này mà nhập.
Còn đến lúc vài ngày sau, nó lên 70USD/thùng, cộng vào chia bình quân giả dụ là 68USD/thùng. Chúng tôi sẽ lấy mốc 68USD/thùng để tính giá thành xăng. Như vậy, cơ quan quản lý đã tính giá nhập là 68USD nhưng thực tế, doanh nghiệp chỉ nhập có 65USD, thế là doanh nghiệp được lợi nhờ cái khoảng tính giá theo trung bình 20 ngày đó. Đây là một cửa mà doanh nghiệp có thể chủ động.
Doanh nghiệp nào đi mua vào lúc giá cao nhất trong 20 ngày thì rõ ràng, với mốc giá bình quân 20 ngày thấp hơn, tính ra, là doanh nghiệp đó thua thiệt.
Điển hình là hiện nay, đang có vài doanh nghiệp chết dở vì không nhập được giá tốt, vẫn chưa trả nợ ngân sách đã tạm ứng trước kia đúng hạn.
Về chi phí vận tải, doanh nghiệp nào có tàu, vận chuyển lấy. Rồi mua nhiều hàng thì giá sẽ được hạ. Còn ông nào tham, thấy giá hơi nhích lên, chỉ dám mua cò con nhưng rốt cục, vài ngày sau, giá dầu lại tăng tiếp thì ông thiệt. Rồi cả chuyện tỷ giá nữa.
Tính ra, có đến 4-5 yếu tố tác động vào giá mà phụ thuộc vào sự nhạy cảm của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp của mình, tôi cảm giác như họ quen được bao cấp rồi, quen uống bầu sữa Nhà nước rồi.
Tuy nhiên, dự thảo nghị định mới đưa ra thì xăng dầu sẽ chấm dứt tình trạng một mức giá bán lẻ cho tất cả các doanh nghiệp?
Với cơ chế mới, thị trường xăng dầu sẽ chấm dứt thời kỳ 1 giá? (ảnh: Phạm Huyền) |
- Tôi không dám khẳng định ngay là cơ chế mới thì xăng dầu sẽ tiếp tục một giá hay nhiều giá. Tuy nhiên, tương lai, cơ chế mới thì chuyện giá xăng dầu sẽ khác. Nếu Nghị định ban hành, Thủ tướng duyệt thì doanh nghiệp sẽ tự quyết định lấy giá của mình theo nguyên tắc biến động giá thành tăng hoặc giảm đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành.
Bộ Tài chính sẽ không cần ra văn bản theo kiểu sau 3 ngày đăng ký giá như hiện nay mà doanh nghiệp có thể tự động điều chỉnh giá của mình. Nghĩa là, mỗi doanh nghiệp sẽ có giá khác nhau.
Tôi hi vọng nay mai Nghị định ra, sẽ không có chuyện một giá cứng như hiện nay.
Nếu doanh nghiệp tăng nhanh, tăng mạnh nhưng giảm giá chậm thì sẽ có cơ chế nào để giám sát việc này, thưa ông?
- Đấy cũng là điều mà tôi đang lo. Xăng dầu nói là buông ra nhưng thực chất, Bộ Tài chính sẽ không thể bỏ hẳn được. Chúng tôi sẽ phải giám sát giá hàng ngày, so sánh theo dõi việc điều chỉnh giá bán lẻ của họ. Nếu họ tăng quá mức thì Bộ sẽ thổi còi. Tuy nhiên, quyền tự quyết của doanh nghiệp cũng có chừng mực thôi.
Giả dụ biến động giá tăng trên 12% so với giá bán lẻ thì họ cũng không thể tự định mức tăng giá được. Đến ngưỡng đó là phải áp dụng biện pháp bình ổn rồi. Có thể giá phải giữ và Nhà nước sẽ hạ thuế.Cơ chế theo dự thảo Nghị định mới sẽ là khả dĩ nhất bây giờ.
Thưa ông, hiện nay, việc điều chỉnh thuế xăng dầu với khung rộng tới tận 40%, khiến doanh nghiệp kêu khó chủ động kinh doanh, ảnh hưởng việc quyết định giảm giá của họ. Phần can thiệp vào giá xăng dầu như vậy là quá lớn. Ông lý giải thế nào về điều này?
- Quả thật, tất cả các thuế khác không thay đổi mấy nhưng mỗi thuế nhập khẩu xăng dầu thay đổi liên tục. Tôi cũng phải công nhận là chính sách thuế hiện nay đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ là nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà nó còn là công cụ để điều tiết giá nữa.
Đúng là có chuyện, doanh nghiệp nhập hàng, tính ra tưởng là lãi nhưng bất ngờ thuế tăng trước khi tàu hàng về, tính ra lại lỗ. Tuy nhiên, ngược lại, chính các doanh nghiệp cũng được hưởng lời khi Nhà nước vẫn giảm thuế linh hoạt.
Đã có lúc, khi giá xăng dầu trong nước không thể cho tăng được nữa, thì Nhà nước phải chấp nhận thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0%. Dù sao nay mai, thuế sẽ phải tính sao cho ổn định hơn.
Nhiều người cho rằng, tỷ trọng thuế, phí đối với xăng dầu ở Việt Nam cao hơn nhiều nước. Ông giải thích sao về điều này?
- Họ nói thế thì tôi thấy rất ngạc nhiên. Mỗi nước, mặt hàng xăng dầu đều xoay quanh 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT và thuế môi trường, ở mình là phí xăng dầu.
Ví dụ quí I, ở Đức, tổng thuế trong xăng chiếm tới 91%, trong giá dầu là 67%, Hà Lan, thuế chiếm 86,6% trong giá xăng, 56,13% trong gía dầu. Ở Anh, tỷ trọng này là 85,8% đối với xăng, 78% đối với dầu. Các nước lân cận như Trung Quốc, thuế trong xăng cũng chiếm 53,8%, dầu là 44,14%. Philippines,tỷ trọng đó trong xăng là 54,4%, dầu là 14,4%... Còn ở ta, tỷ trọng thuế trong giá xăng hiện là 54,4% xăng, dầu là 41,851%.
So sánh thế thì thấy rõ, thuế phí của mình thấp hơn rất nhiều nước. Tuy nhiên, tôi không có ý chứng minh Việt Nam thu thuế thấp hơn mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, thuế xăng dầu ở Việt Nam là nguồn thu lớn và đồng thời, cũng lại là công cụ điều tiết về giá.
Thưa ông, trong cơ chế mới về kinh doanh xăng dầu, liệu giá xăng có thực sự lên, xuống nhịp nhàng theo thực tế thị trường?
- Để có một thị trường xăng dầu hoàn chỉnh, có rất nhiều yếu tố. Nhưng có hai thứ vô cùng quan trọng ở ngành xăng dầu Việt Nam cần giải quyết trước hết là hệ thống mạng lưới phân phối phải đảm bảo yếu tố kinh tế thị trường và các chính sách mà trong đó giá chỉ là một yếu tố cơ bản.
Giá không phải là tất cả. Mọi người nhiều khi chỉ mải để ý giá quá nhiều trong khi giá không phải là căn nguyên của những bất hợp lý trên thị trường xăng dầu hiện nay.
Nếu không có hệ thống phân phối để đảm bảo các yếu tố kinh tế thị trường thì mọi cơ chế chính sách cho xăng dầu chỉ là xây nhà trên cát thôi.
Tuy vậy, đừng kỳ vọng rằng mọi thứ tuyệt đối hoá vì chúng ta đi theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Qua một thời gian dài bao cấp, giờ Việt Nam chuyển xăng dầu sang thị trường chỉ từ năm 2007 nên không thể bằng như các nước đã có nền kinh tế thị trường mấy trăm năm.
-
Phạm Huyền - Phước Hà (thực hiện)