221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1247574
Nguy cơ lớn từ tín dụng tăng cao
1
Article
null
Nguy cơ lớn từ tín dụng tăng cao
,

 - Việt Nam gần như chắc chắn kết thúc 2009 với thành tích vượt khó xuất sắc. Tuy nhiên, đằng sau những con số đẹp cho năm 2009 cũng đã xuất hiện nhiều lo ngại những hệ quả sẽ xảy ra vào năm 2010. 

Lạm phát: những yếu tố thực

Cuối tháng 10/2009, Ngân hàng Nhà nước công bố con số tăng trưởng tín dụng cả năm lên đến 33,29%, trong khi đó huy động vốn chỉ tăng 25,72%. Dù đã lường trước tín dụng cả năm 2009 sẽ qua mức 30% nhưng con số mới công bố cũng đã khiến nhiều chuyên gia giật mình.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh – Viện phó Viên Khoa học Thị trường giá cả, Bộ Tài chính nói rằng, tăng trưởng tín dụng ở tình trạng đang quá mức kiểm soát. Đầu năm, dự kiến tăng khoảng 25% nhưng sau đó điều chỉnh lên 30%. Tuy nhiên, thực tế cuối tháng 9 đã là gần 29% và đến tháng 10 là trên 33%. "Với tốc độ này, tôi lo rằng khả năng dừng ở mức 35% là không thực hiện được và có khả năng tăng  40%"- ông Ánh nói.

 

Mô tả ảnh.
Tăng trưởng tín dụng cao hơn cả dự kiến. (Ảnh: SBS)

"Tuy nhiên, mức tăng 40 hay 50% không quan trong mà cái quan trọng là chúng ta có dấu hiệu không kiểm soát nổi tăng tín dụng. Trường hợp này rất giống cuối 2007 khi tín dụng bùng nổ đến mức không ngờ. Mục tiêu của năm là 25% nhưng cuối năm tăng đến đến 53%. Có thể năm nay, mức độ chưa trầm trọng như vậy nhưng rõ ràng kiểm soát tín dụng đang có vấn đề. Đây là điều tôi e ngại nhất"- vẫn lời ông Vũ Đình Ánh.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, năm tới, một trong nhưng vấn đề sẽ nổi lên là khả năng lạm phát quay trở lại vì một loạt nhân tố. Đó là tình hình bội chi ngân sách lên mức trên 7%. Không loại trừ mức bội chi có thể cao hơn nếu tốc độ GDP không đạt như mong muốn, thu ngân sách giảm trong khi phải tiếp tục tung ra gói hỗ trợ mới. Bên cạnh đó là hàng loạt yếu tố khác cũng tác động đến lạm phát như: giá cả tăng lên, tiền lương tăng, dòng vốn nước ngoài vào nhiều hơn…sẽ là động lực mới khiến lạm phát quay lại.

Trong khi đó, Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế cũng đặt vấn đề, chúng ta đề xuất và thông qua mức lạm phát 2010 là 7% nhưng cần tính xem cơ sở của nó thế nào. Có thể khi xây dựng chỉ tiêu, các cơ quan quản lý dựa trên thực tế hiện nay là sức cầu còn yếu, chi phí đẩy không mạnh, giá cả còn chưa tăng… nhưng kinh nghiệm nhiều năm cho thấy rằng những biến số như thế là quá đơn giản dễ dẫn đến sai số lớn.

Ông Thiên phân tích, tín dụng năm nay không dưới 35%, nhưng chi tiêu ngân sách qua kích thích kinh tế tăng mạnh và phải có độ trễ mới “tung hoành”.

Theo ông Thiên, căn cứ vào lịch sử của chính thời hiện tại khi độ trễ chính sách tiền tệ chưa phát huy tác dụng mà tính cho năm tới khi độ trễ tiền tệ đã lộ rõ tác động. Đó là chưa kể đến mức giá thế giới sẽ tăng khi thế giới phục hồi. Hiện giá dầu đã tăng tới 80 USD và những giá khác sẽ còn tăng lên khi nhu cầu hồi phục là không tránh khỏi. 

"Tất cả các chỉ số khác đều cho thấy lạm phát là không phải như năm nay. Còn cứ đề xuất 7% thì có thể cần phải xem lại" - ông Thiên nhấn mạnh.

Đánh đổi cho tăng trưởng?

Quốc hội đã thông với mục tiêu tăng trưởng 6,5% và lạm phát 7%. Trước các chỉ tiêu này, ông Thiên cho rằng, dường như chúng ta vẫn nhằm vào tăng trưởng ngắn hạn. Trong khi đó, rất nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần phải ưu tiên ổn định vĩ mô, hạn chế những nguy cơ cho phát triển trong dài hạn.

 

Mô tả ảnh.
Sau một thời gian biến động, Việt Nam cần có cái nhìn dài hạn hướng tới sự ổn định. (Ảnh: moit)

Tại hội thảo mới đây về chính sách cho thời kỳ hậu suy giảm, nhiều chuyên gia đã đề xuất, với tình thế hiện nay,  cần coi trọng những bất ổn có thể xảy ra hơn là lo lắng suy giảm. Bởi vì, yếu tố bất ổn thể hiện những điểm yếu cơ cấu bên trong mà hai năm vừa rồi bộc lộ rõ.  Trong khi đó, chúng ta có cần dốc sức cho mục tiêu tăng trưởng, cố gắng phục hồi khi mà tốc độ tăng trưởng không có gì quá tồi tệ vì Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng cao khi các nước thậm chí còn bị âm. 

Vì thế, ông Thiên bày tỏ quan điểm, trong năm tới tới nên tập trung cho mục tiêu ổn định tức là kiểm soát vấn đề lạm phát vì những rủi ro rất lớn. 

Ông Thiên cũng cho biết, đối với mục tiêu tăng trưởng, chúng ta dự báo và đưa ra chỉ tiêu căn chỉnh từng 0,1 thậm chí 0,01% nhưng đối với mục tiêu lạm phát thì chưa bao giờ được quan tâm đúng.  Thực tế GDP đều dự báo và thực hiện khá chuẩn nhưng lạm phát thì nhiều năm liên tục đều không đúng. Năm 2007 đề xuất dưới 1 chữ số ở mức khoảng 7 – 8% nhưng cuối cùng đến 13,6%, 2008 dự kiến bằng 2007 nhưng cuối cùng lên trên 20%. Năm 2009 dự báo 13%  nhưng cuối cùng chỉ 7%. 

Ông Thiên nói: "Đây mà mức chênh lệnh khủng khiếp. Nó không đơn thuần là năng lực dự báo mà là thái độ đối với các mục tiêu ưu tiêu kinh tế này là cực kỳ khác nhau. Mặc dù chúng ta có thể sẽ điều chỉnh chỉ tiêu vĩ mô so với dự báo và điều này đã có tiền lệ. Tuy nhiên, khi mục tiêu  ưu tiên khác nhau thì cách tổ chức chính sách và điều hành khách nhau và dẫn đến hệ quả khác nhau". 

Phó Thủ tướng Vũ khoan cũng cho rằng, Việt Nam được đánh giá cao khi vượt qua khủng hoảng nhưng cần tỉnh táo để xem rõ những tồn tại, rõ ràng nền kinh tế chúng ta đang đòi hỏi những điều chỉnh rất là lớn và cơ bản. Những chính sách vĩ mô thời hậu khủng hoảng cần được đặt trong mối tương quan giữa mục tiêu trước mắt và tính chiến lược. 

Theo ông Khoan, chúng ta không thể từ chối yêu cầu tốc độ tăng trưởng. Ai cũng biết, Việt Nam phát triển quá chậm và nếu không có tốc độ cao thì mãi mãi vẫn tụt hậu và ngày càng tụt xa.

"Tôi thấy cần phải cân bằng cả hai mục tiêu ổn định và tăng trưởng. không tăng trưởng thì làm sao có thể ổn định được. Tăng trưởng là một động lực quan trọng để giữ ổn định kinh tế. Tuy nhiên, không phải là tăng trưởng với bất kỳ giá nào, tạo nên những mất cân đối vĩ mô, làm mất ổn định kinh tế"- ông Vũ Khoan chia sẻ.

  • Phước Hà

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,