- Từ hôm nay, 15/12, doanh nghiệp xăng dầu có thể tự điều chỉnh giá ở mức độ nhất định mà không cần xin phép Liên Bộ Tài chính – Công thương. Nhưng, cơ hội có thể giảm giá xăng dầu xem ra vẫn tù mù vì doanh nghiệp vẫn kêu lỗ.
Không còn yếu tố 1.000 đồng/lít trích trả nợ ngân sách
Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 15/12/2009 đã mở ra một cơ chế thông thoáng nhất từ trước tới nay trong vấn đề điều chỉnh giá xăng. Trong đó, điểm đột phá lớn nhất là quyền chủ động về giá của các doanh nghiệp xăng dầu được giao nhiều hơn.
Cơ chế giảm giá xăng dầu trong nước vẫn tù mù. (ảnh: VNN) |
Trong phạm vi giá thành xăng dầu tăng đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp tự động tăng giá tương ứng. Riêng trường hợp giảm giá, doanh nghiệp có thể tự giảm khi giá thành giảm tới 12%.
Chỉ khi các yếu tố bên ngoài tác động khiến giá thành mặt hàng này tăng quá 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì Nhà nước mới can thiệp.
Điều đó có nghĩa, giá xăng trong nước sẽ bám sát biến động của giá xăng trên thị trường thế giới. Chỉ cần doanh nghiệp chậm trễ giảm giá một ngày, hoặc giảm giá không tương xứng so với giá thế giới là sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng.
Từ đầu năm đế, giá xăng bán lẻ trong nước điều chỉnh 11 lần, trong đó, có 2 lần giảm giá xăng, ngày 30/9 và 24/10. Lần tăng giá gần đây nhất là ngày 19/11. Giá bán diesel và dầu hoả tăng mạnh nhất, tới 1.000 đồng/lít, hiện, dầu diesel 0,05 S có giá 14.300 đồng/lít, dầu hoả là 15.200 đồng/lít. Tăng mạnh thứ 2 là xăng A92, với mức tăng 800 đồng/lít, có giá hiện hành là 16.300 đồng/lít. Dầu ma dút tăng tối đa 500 đồng/kg và đang bán ở mức 12.600 đồng/kg. Hiện nay, thuế nhập khẩu xăng là 20%, thuế nhập khẩu dầu DO là 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế VAT 10%, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, trích trả nợ ngân sách 1.000 đồng/lít, trích Quĩ bình ổn 300 đồng/lít đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. |
Nhìn lại thị trường xăng dầu những ngày qua, có thể thấy, đã xuất hiện những tín hiệu tốt lành cho các tính toán giảm giá bán lẻ xăng dầu sắp tới.
Yếu tố quan trọng đầu tiên là hiện nay, trong một lít xăng bán ra không còn phải gánh 1.000 đồng/lít để trích trả nợ ngân sách Nhà nước như trước.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tháng 10/2008, Bộ Tài chính đã tạm ứng từ Ngân sách Nhà nước khoản vay 4.038,5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu xử lý số lỗ đã phát sinh trong kinh doanh xăng dầu năm 2007-2008.
Theo Quyết định số 85 của Bộ Tài chính ngày 6/10/2008, Bộ này cho phép các doanh nghiệp trích từ lợi nhuận trước thuế 1.000 đồng/lít xăng tính trên cơ sở số lượng xăng tiêu thụ để trả nợ ngân sách khoản vay trên. Sau nhiều lần được gia hạn, tới tháng 11 vừa qua, các doanh nghiệp đều khẳng định đã trả xong nợ.
Trong khi đó, trước đây, các doanh nghiệp xăng dầu đã mặc nhiên tính khoản 1.000 đồng/lít này trong việc quyết định giá xăng bán lẻ trong nước.
Tới thời điểm này, khi Bộ Tài chính không có động thái nào công bố việc hoàn thành và ngừng trích trả nợ Ngân sách Nhà nước thì mặc nhiên, một lít xăng hiện nay đang "dư” ra 1.000 đồng.
Tuy nhiên, trước phân tích này, ông Vương Thái Dũng cho rằng, việc hoàn thành trả nợ ngân sách này không… tác động gì tới giá bán xăng.
Yếu tố quan trọng thứ 2 là giá dầu trên thế giới đã sụt giảm mạnh.
Ngày hôm nay, 15/12, giá dầu thô đã xuống dưới mốc 70 USD/thùng, chỉ còn 69,69 USD/thùng, giảm tới 8,86 USD/thùng so với giá dầu thô bình quân tính tới ngày 19/11.
Tương tự, giá xăng thành phẩm thế giới tuy giảm chậm hơn nhưng đã có xu hướng đi xuống rõ rệt.
Phiên giao dịch trên thị trường Singapore, ngày hôm qua, 14/12, giá xăng 92 là 74,910 USD/thùng, giá dầu diesel 0,05S là 77,950 USD/thùng. Dầu hoả có giá 79,110 USD/thùng. Dầu madut ở mức giá 448,450 USD/tấn.
So với các mặt bằng giá xăng dầu thành phẩm tại Singappore bình quân 20 ngày, công bố ngày 19/11, giá xăng thành phẩm A92 đến nay đã giảm 5,06 USD/thùng, giá dầu diesel 0,05S giảm 6,99 USD/thùng, dầu hoả giảm 5,55 USD/thùng và dầu madut giảm mạnh nhất, tới 18,02 USD/tấn.
Các mức giảm trên có thể coi là rất mạnh. Tính theo tỷ lệ phần trăm thì xăng thành phẩm A92 đã giảm 6%, dầu diesel đã giảm tới 8%.
Thế nhưng, theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty xăng dầu Petrolimex, thì khi tính bình quân 20 ngày qua theo quy định dự trữ trong lưu thông thì mức giá mặt hàng này vẫn còn cao. Cụ thể, xăng A92 có giá bình quân là 79,7 USD/thùng, dầu diesel vẫn đứng ở mức trên 83 USD/thùng, chỉ giảm nhẹ, xăng mới chỉ giảm 27cent, và giá dầu mới chỉ giảm gần 2USD.
Bộ Tài chính lại ưu tiên tăng trích Quỹ bình ổn
Nhiều yếu tố chính sách khác đã khiến việc tính toán để giảm giá cho người dân càng trở nên chật vật hơn.
Một lít xăng hiện nay không còn phải "gánh" 1.000 đồng trả nợ ngân sách. (ảnh: VNN) |
Ví dụ như việc giảm giá xăng vẫn phải dựa trên giá bình quân 20 ngày và mức giảm như trên chưa đủ điều kiện để giảm giá bán lẻ trong nước, ông Dũng cho hay.
Kế đó, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá VND/USD từ ngày 25/11, cách biệt tới 500-600 đồng/USD đã khiến cho giá thành xăng dầu đã tăng đáng kể, tới 4%/lít xăng dầu.
Cũng bắt đầu từ hôm nay, Bộ Tài chính lại cho tăng trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu đồng loạt các mặt hàng lên 300 đồng/lít. So với trước, mức trích quỹ đối với xăng, dầu hoả, dầu madut đã tăng lên 100 đồng/lít.
Cũng bởi vậy, ngay tại thời điểm cơ chế kinh doanh xăng dầu mới có hiệu lực này, mặt hàng dầu diesel hiện vẫn bị lỗ tới 400 đồng/lít, mặt hàng xăng có lúc hoà vốn, có lúc lãi nhưng chỉ lãi vài trăm đồng/lít, ông Dũng cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao không nhường việc trích quỹ để ưu tiên giảm giá bán lẻ, ông Dũng thẳng thắn: “Việc trích quỹ bao nhiêu, và khi nào thì trích lập quỹ, khi nào xả quỹ đều do Bộ Tài chính chủ động quyết định nên chúng tôi chỉ là người thực hiện.”
Khi thị trường xăng dầu chuyển sang cơ chế mới, mặt bằng giá xăng trong nước vẫn đứng ở mức khá cao. Phía các doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà lắm với cơ chế này.
Như ông Dũng nói, quá trình tổ chức vận hành Nghị định 84, nếu không kiên định theo cơ chế thị trường thực sự mà còn nhiều can thiệp như khi vận hành Nghị định 55 thì sự thay đổi ở thị trường này kỳ vọng có đột phá.
-
Phạm Huyền