221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1255166
Điện dự kiến tăng giá tối đa 13,81%, than phải “theo” điện
0
Article
null
Điện dự kiến tăng giá tối đa 13,81%, than phải “theo” điện
,

- Một trong những lý do khiến “điện” bị “sốc” trước “tráp” đòi tăng giá than của TKV là bởi,  các mức giá mới này đã làm “vỡ” kịch bản tăng giá điện của EVN.

Điện muốn nắm đằng chuôi

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc (Tập đoàn Điện lực Việt Nam)  EVN đã chia sẻ: “Chính phủ cho tăng giá điện bao nhiêu thì than hãy tăng giá bấy nhiêu. Nguyện vọng của chúng tôi là muốn giá than hãy tăng theo lộ trình thị trường hóa giá điện”.

Mô tả ảnh.
EVN dự kiến giá điện năm 2010 tăng từ 6,2- 13,81% (ảnh: qu)

Được biết, đề án giá điện năm 2010 đã được EVN trình Bộ Công Thương từ ngày 18/11.

EVN dự kiến có 4 phương án tăng giá điện trên cơ sở các yếu tố đầu vào. Theo đó, phương án thấp nhất là nếu giá than tăng 10% so với hiện hành thì giá điện tăng 6,2%.

Nếu giá than tăng 15% so với hiện hành thì giá điện tăng 6,94%. Nếu giá than tăng 47% so với hiện hành thì giá điện tăng 9,09%.

Theo Cục Điều tiết điện lực, giá than cho điện sẽ áp dụng giá thị trường khi giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường, phải tăng dần theo lộ trình, để tránh giá điện tăng đột biến, gây sốc đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, ngay cả khi giá điện đã theo thị trường thì giá than cho điện cũng không thể thay đổi liên tục theo giá thế giới. 

Vì như thế, sẽ gây biến động liên tục giá điện trong nước, ảnh hưởng tới giá thành các ngành sản xuất và lạm phát trong nước.

Thực tế các nước, giữa đơn vị cung cấp than và đơn vị phát điện cần có các biện pháp chia sẻ rủi ro như ký các hợp đồng hạn chế rủi ro trên các thị trường tài chính nhằm ổn định giá.

Phương án cao nhất là nếu giá than tăng 138% so với giá hiện hành thì giá điện tăng 13,81%.

Giá bán điện bình quân năm 2009  là 948,5đ/kWh.

Tương ứng 4 phương án trên của EVN thì giá bán điện bình quân năm 2010 sẽ tăng lên mức là  1.007,3đ/kWh, 1.014,3đ/kWh, 1034,7đ/kWh và cao nhất là 1.079,5đ/kWh.

Trong khi đó, Cục Điều tiết điện lực đã tính toán, với mức tăng giá than từ 137- 149% như TKV đề xuất thì giá điện bình quân năm 2010 sẽ tăng trên 17% thay vì mức “tối đa” mà EVN dự kiến là 13,81%.

Mức giá bán điện bình quân năm 2010 phải là 1.110,8 đ/kWh, thay vì mức tối đa là 1.079,5đ/kWh của EVN dự kiến.

Cho nên, EVN “bị sốc” với giá than cũng là đương nhiên. Cả 4 giả thiết về tăng giá than của EVN đều “thua xa” so với thực tế đòi hỏi tăng giá của TKV, kể cả phương án cao nhất.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang dự kiến, giá điện điều chỉnh mới sẽ được chốt từ ngày 1/3 hàng năm. Còn TVK lại đòi áp dụng ngay giá than mới từ 1/1/2010, trước mốc thời gian giá điện được tăng tới 3 tháng.

Bởi thế, Tập đoàn EVN đã khất hẹn cuộc họp đàm phán với TKV về giá than và đã gửi trước văn bản kêu cứu tới Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc này.

EVN đã chính thức báo cáo, các mức giá than của TKV tăng rất cao, sẽ khiến chi phí kinh doanh điện năm 2010 tăng lên khoảng 4.182 đồng.

Ngòai ra, các yếu tố đầu vào cho sản xuất điện đều đã biến động mạnh so với khi điều chỉnh giá điện từ 1/3/2009 như tỷ giá tăng, giá khí đồng hành tăng, giá xăng dầu tăng… đã tạo áp lực rất lớn đối với giá điện.

EVN kiến nghị, mức tăng giá bán than cho điện cần được điều chỉnh tương ứng và  phải cùng thời điểm điều chỉnh giá điện năm 2010.

Than muốn ít nhất là 5% lợi nhuận

Khi giá than cho điện hiện nay vẫn đang thấp dưới giá thành tới 51% -  53% thì bước sang năm 2010, giá than bán cho điện sẽ phải tăng là điều buộc phải chấp nhận. 

Mô tả ảnh.
Than muốn ít nhất 5% lợi nhuận khi bán cho điện. (ảnh: theo xaluan)

Tuy nhiên, vấn đề còn lại là than có thể tăng giá bao nhiêu và mức tỷ suất lợi nhuận như thế nào là phù hợp thì có lẽ, không thể để cho riêng một mình TKV, nhà độc quyền cung cấp than tự tính toán và quyết định.

Hiện nay, chỉ có 2 loại than đang được bán cho sản xuất điện là than cám 4b và than cám 5. TKV cho biết, giá thành 2 loại than này vào năm 2010 là 872.900đ/tấn đối với cám 4b và 761.800đ/tấn đối với cám 5.

Như vậy, nếu tăng giá mạnh lên tới 1,1 triệu đồng/tấn đối với than cám 4b và 960.000đ/tấn đối với than cám 5 thì lợi nhuận của TKV sẽ bằng 26% so với giá thành.

Rõ ràng, khi giá điện còn chưa được thị trường hóa và lợi nhuận của ngành điện chỉ dưới 5% thì mức lợi nhuận trên của TKV là quá cao.

Trả lời câu hỏi của PV rằng, “TKV muốn bao nhiêu lợi nhuận là đủ khi bán than cho điện”?, ông Trần Xuân Hòa, Tổng Giám đốc TKV đã thẳng thắn: “Đã là doanh nghiệp thì biết lợi nhuận thế nào là đủ, tăng bao nhiêu là vừa? Nhưng tôi muốn, giá than bán cho điện không thể thấp dưới giá thành mãi được.

“Giá than bán cho điện phải bằng giá thành cộng 3- 5% lợi nhuận như ngành điện. Ít nhất là giá bán than phải được như thế!”, ông Hòa nói.

Trên thực tế, TKV đã có có kinh nghiệm 3 năm đàm phán với các Tổng công ty giấy, xi măng và phân bón để được bán than theo giá thị trường và đã thành công.

Tuy nhiên, ba ngành hàng này đều đã được thị trường hóa từ trước. Do đó, lộ trình tăng giá than cho 3 ngành này có phần dễ dàng hơn. 

Với ngành điện, điểm khác biệt lớn nhất so với 3 hộ tiêu dùng trên là giá điện vẫn chưa theo thị trường. Chưa kể, điện là đầu vào của mọi ngành sản xuất, đời sống xã hội nên có độ “nhạy cảm” hơn nhiều so với giấy, xi măng, phân bón.

Theo các chuyên gia kinh tế, TKV chắc chắn hiểu biết và nắm rất rõ thực trạng này, song, vẫn đưa ra mức giá tăng kỷ lục và đẩy tỷ suất lợi nhuận lên cao. Động thái này phải chăng là vì TKV muốn tối đa hóa lợi nhuận và cũng là nhằm tạo “khoảng trống” lùi giá trong đàm phán sau này?

Giả sử, lợi nhuận bán than cho điện không phải là 26% mà hạ xuống là 5% như lời ông Tổng giám đốc TKV nói, thì giá bán than cho điện cũng sẽ tăng từ 97%- 107% so với giá bán hiện hành, nghĩa là, cũng tăng rất cao so với 3 phương án giá điện đầu tiên của EVN.

Điều này đã báo trước một mối lo ngại không phải là không có cơ sở: nếu ngành than theo thị trường hoàn toàn từ năm 2010 thì chắc chắn, giá điện sẽ gây sốc cho nền kinh tế. Đặc biệt là, nền kinh tế vẫn còn chưa phục hồi vững chắc sau suy giảm, khủng hoảng.

  •  Phạm Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,