- Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) vừa yêu cầu các khách sạn 3 đến 5 sao thực hiện đúng cam kết đã ký với giới lữ hành theo chương trình Ấn tượng Việt Nam, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ, hạ giá thành.
Resort Life Heritage Hội An khi vắng khách (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Văn bản số 952/TCDL-KS, do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn ký, cũng nêu rõ, Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở VH-TT&DL tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các khách sạn có mức giá hợp lý và tiếp tục hưởng ứng Chương trình “Ấn tượng Việt Nam” nhằm góp phần tăng cường thu hút khách quốc tế.
Theo cơ quan này, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm từ 4/2008, công suất buồng phòng các khách sạn (nhất là khách sạn cao sao) giảm mạnh so với cùng kỳ 2007.
Do vậy, theo đề nghị của Tổng cục Du lịch, Chính phủ đồng ý cho phép miễn giảm 50% thuế VAT, giãn thuế thu nhập cho các DN du lịch, miễn visa cho khách du lịch theo các tour khuyến mại, cho phép tất cả các khách sạn từ 4 sao trở lên được tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí đến 2h sáng...
Cùng với sự nỗ lực của nhiều DN lữ hành, khách sạn, Chương trình khuyến mãi giảm giá “Ấn tượng Việt Nam” đã góp phần hạn chế sự sụt giảm khách và phục hồi nhanh từ 11/2009.
Tổng cục Du lịch dự báo, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2009 và đầu năm 2010 sẽ tiếp tục tăng.
Song, gần đây, Tổng cục Du lịch nhận được phản ánh về việc nhiều khách sạn tăng giá tuỳ tiện, không theo hợp đồng đã ký kết với các hãng lữ hành trong và ngoài nước, gây bất ổn về giá, ảnh hưởng đến uy tín du lịch Việt Nam.
Chẳng hạn, thông qua Hiệp hội Du lịch, một số DN lữ hành ở TP.HCM đã gửi kiến nghị can thiệp để khách sạn giảm giá và ổn định giá phòng trên địa bàn. Lý do, sau mùa thấp, các khách sạn lại rục rịch tăng giá mùa cao điểm cuối năm.
Do vậy, một số công ty lữ hành phàn nàn đang phải bán tour tới giữa năm 2010 với giá phòng 3-4 sao tăng khoảng 5% so với trước tháng 7/2008.
Hơn nữa, mặc dù hạ giá tới 30-40% từ cuối 2008 đến nay song khách vẫn giảm mạnh đến tháng 10/2009 khiến giới kinh doanh lưu trú chán nản, không muốn khuyến mãi tiếp.
Khách quốc tế đến Việt Nam, Tổng cục Du lịch dự báo, sẽ tăng trở lại trong năm 2010, đạt khoảng 4,2 triệu lượt khách (ảnh H.Y) |
Trên thực tế, việc đưa ra yêu cầu các khách sạn giảm giá vào thời điểm này là khó khả thi.
Thứ nhất, thời gian thực hiện cam kết giảm giá theo Ấn tượng Việt Nam đến hết 2009 là kết thúc, chưa biết có kéo dài tới sang năm hay không.
Thứ hai, để bán tour 2010 cho các đối tác, phía lữ hành phải chào từ tháng 8-9/2009 nên khó có thể duy trì mức giá cũ trong mặt bằng giá cả tăng lên.
Thứ ba, Tổng cục Du lịch dự báo sang năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng trở lại.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc TT Lữ hành quốc tế Hanoi Redtours, cho rằng, khách sạn có thể cam kết giảm giá, nhưng đó chỉ là cam kết so với giá công bố (mà giá công bố nhiều khi "trên trời"). Còn giá áp dụng giá hợp đồng với công ty du lịch, phía lữ hành thấy mức giá nào phù hợp thì bắt tay hợp tác.
"Khách sạn có thể cam kết vậy nhưng họ nói hết phòng, buộc phải tăng giá thì phía lữ hành cũng chịu, không làm gì được", ông Hoan nói.
Do vậy, nếu cam kết thì các khách sạn, DN sẵn sàng cam kết nhưng buộc khách sạn phải giảm giá bằng biện pháp hành chính là rất khó.
Thay vì vậy, có ý kiến đề xuất nên kéo dài thời gian áp dụng mức thuế VAT 5% đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành, khi đó đương nhiên khách sạn, vận chuyển, dịch vụ sẽ giảm giá... và khi đó, DN có thể giảm giá tour.
-
Hà Yên