221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1249830
Kiến nghị thu hồi 87 tỷ đồng từ bù lỗ xăng dầu
1
Article
null
Kiến nghị thu hồi 87 tỷ đồng từ bù lỗ xăng dầu
,

 - Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ phải trả lại cho Nhà nước gần 87,3 tỷ đồng từ số tiền cấp bù lỗ xăng dầu, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thông báo. Cơ quan này cũng kiến nghị cần sớm sửa đổi cách tính hao hụt xăng dầu và phí hoa hồng trả cho các đại lý.

Mô tả ảnh.
KTNN cho rằng hướng dẫn thực hiện Quỹ bình ổn xăng dầu chưa rõ ràng. (Ảnh: H.Y)


Cấp tạm ứng vượt ngân sách

Kết quả kiểm toán Chuyên đề cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu giai đoạn 2006-2008, do KTNN công bố sáng 2/12, cho thấy, qua kiểm tra tại 10 đầu mối, đã phát hiện một số trường hợp quyết toán cấp bù còn chậm, thậm chí có giai đoạn số vốn tạm ứng bổ sung còn vượt ngân sách Nhà nước.

KTNN đã phát hiện số tiền tạm ứng cho Công ty Thương mại Xăng dầu đường Biển (PMT) trong năm 2008 vượt mức 95%, tương đương trên 48,8 tỷ đồng. Trong khi số liệu do Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính công bố, số tiền tạm ứng vượt ngân sách chỉ là 34,3 tỷ đồng, vượt có 15,8%.

Hơn nữa, qua kiểm toán, một số đầu mối nhập khẩu, việc quản lý, hạch toán và đề nghị quyết toán cấp bù lỗ các mặt hàng dầu chưa đúng quy định nên qua kiểm toán, phải điều chỉnh giảm chi phí kinh doanh xăng, dầu do các nguyên nhân như phân bổ không đúng tiêu thức, chi các khoản không đúng chế độ, quyết toán một số khoản chi không đúng nguồn... làm sai lệch số lỗ đề nghị Nhà nước cấp bù.

Một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu vẫn áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn quy định. Tại một vài thời điểm Nhà nước tăng giá bán nhưng nhiều đơn vị vẫn bán cho một số trường hợp theo giá cũ.

10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu nằm trong danh sách kiểm toán năm 2009 gồm: Petrolimex, Xăng dầu Quân đội (Mipeco), PV Oil; Công ty Thương mại kỹ thuật Đầu tư (Petec), Công ty THHH MTV Dầu khí TP.HCM,  Công ty TNHH MTV Vật tư Nông nghiệp Phú Yên, Công ty Thương mại Xăng dầu đường Biển, Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty CP Liên doanh dầu khí Mekong (PetroMekong) và Công ty XNK Thanh Lễ (Thalexim).
Thậm chí, tại thời điểm kiểm toán đã phát hiện tình trạng đầu cơ, trục lợi. Theo cơ quan này, có hiện tượng khi giá dầu tăng thì lượng hàng bán trước và trong ngày (trước thời điểm tăng) tăng cao đột biến, những ngày sau đó sản lượng tiêu thụ giảm hẳn.

Hoặc trước khi Nhà nước có quyết định giảm giá xăng, sản lượng bán trong ngày cho các tổng đại lý, đại lý và các hộ công nghiệp gần như bằng 0 mà chỉ còn bán lẻ tại các cửa hàng cho người đi ôtô, xe máy.

KTNN kiến nghị Bộ Tài chính cần công khai, minh bạch giá bán xăng dầu để ngăn chặn tình trạng này.

Sau khi kiểm tra, KTNN kiến nghị xử lý tài chính trên 1.025 tỷ đồng tiền sai phạm tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Trong đó, đề nghị thu hồi số tiền trên 87 tỷ đồng cấp bù lỗ các mặt hàng dầu (năm 2006 và 2007). Đồng thời, giảm quyết toán, cấp bù lỗ các mặt hàng xăng dầu từ ngân sách là 938 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị các đầu mối chấn chỉnh công tác hạch toán, phản ánh và xác định số lỗ kinh doanh mặt hàng dầu. Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng cần căn cứ kết quả kiểm toán yêu cầu hoàn trả ngân sách số tiền cấp bù vượt mức quy định cho các doanh nghiệp đầu mối năm 2006-2007.

Nhiều quy định quá lạc hậu

Đáng lưu ý, qua kiểm toán, KTNN phát hiện thấy việc ban hành chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và cấp bù lỗ các mặt hàng dầu của cơ quan quản lý Nhà nước chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

KTNN cho rằng, mức thù lao đại lý, tổng đại lý phù hợp chưa được điều chỉnh kịp thời với thực tiễn, hệ thống định mức hao hụt quá lạc hậu (ban hành từ năm 1986) đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung để thống nhất quản lý.

Chẳng hạn, về mức thù lao cho các đại lý, Bộ Công Thương quy định tại QĐ 0676/2004/QĐ-BTM trong khi giá bán lẻ xăng dầu không ngừng tăng, các yếu tố chi phí đầu vào đều lên cao... trong khi mức thù lao này áp dụng cho cả giai đoạn 2006-2008 là không phù hợp.

Về định mức hao hụt, ngoại trừ một số đơn vị nhiều lần chủ động điều chỉnh hệ thống định mức hao hụt theo hướng giảm dần cho phù hợp, như Petrolimex, PV Oil, Dầu khí Mekong... vẫn còn một số DN lợi dụng để tính mức hao hụt với thông số cách đây 20 năm, điển hình là Công ty Thương mại Xăng dầu đường Biển và Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.

Riêng Quỹ bình ổn xăng dầu, với mục tiêu lập quỹ bình ổn giá hạch toán riêng để sử dụng cho mục đích điều hoà giá thị trường, bình ổn giá song các thông tư hướng dẫn lại chưa tính đến khả năng có thể thực hiện được.

Từ đó, đã dẫn tới phải điều chỉnh quy định theo hướng không rõ ràng, dễ dẫn tới việc vận dụng tuỳ tiện, không thống nhất của các DN đầu mối nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,