- Được xem là đối tượng “người tiêu dùng thông minh” nhưng nhận thức của nhiều sinh viên (SV) về hàng Việt vẫn còn khá mù mờ!
Ngày 12/12, lần đầu tiên cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã trực tiếp đến với hàng ngàn sinh viên (SV) Đại học Đà Nẵng. Bên cạnh việc trưng bày sản phẩm, giữa SV với các chuyên gia kinh tế, nhà doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lớn như CMC, giày dép BQ, dệt may 29/3, giấy Vĩnh Tiến... đã có những cuộc trao đổi khá thẳng thắn.
Trao đổi giữa các doanh nghiệp với SV Đại học Đà Nẵng về cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Ảnh: HC
Qua thông tin nắm bắt từ các cuộc trao đổi, ông Phan Diễn, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại Đà Nẵng nhận định, tuy được xem là đối tượng “người tiêu dùng thông minh” nhưng nhận thức của nhiều SV về hàng Việt vẫn còn khá mù mờ, thậm chí có SV khi mua sắm còn không chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.
Ông Phan Diễn khuyến cáo: Hiện nay hàng Việt đang có sức cạnh tranh lớn cả về mẫu, kiểu dáng và chất lượng. Đặc biệt, nhìn sâu hơn về vấn đề an toàn sức khỏe sẽ thấy hàng Việt có nhiều ưu thế. Nếu chỉ xem trọng về giá thì những sản phẩm ít tiền trong mức độ so sánh với hàng hóa cùng loại thường do nguyên liệu sản xuất rẻ, không đảm bảo an toàn, và có thể do cả nguyên nhân nhập lậu, trốn thuế...
Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC, SV đang và sẽ là những nhà tiêu dùng tiềm năng. Khi ra trường họ sẽ bắt đầu công việc, có thu nhập và nhu cầu mua sắm ngày càng cao. Đồng thời, với trình độ tri thức của mình, SV sẽ là người tham gia trực tiếp, gián tiếp phổ biến cho các tầng lớp nhân dân khác để cùng ưu tiên dùng hàng Việt trong cuộc sống thường ngày.
“Do đó cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cần chú trọng nâng cao nhận thức để hướng SV trở thành những người tiêu dùng thông minh ủng hộ hàng Việt và có sự tác động tích cực đến cộng đồng, gia đình của họ. Bên cạnh đó, SV cũng cần xây dựng một nhân thức mới – ưu tiên dùng hàng Việt. Đó cũng là biểu hiện rõ nét của lòng yêu nước!” - ông Phí Anh Tuấn nói.
Các bạn SV cũng không ngần ngại cho biết, với túi tiền eo hẹp của mình, họ ít khi dám tìm đến các cửa hàng, cửa hiệu bán các mặt hàng hàng made in VN có tiếng của Việt Tiến, Hoà Thọ… mà thường chỉ tìm đến những điểm bán hàng giá rẻ ở các chợ hoặc trên vỉa hè, dù biết rằng chất lượng sẽ không đảm bảo. Hơn nữa, tại các chợ, các khu thương mại, nhiều tiểu thương vẫn cố tình giới thiệu các sản phẩm nhập ngoại lấn lướt hơn cả hàng nội, khiến những người tiêu dùng còn thiếu kinh nghiệm như SV không khỏi choáng ngợp và bị cuốn theo.
Bạn Nguyễn Văn Hùng, SV Đại học Kinh tế Đà Nẵng thẳng thắn: “Các nhà doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất trong nước bên cạnh việc vận động, hướng SV, người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt thì cũng cần có trách nhiệm trong việc “ưu tiên” đối với người tiêu dùng Việt. Như cam kết giá thành hợp lý, chất lượng và phải đi tiên phong để trực tiếp thu hút người tiêu dùng...”.
-
Hải Châu