221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1252634
Thiếu điện lại căng do… thiếu nước
0
Article
null
Thiếu điện lại căng do… thiếu nước
,

 - Việc cung ứng điện đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi sản lượng thuỷ điện giảm sút tới 75%, còn nguồn nhiệt điện mới thì không chắc chắn về tiến độ.

Sản lượng thuỷ điện sa sút vì thiếu nước

Chuẩn bị bước vào mùa khô năm 2010, hệ thống điện quốc gia đã phải đối mặt với việc sản lượng phát điện của các nhà máy phía Bắc đang sa sút trầm trọng.

Báo cáo tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương mới đây, ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bày tỏ lo ngại này. Ông cho hay, nguyên nhân là do thời tiết bất thường, hạn hán đã dẫn tới thiếu nước để phát điện.

Đơn cử như, đầu tháng 12, mực nước của hồ thuỷ điện Thác Bà đã âm tới 6,12m, chỉ đạt 52-53m so với mức 59 m theo yêu cầu.

Mô tả ảnh.
Thuỷ điện Hoà Bình đang lo tích nước cho chống hạn. (Ảnh: photo.tamtay.vn)

Tuy nhiên, thuỷ điện Thác Bà chỉ có công suất là 108MW, chiếm tỷ trọng nhỏ trong hệ thống điện quốc gia nên không đáng lo bằng sự thiếu hụt nước cho hồ thuỷ điện Hoà Bình.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, cho biết, nguồn điện này đang phát sản lượng cực kỳ thấp, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ví dụ tháng 11, nhà máy chỉ phát sản lượng 200 triệu kWh, tháng 12 ước sản lượng điện còn thấp hơn. Trong khi đó, năm ngoái, tháng 11 nhà máy phát điện 600 triệu kWh và tháng 12 là 400 triệu kWh.

Năm 2010, ngành điện dự kiến 2 phương án tăng trưởng. Nếu tăng trưởng 13% so với năm 2009, sản lượng điện cả năm là 94 tỷ kWh, nếu tăng 15%, sản lượng điện là 96 tỷ kWh. 

Dự kiến, có 14 nhà máy điện lớn vận hành với tổng công suất lắp đặt là 3.330MW, các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ khoảng 350MW. 

Sản lượng điện theo ngày rất khiêm tốn, chỉ 8-10 triệu kWh, thấp hơn so với ngày bình thường tới 30%. Dự báo, tháng 12, lưu lượng nước về hồ Hoà Bình chỉ từ 200-450m3/s, trong khi mọi năm là 600-700m3/s.

Ông Nguyễn Vũ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam, lý giải thêm, thuỷ điện Hoà Bình là nhà máy thuỷ điện lớn nhất Việt Nam, có công suất 1.920MW, chiếm tới 20% sản lượng điện của hệ thống.

Do đó, chỉ cần thiếu 1m nước hồ thuỷ điện này thì nguồn cung ứng điện quốc gia sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Ngày 15/12, mực nước hồ thuỷ điện Hoà Bình đã đạt 116,4m, sát yêu cầu mực nước 116,5m vào 31/12/2009.

Thế nhưng, “đạt mực nước dâng như vậy là bởi, chúng tôi đã phải giảm sản lượng phát điện như trên. Vì hiện hồ cần tích nước để ưu tiên phục vụ cho mục tiêu chống hạn sắp tới”, ông Thành nói.

Ông lo ngại: “Còn nửa cuối tháng 12 tới, chưa biết thời tiết diễn biến sẽ thế nào, nếu có bất trắc xảy ra, hoặc phải tăng sản lượng phát điện thì mực nước trong hồ sẽ lại giảm sút, không đạt được mục tiêu như trên”.

Chưa kể, do nhu cầu tích nước cho hồ Thuỷ điện Sơn La để phát điện vào tháng 5/2010, nên có giai đoạn, nước không về hồ thuỷ điện Hoà Bình. Việc tích nước càng khó hơn.

Chúng tôi đang phải xin Tập đoàn EVN cho giảm mục tiêu phát điện năm 2010 của thuỷ điện Hoà Bình xuống. EVN yêu cầu 8,9 tỷ kWh, nhưng có lẽ chúng tôi chỉ đáp ứng 8,4 tỷ kWh”, ông Thành bày tỏ.

Nói cách khác, mùa khô năm 2010, nguồn thuỷ điện lớn nhất cả nước này khó mà có đóng góp lớn cho hệ thống điện quốc gia.

Hiện nay, thuỷ điện Tuyên Quang, Thác Bà cũng chỉ phát sản lượng điện phát bằng 25% so với cùng kỳ năm 2008.

Vẫn lo tiến độ các nguồn nhiệt điện

Khi mà hầu hết, các hồ thuỷ điện miền Bắc đều rơi vào tình trạng cạn kiệt nước, hệ thống điện quốc gia chỉ còn trông chờ vào nguồn nhiệt điện. Nhưng, kinh nghiệm vài năm trở lại đây thì thấy, các nguồn nhiệt điện mới luôn luôn chậm tiến độ.

Miền Bắc phải nhận công suất điện cao từ miền Trung- Nam sẽ gây áp lực quá tải lên lưới truyền tải 500kW Bắc- Nam (ảnh: VNN)
Miền Bắc phải nhận công suất điện cao từ miền Trung - Nam sẽ gây áp lực quá tải lên lưới truyền tải 500kW Bắc - Nam. (Ảnh: VNN)

Ví dụ, kế hoạch đầu năm nay, đáng lẽ, hệ thống điện quốc gia phải có khoảng 3.300MW công suất nhiệt điện bổ sung, nhưng ước hết năm, chỉ có khoảng 1.800MW nguồn điện mới đưa vào vận hành. 

Như vậy, tổng công suất nguồn điện mới vào 2009 đưa vào chỉ bằng 55% so với kế hoạch năm.

Mùa khô năm 2010, miền Bắc cần thêm khoảng 1200MW. Tổng công suất này sẽ phụ thuộc vào 4 nguồn nhiệt điện mới chủ đạo, có công suất tổ máy 300MW.

Cụ thể, đó là nhiệt điện Cẩm Phả, đã lùi tiến độ từ tháng 12/2009 sang tháng 5/2010, nhiệt điện Quảng Ninh phát vào tháng 2/2010, nhiệt điện Sơn Động phát vào tháng 3/2010.

Tổ máy 300MW của nhà máy Uông Bí mở rộng hiện đã vận hành trở lại. Nếu một trong các nguồn này tiếp tục chậm hoặc bị sự cố thì miền Bắc sẽ lại căng thẳng về điện.

Ông Đậu Đức Khởi e ngại, nguồn nhiệt điện vận hành trong giai đoạn hiệu chỉnh, thường không ổn định.

Thuỷ điện giảm mạnh sản lượng, trong khi, nhu cầu điện năng tháng 1 vừa qua tăng cao trên 24%. EVN đã phải đổ dầu vào chạy các nhà máy nhiệt điện để bù lại sự thiếu hụt này. Đồng thời, Tập đoàn đã mua điện của Trung Quốc tăng thêm 60%.

Việc thiếu hụt công suất điện sẽ gây ra hệ luỵ như quá tải lưới điện 500-220kV miền Bắc, khiến các đường dây truyền tải 500kV Bắc-Nam (Đà Nẵng-Hà Tĩnh, Đà Nẵng-Pleiku) luôn vận hành tới mức giới hạn. Do đó, hệ thống điện quốc gia luôn vận hành trong tình trạng căng thẳng, khó đảm bảo an toàn.

Năm 2010, do nền kinh tế hồi phục, tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể sẽ còn cao hơn. Do vậy, gánh nặng lo đủ điện cho cả nước chắc chắn cần sự “chung tay” của nhiều tập đoàn ngoài EVN, hiện đang là chủ đầu tư các nguồn điện lớn như Tập đoàn Dầu khí, lo chuyện cấp khí ổn định, hay Tập đoàn Than-Khoáng Sản…

  • Phạm Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,