- Ông Trần Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã trả lời VietNamNet về câu chuyện vì sao lại tăng giá than cho điện đột biến.
Tăng giá đột biến là do bị ép bao cấp quá lâu
- Thưa ông, dư luận cho rằng, ngành than tăng giá như vậy là gây sốc cho điện? Ông tự đánh giá thế nào về đợt điều chỉnh giá bán của mình cho điện?
Ông Trần Xuân Hòa, Tổng Giám đốc TKV (ảnh: Phạm Huyền) |
- Chúng tôi đã chuẩn bị việc thực hiện tăng giá này hết sức cẩn trọng. Thứ nhất, văn bản thông báo số 244, ngày 11/8/2009, ý kiến Thủ tướng đã nêu rõ: Về giá than cho điện, cần tính toán cụ thể, để đảm bảo đến năm 2010 là thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Đã là ý kiến của Thủ tướng thì chúng tôi không thể không thực hiện.
Sau đó, 4/12, Bộ Tài chính ra văn bản cũng yêu cầu TKV thực hiện giá bán than cho điện như chỉ đạo của Thủ tướng.
Sau cùng, chúng tôi mới gửi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị tăng giá, đồng thời, mời EVN sang đàm phán mức giá bán than mới vào ngày 18/12. Nhưng tiếc là, bên EVN đã xin hoãn lại cuộc họp này vì lãnh đạo đang đi vắng.
Như vậy là, chúng tôi tăng giá bán than là hoàn toàn thực hiện nghiêm chủ trương của Thủ tướng.
- Trước việc cả EVN và Cục Điều tiết Điện lực đều nói rằng, TKV tăng giá hơn gấp đôi là quá mạnh, ông nhìn nhận thế nào về những ý kiến như vậy?
- Than phải tăng giá đột biến chẳng qua là vì giá than bị ép bao cấp cho điện lâu quá. Chính vì nhiều năm nay, điện cũng không theo thị trường nên đã ép ngành than. Mà việc ghìm giá như vậy, càng để lâu thì khi điều chỉnh theo thị trường, càng bật mạnh, tăng cao.
Ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng phát biểu trên báo chí rằng, nếu không mở ra thị trường thì nó sẽ như quả bom nổ chậm. Càng để lâu, càng ép thì nó sẽ càng nổ lớn.
Giá bán than cho điện hiện nay so với giá thành là rất thấp, chỉ bằng 50-60% giá thành. Do đó, tăng giá gấp đôi so với trước cũng không có gì lạ.
Bây giờ, bao cấp giá than thì chỉ còn mỗi điện thôi. Các hộ tiêu dùng lớn như hóa chất, giấy, xi măng, đều đã theo thị trường cả rồi.
Than đòi tăng giá bán cho điện với giá gấp đôi (ảnh: quangninh.gov.v) |
- Thưa ông, Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, nếu với mức giá than tăng mạnh như vậy thì TKV sẽ siêu lợi nhuận? Ông có ý kiến gì?
- Giá thành năm 2009 dự kiến là 722,456 đồng/tấn, bằng 103,7% so với năm 2008. Năm 2010, do khai thác sâu hơn nên giá thành tiếp tục tăng, 803.000 đồng/tấn.
So với tính toán ban đầu thì giá đầu vào của than năm 2009 đã tăng mạnh như giá thép chống lò tăng 1.173 đồng/tấn, săm lốp ôtô tăng 8.200 đồng/tấn, nhiên liêu tăng 10.666 đồng/tấn, thuế tài nguyên tăng 6.977 đồng/tấn, chi phí thăm dò khảo sát tăng 4.561 đồng/tấn, rồi lãi vay, thuế VAT, tỷ giá…
Ngoài ra, phương án chúng tôi đăng ký giá năm 2009 là phương án đáy thôi, sản xuất với sản lượng thấp, mọi chi phí bị ép xuống.
Do đó, cách tính như của Cục Điều tiết Điện lực là dựa trên cơ sở giá thành đã cũ rồi, đến nay, mọi thứ đều đã tăng lên.
Tôi cho rằng, tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành của chúng tôi tính toán là hợp lý. Khi đàm phán sắp tới, chúng tôi sẽ vẫn giữ giá như vậy thôi.
Chúng tôi chỉ muốn làm sao giá than bán cho điện, là bằng giá thành cộng lợi nhuận hợp lý, ít nhất từ 3-5% như của điện. Không thể kéo dài mãi việc hỗ trợ giá bán cho điện được.
- Thưa ông, cũng là một khách hàng của điện, nếu như giá điện năm tới tăng tới 17%, là sốc cho nền kinh tế và lý do là vì… giá than, cá nhân ông cảm thấy thế nào?
Theo TKV, giá bán than hiện nay cho điện đối với loại than cám 4b chỉ bằng 56% giá thành, cám 5 là 59% giá thành. Nếu so với giá thành kế hoạch năm 2010, giá bán than cho điện đối với loại cám 4b chỉ bằng 51%, cám 5 là 53%. |
- Bản thân tôi cũng không hề muốn tăng giá đột biến như vậy. Vì tôi cũng là khách hàng tiêu dùng điện, nên tôi hiểu, khi điện tăng giá thì chúng tôi cũng vất vả.
Nhưng, cả nước thì chỉ chú ý mỗi giá điện này thôi. Không có điện, phải thắp đèn dầu thì mới lo, còn không có than, thì ai biết cho?
Chỉ 2-3 năm nữa là phải nhập khẩu than rồi. Các tập đoàn, trong đó có cả EVN cũng phải đi tìm than cho các dự án điện mà rồi cũng thấy khó. Than bây giờ là vàng đen, không có mà mua.
Tôi mà vào hoàn cảnh của EVN thì tôi cũng muốn kêu như thế. Tuy nhiên, ở đây, cần có sự trung hòa của Nhà nước. đứng ra giải quyết.
Bộ Công Thương nên sớm triệu tập 2 tập đoàn để làm trung gian việc này. Ở đó, để cho TKV được giải thích và cũng để cho EVN được nói.
Than cũng cần vốn đầu tư như điện
- Thưa ông, nguyên nhân là do cơ chế hiện hành về giá than cho điện tồn tại quá nhiều điểm bất hợp lý? Xin ông phân tích thêm?
- Không thể nào, cứ để điện mua than dưới giá thành mãi được.
Than hay điện thì đều là vấn đề an ninh năng lượng và đều cần phải có tiền để đầu tư sản xuất.
Ngành điện cần vốn đầu tư thì được ưu đãi, được Chính phủ bảo lãnh tín dụng, được cấp vốn ODA.
Còn ngành than thì suốt từ năm 1986 đến nay, ngoài 500 tỷ đồng cấp cho khai thác bô-xít, chúng tôi có được cấp thêm đồng nào đâu?
Năm tới, than cần trên 30.000 tỷ đồng để đầu tư. Muốn thế, phải có vốn đối ứng ít nhất là 20%, cỡ 2 tỷ USD. Thực tế thì lợi nhuận ngành than năm 2009 chỉ khoảng 3.000 tỷ, cộng với 2.000 tỷ đồng bù chênh lệch cho giá than bán cho điện dưới giá thành.
Với mức lợi nhuận đó, nhu cầu vốn như vậy, không tăng giá, chúng tôi lấy tiền đâu ra để đầu tư?
Tôi đồng ý, giá điện hiện chưa theo thị trường nhưng không thể vì thế mà kẹp mãi ngành than được.
Nước cuối thì ngành than trả hết lại cho Chính phủ các dự án điện. Nếu với cơ chế hiện nay, giá điện cũng không theo thị trường thì không ai dám đầu tư.
- Vậy, ngành điện đàm phán giá mua điện của các nhà máy nhiệt điện thuộc TKV hiện nay ra sao?
- Thực tế hiện nay, giá các nhà máy nhiệt điện của chúng tôi như Na Dương, Cao Ngạn vẫn đang phải bán điện với giá rất thấp.
6-7 năm nay, EVN cũng có mua giá cao hơn đâu, chỉ có 3,35-4,2cent/kWh, tính ra cao nhất giá có 620 đồng/kWh. Nói chung, các nhà máy điện của chúng tôi bán điện cho EVN cũng làm gì có lợi nhuận.
Nhiệt điện Sơn Động bây giờ vẫn chưa ký được hợp đồng giá mua bán điện, mới chỉ có giá tạm tính chưa đến 700 đồng/kWh.
- Tuy nhiên, có ý kiến ngành than còn độc quyền thì giá cần phải khác?
- Than trước đây chủ yếu là khai thác lộ thiên, giờ khai thác ở hầm lò sâu nhiều hơn, suất đầu tư là vô cùng lớn. Bây giờ, cần 300 triệu USD cho một mỏ hầm lò để có 2,5 triệu tấn than. Mà một mỏ muốn cho ra than cũng mất 5-8 năm. Ngay từ bây giờ, không có tiền vốn đầu tư thì thử hỏi ngành than lấy gì cung cấp cho quy hoạch điện 6?
Trong việc tìm kiếm, lo khai thác than, tôi không hề muốn nhận làm riêng một mình. Vì cực kỳ khó.
Chúng tôi đang dự kiến, sẽ mời EVN và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cùng góp vốn thành lập công ty TNHH 2, 3 thành viên để cùng nhau làm mỏ hầm lò. Khi đó, để các tập đoàn ấy biết làm lò than khổ thế nào.
Nhưng tôi cũng sợ là không ai làm. Làm điện mà bên ngành điện còn nhả ra, nói gì đến làm hầm lò than. Nhưng không làm thế, dư luận lại bảo chúng tôi độc quyền.
Than tăng giá bất hợp lý Trao đổi với PV. VietNamNet, một vị Phó Tổng giám đốc của EVN chia sẻ: "Mức đề xuất tăng giá than như của TKV là quá cao, là bất hợp lý. Như vậy, chi phí mua than cho điện phát sinh thêm tới hơn 4.000 tỷ đồng. |
-
Phạm Huyền (thực hiện)