Theo "Tổng quan quản lý ngoại hối" vừa được Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc công bố hôm 4/12, đôla Mỹ vẫn được coi là đồng tiền dự trữ chủ yếu.
Tài liệu cho biết, nhiều loại tiền tệ trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc như USD, EUR, Yen đã được đầu tư vào các sản phẩm tài chính thuộc chính phủ, ban ngành, doanh nghiệp khu vực các nền kinh tế phát triển chủ yếu và khu vực kinh tế mới nổi.
Việc bổ trợ cân bằng lẫn nhau giữa các loại tiền tệ, tài sản khác nhau cho thấy hiệu quả rất rõ rệt.
Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc còn cho biết, vai trò của đôla Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế chủ yếu, trong thời gian ngắn khó có thể thay đổi.
Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. (Ảnh: Chinaviewnews) |
Hiện Trung Quốc là nước có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, gấp hơn 2 lần so với Nhật Bản.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong quý 3/2009 tăng 141 tỷ USD, đến cuối tháng 9 đạt 2.270 tỷ USD, nhờ hoạt động đầu tư nước ngoài vào nước này khởi sắc trở lại và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua nhiều USD vào nhằm ngăn sự tăng lên của tỷ lệ trao đổi.
Theo ước tính hồi tháng 7/2009 của ngân hàng UBS tại Bắc Kinh, các tài sản bằng đồng USD chiếm khoảng 65% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Phần còn lại chủ yếu là các tài sản bằng Euro, Yen và Bảng Anh.
Thống kê của Trung Quốc cho thấy, năm 1952 dự trữ ngoại hối của nước này chỉ có 139 triệu USD, đến năm 1978 cũng chỉ tăng lên đến 167 triệu USD.
Trong thời gian đầu cải cách mở cửa, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng chậm: Năm 1989 là 5,6 tỷ USD, năm 1990 là 11,1 tỷ USD, đến tháng 11/1996, lần đầu tiên đạt hơn 100 tỷ USD.
Bước sang thế kỷ 21, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng mạnh qua các năm. Năm 2006 đạt 1.066,3 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản và đứng đầu thế giới. Năm 2008, Trung Quốc tiếp tục giữ vững ngôi đầu, với 1.946 tỷ USD.
- Việt Hà (theo Xinhua)