221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1260604
"Hậu" chương trình Ấn tượng Việt Nam: Hụt hẫng!
1
Article
null
'Hậu' chương trình Ấn tượng Việt Nam: Hụt hẫng!
,

- Vẫn chưa có bất kỳ thông tin, phương án cụ thể nào về các chương trình đặc biệt nhằm hút khách du lịch nội địa năm 2010 được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết chương trình giảm giá Ấn tượng Việt Nam 2009, diễn ra ngày 28/1, do Tổng cục Du lịch tổ chức.

Có thể làm tốt hơn

Nói về Ấn tượng Việt Nam 2009, cơ quan quản lý, các DN lữ hành, cung ứng dịch vụ, báo chí... đều đã lên tiếng thừa nhận về hiệu ứng lan tỏa của chương trình. Đây là điều cũng dễ hiểu khi lần đầu tiên ngành đứng ra tổ chức thành công một chương trình giảm giá, khuyến mãi trên quy mô toàn quốc.

Đặc biệt, theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, các bên tham gia, thay vì trước đó "mạnh ai nấy làm", nay đã hợp tác thực hiện. Liên kết này tuy mới ở mức sơ khởi nhưng là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các chương trình tới.

Kết quả, giá tour trọn gói cho khách nội địa đã giảm tới 35-40%.

Mô tả ảnh.
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh thu hút nhiều khách du lịch Việt Nam. (Ảnh: H.Yên)

Ông Khánh cho rằng, kết quả Ấn tượng Việt Nam có thể còn tốt hơn nếu ngành chủ động được kinh phí để quảng bá, thông tin về chương trình ra nước ngoài. Hơn nữa, sự liên kết này rõ ràng thiếu bền vững khi sắp hết thời gian khuyến mãi (31/12/2009) đã xuất hiện những mầm mống rạn nứt.

Hay việc miễn phí visa, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist Nguyễn Thế Vinh nhận xét, là không mấy hiệu quả với khách đoàn đã book từ trước, trong khi thủ tục để được miễn giảm lại nhiêu khê.

Bản thân Tổng cục Du lịch cũng thấy rằng, về nhận thức, một số địa phương và không nhỏ DN do không hiểu thực sự về chương trình nên e ngại tham gia và không tích cực triển khai; hay chỉ vì lợi ích cục bộ trước mắt nên đứng ngoài cuộc.

Hơn nữa, các thành phần kinh tế tham gia chương trình chưa đầy đủ, chưa nhiều, như các DN lữ hành, khách sạn liên doanh nước ngoài, trong khi họ đón lượng khách khá lớn.

Các DN lữ hành thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động các đơn vị vận chuyển giảm giá. Với các khuyến mại hút khách "ngoại", hiếm khi đặt được chỗ với giá vé giảm như đã cam kết. Hàng không Việt Nam cũng không giảm giá riêng chặng nội địa cho khách quốc tế.

Nhiều khách sạn 3 sao trở lên sợ hạ giá sẽ làm giảm thương hiệu. Các nhà cung ứng khác như nhà hàng, xe, thuyền, tàu du lịch... đều không giảm hoặc giảm rất ít.

Chưa thấy hình hài kế hoạch mới

Theo lời ông Khánh, đến thời điểm này, các DN lữ hành vẫn đang hẫng hụt vì sau khi kết thúc Ấn tượng Việt Nam 2009, họ chưa biết việc thu hút khách năm nay sẽ như thế nào?

Bởi, có điều chắc chắn là hàng không sẽ tăng giá vé máy bay, mức giá giảm như năm ngoái không còn.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó phòng Phát triển Bán và du lịch của Vietnam Airlines, cho PV VietNamNet biết, giá vé máy bay sẽ không giảm mạnh như năm 2009, mà sẽ chia ra thành nhiều đợt, vào những giai đoạn cụ thể.

Đối với khách sạn, TP.HCM không thiếu phòng (năm 2009 tăng thêm 3.600 phòng), nhưng giá cũng vọt lên khi điện nước rục rịch tăng. Khi đó, tất yếu sẽ kéo giá tour tăng cao.

Tuy vậy, trước đó, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, thông báo tới đây, ngành sẽ triển khai một loạt chương trình khuyến mãi mới, tuy không rầm rộ như Ấn tượng Việt Nam nhưng sẽ đi vào chiều sâu.

Mô tả ảnh.
Sa Pa rất hấp dẫn khách du lịch nội địa. (Ảnh: H.L.Y)

Song, tại hội nghị này, ngành chưa có bất kỳ thông tin nào về chương trình mới này. Đại diện Vietnam Airlines, Phó Tổng giám đốc Trịnh Hồng Quang, chỉ nói rằng mọi việc vẫn đang còn bàn bạc, chưa có gì cụ thể.

Giới lữ hành dự đoán, phải ít nhất đến hết tháng 3/2010 hàng không mới có thể triển khai giảm giá cho du lịch, do vướng vào giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán. Giới lữ hành trông đợi, giá vé máy bay bán cho lữ hành phải rẻ hơn giá khách mua lẻ thì họ mới có thể bán tour nội địa giảm giá.

Do vậy, ông Khánh kiến nghị Tổng cục Du lịch cần có sự chuẩn bị các bước đi tiếp theo tốt hơn, nếu chương trình có trước Tết âm lịch càng tốt.

Cần có quỹ dự phòng rủi ro cho du lịch

Tổng kết lại chương trình Ấn tượng Việt Nam 2009, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nhận xét, có 5 bài học kinh nghiệm rút ra.

Đó là khả năng dự báo và ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những khó khăn, thách thức nghiêm trọng nảy sinh, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch; sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, cơ quan quản lý; bước đầu tạo liên kết chặt chẽ hơn giữa các địa phương với DN du lịch cũng như giữa các DN lu lịch và nhà cung ứng dịch vụ; sự ủng hộ của giới truyền thông và công tác kiểm tra giám sát thường xuyên để chương trình "chạy" tốt.

Tuy nhiên, ông Lã Quốc Khánh thẳng thắn, công tác dự báo các tình huống rủi ro cần phải làm tốt hơn, để từ đó lên chương trình hành động cụ thể.

"Cơ quan nào, ai là người có trách nhiệm dự báo và để thông tin đến được với DN? Tôi đề xuất nên thành lập quỹ dự phòng rủi ro cho du lịch, bởi trong khi đây là ngành xuất khẩu tại chỗ, đem ngoại tệ về ngay thì lại không được ưu tiên có quỹ để khi cần có việc dùng ngay", ông Khánh nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thế Vinh nói thêm, một số nước cũng đã lập và duy trì quỹ này. Chẳng hạn, nếu đón được nhiều khách MICE (khách hội nghị, hội thảo), nhà cung ứng sản phẩm tại Singapore sẽ được hoàn lại một phần kinh phí từ Quỹ dự phòng - một dạng bảo hộ sau lưng hỗ trợ các DN.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,