- Không chỉ đẹp, đào quất năm nay nhờ thời tiết thuận lợi còn dồi dào hơn về nguồn cung. Giá cả theo đó được dự báo sẽ bình ổn, thậm chí có nơi còn giảm so với Tết 2009.
Đào Hà Nội sẽ đứng giá
Những ngày cuối tháng 11 âm này, chủ các vườn trồng và kinh doanh đào, quất lớn tại Quảng Bá, Nhật Tân, Phú Thượng (quận Tây Hồ), Hà Nội đang tất bật chăm tưới, tuốt lá, cắt tỉa, tạo dáng cây để chuẩn bị cho đào nở hoa đúng Tết và quất xanh tươi lúc lỉu quả.
Thời tiết được đánh giá là thuận lợi, mặc dù đào còn chưa biết chắc chắn có đạt hay không nhưng tâm lý lạc quan, phấn khởi là điều dễ nhận thấy ở các chủ nhà vườn - Ảnh: N.N |
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ 200 gốc và cành đào tại cánh đồng đào Nhật Tân cho biết, thường phải từ ngày 10/12 âm lịch trở ra mới khẳng định được đào có trúng mùa hay không. Do đó, chắc chắn phải đến quãng thời gian 20-23/12 âm, người mua mới dám "xuống tiền", đánh cây.
Song hiện tại căn cứ vào kinh nghiệm “trông trời, trông đất” của nhà nông được thừa hưởng từ đời ông cha và thực tế tích lũy từ 35 năm nay, anh Hùng dự báo, nhiều khả năng đào Nhật Tân năm nay hoa sẽ to đẹp, cánh hoa sẽ dầy hơn.
“Năm nay nhuận 1 tháng, lại lập xuân trong năm thì quy luật bao giờ hoa cũng nở sớm hơn một chút. Quan trọng hơn, việc trông trăng rằm tháng 8 theo kinh nghiệm cho thấy, trăng đục thì thời tiết rét sớm nhưng rét nhẹ nhàng. Việc xem thể lực, sinh trưởng và điều khiển cây thông qua đó sẽ quyết định đến việc hoa đào nở đúng Tết” – anh Hùng phân tích.
Cũng nhìn nhận theo hướng “có triển vọng, chứ không đen tối như các năm trước”, ông Vũ Văn Nhung, chủ 100 cành đào trên cánh đồng Phú Thượng cho rằng, thời tiết năm nay hơi khô nhưng trông ấm hơn nên đào có thể nở trước hoặc sẽ nở trúng Tết.
Không bị lâm vào cảnh thiệt hại, mất mùa như các năm trước, năm nay nguồn cung đào tại các vùng trồng có tiếng tại Hà Nội kể trên được khẳng định dồi dào hơn trước. Chính vì vậy theo các hộ, giá đào cành đến đào cây năm nay vẫn sẽ bình ổn ở mức cũ mặc dù các chi phí đầu tư giống vốn, chăm bón đã tăng 15% so với cùng kỳ.
Cụ thể, đào cành nhỏ thường cắm lọ lộc bình được các vườn bán ra Tết năm ngoái có giá thấp nhất dao động từ 60-80.000 đồng; cành lớn hơn giá đến 200.000 đồng. Còn đào cây đẹp thường được các vườn cho thuê lấy lại gốc với giá từ 5-7 triệu đến chục triệu những cây cao trên 2 mét. Các cây nhỏ hơn cũng có thể dao động từ vài trăm đến 1, 2 triệu đồng.
Đào rừng dễ mua
Tết Canh Dần năm nay dự kiến sẽ đón nhận một lượng lớn đào rừng từ Ba Vì đổ về - Ảnh: Hà Linh |
Không chỉ đào Sơn La, Lai Châu, Sa Pa sẽ về Hà Nội như các năm trước đây, Tết Canh Dần năm nay dự kiến sẽ đón nhận một lượng lớn đào rừng từ Ba Vì đổ về. Giá đào theo đó được dự báo sẽ khá mềm, có thể chỉ bằng khoảng 30-40% so với năm ngoái.
Ông Hà Ngọc Thiết - chủ một vườn đào lớn tại xóm Xoan, Vân Hoà, Ba Vì cho biết, chỉ tính riêng trong xã Vân Hoà hiện có hơn 400 hộ trồng đào. Trong đó, có không ít gia đình có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn gốc đào phai. Đào được trồng trên sườn núi, dọc bờ suối, và nhiều nhất là trong vườn từng gia đình.
Nếu như các năm trước, tổng số lượng đào trồng tính ra không lớn, hơn nữa, đào chủ yếu được trồng cho đẹp vườn và được mang đi bán rất ít thì khoảng 2-3 năm trở lại đây, đào được quan tâm chăm sóc và mở rộng về quy mô cũng như số lượng sau khi có nhiều thương lái về tận nơi thu mua đào cây, đào cành mỗi dịp Tết đến.
“Thị trường” đào tại khu vực trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi một chợ đào hình thành ngay trước cổng khu du lịch lớn nhất khu vực là Thiên Sơn Thác Ngà - ngay tại rốn đào của Ba Vì.
Năm nay, theo nhiều người trồng đào có kinh nghiệm tại đây, thời tiết ấm hơn và cùng với những kỹ thuật cho đào nở đúng dịp Tết, khả quan lượng đào cung ứng cho thị trường tới đây là rất lớn. Chưa tính các hộ trồng lớn khác trong vùng, ông Thiết dự định sẽ cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 400 cây đào hai năm tuổi, 400 cây ba năm tuổi và 400 cây từ bốn năm trở lên.
Giá giao buôn các hộ đưa ra khoảng 180.000-200.000 đồng đối với cây hai năm (cao từ 2-2,5m, đường kính gốc 5-7cm); 400.000-500.000 đồng đối với cây ba năm (cao từ 2,5-3,5m, đường kính gốc 10-15cm). Đối với các cây cổ thụ có gốc 20cm trở lên, sần sùi, mốc trắng, mức giá tuỳ thuộc vào từng gốc, dao động từ 1-5 triệu đồng/cây.
Quất cảnh dồi dào
Với các chủ vườn, quất Tết này được mùa, được giá - Ảnh: N.N |
Khác với người trồng đào, thời điểm này vẫn còn tù mù chưa biết có trúng hay không thì các chủ vườn quất tại làng Quảng Bá (Tây Hồ), Đông Ngạc (Từ Liêm), Văn Giang (Hưng Yên)… hiện chỉ còn mỗi công đoạn tỉa tót, chau chuốt cho cây và chờ đón các đoàn khách mua buôn, mua lẻ đến lựa chọn, đặt hàng.
Anh Nguyễn Văn Thanh, người trồng và kinh doanh quất cảnh ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên), chuyên bán buôn cây giống, quất cảnh cho các nhà vườn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận hồ hởi: “Thời tiết quá ưu đãi, chưa năm nào quất lại nhiều và đẹp như năm nay”.
Anh Thanh cho biết, hiện các thương lái ở các tỉnh từ miền Trung đổ lại đã tấp nập tới vựa quất cảnh Văn Giang để chọn mua cả vườn và đánh hàng về. Riêng khu vực Hà Nội, nhà anh đã là đầu mối cung cấp hàng nghìn gốc các loại từ cây thế, cây tròn, lùm cho một số nhà ở khu vực Quảng Bá, Tứ Liên.
“Năm nay do nguồn cung nhiều, quất cảnh nhìn chung đứng giá. Đối với người bán buôn như tôi thì giá bán cây giống giảm khoảng 10%” – anh Thanh nói.
Tuy vậy, tham khảo giá tại các vườn quất lâu năm tại làng Quảng Bá, Nhật Tân như nhà Hùng Huê, Nhiễu Tồn…, giá bán các cây quất đẹp, cao từ 2,5-3 mét, đường kính hơn một mét đến tay người tiêu dùng vẫn ngang mức năm ngoái, trung bình dao động từ 2-3 triệu đồng. Các cây lùm chỉ cao hơn 1 mét cũng đã được “hét” tới 1 triệu đồng.
Phải nhìn nhận rằng, có mức giá bạc triệu kể trên chỉ là số ít nhà vườn lớn, lâu năm, có lượng khách quen khá đông đảo. Còn thực tế thị trường, theo giới kinh doanh tại huyện Văn Giang, Hưng Yên – nơi cung cấp quất cảnh chủ yếu cho Hà Nội thì những cây vào loại to, đẹp kể trên, giá bán đến tay người tiêu dùng năm nay chỉ ở mức 1 triệu đồng; với cây tầm tiền 500.000 đồng thì giá bán lẻ chỉ còn khoảng 300.000 đồng.
-
Nguyễn Nga – Hà Linh