221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1264562
Hiệp hội năng lượng vẫn "thèm" tăng thêm giá điện
1
Article
null
Hiệp hội năng lượng vẫn 'thèm' tăng thêm giá điện
,

- Giá điện năm 2010 đã được Thủ tướng “chốt” là chỉ tăng 6,8% so với bình quân năm 2009, song, sáng 24/2, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vẫn gửi văn bản "xin" tăng giá điện cao hơn, lên mức 10,7%.

Văn bản kiến nghị chuyện tăng giá điện, giá than này vừa được VEA gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ sáng 24/2.

Mô tả ảnh.
Giá điện năm 2010 sẽ tăng 6,8%. (Ảnh: Phạm Huyền)

Cùng với kiến nghị tăng 10,7% giá điện, VEA đưa ra phương án điều chỉnh giá than bán cho điện theo hướng linh hoạt hơn, chia làm hai bước như đã thực hiện với các hộ xi măng, giấy, phân bón.

Trong đó, bước 1 là giá than bán cho điện tăng 30%, áp dụng từ 1/3/2010, cùng thời điểm tăng giá điện. Bước 2, tăng giá than bán cho điện lên mức tối đa với điều kiện, thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa là 10%, áp dụng trong năm 2011.

Thực chất, mức tăng giá điện 10,7% là phương án 1 của Bộ Tài chính trình Chính phủ trước đây, nhưng Thủ tướng không duyệt.

Trả lời cho câu hỏi của VietNamNet, vì sao Thủ tướng đã quyết định mức tăng giá điện chỉ 6,8% mà Hiệp hội vẫn còn muốn kiến nghị tăng cao hơn, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội bày tỏ, mức tăng 6,8% là quá thấp, không đảm bảo cho 2 ngành điện và than tái đầu tư, phát triển.

Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy chỉ có mức tăng giá điện 10,7% mới là hợp lý, đảm bảo cho ngành điện, ngành than có lợi nhuận và tái đầu tư”, ông Ngãi nói. Ông Ngãi cho rằng, dù Thủ tướng đã “quyết” thì Hiệp hội vẫn thấy cần thiết phải tiếp tục có ý kiến.

Sức ép khó khăn về vốn đầu tư của ngành than, ngành điện được coi là lý do chính đáng nhất để VEA “cố” thuyết phục Chính phủ cho giá điện leo cao hơn nữa.

VEA dẫn chứng, theo Quy hoạch điện VI, đến năm 2015, tổng vốn đầu tư cả nguồn và lưới điện ước tính rất lớn, cần 715 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải lo làm 48 dự án nguồn điện, với tổng công suất 22.748 MW, chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới. Do đó, EVN cần có khả năng thu xếp vốn và trả nợ.

Tương tự, ngành than cũng đang phải chịu sức ép rất lớn về giá thành sản xuất tăng. Chính phủ đã có chỉ đạo ngành than phải tăng sản lượng khai thác tới 100 triệu tấn/năm, trong khi khả năng tối đa của ngành này chỉ đến khoảng 60-70 triệu tấn/năm.

Than bán cho điện nếu điều chỉnh còn thấp hơn giá thành cộng lợi nhuận thì Tập đoàn Than- khoáng sản Việt Nam sẽ phải xin được tiếp tục duy trì sản lượng than xuất khẩu để bù đắp phần thiếu hụt. Đây sẽ là giải pháp khó được chấp nhận.

Năm 2010, sản lượng điện dự kiến là 72,8 tỷ kWh, sản lượng than bán cho điện dự kiến khoảng 9 - 10 triệu tấn.

VEA tính toán, nếu tăng giá điện 10,7% và giá than bán cho điện tăng 30% thì doanh thu của ngành điện sẽ tăng thêm được từ 7.750 tỷ đồng, doanh thu của ngành than tăng thêm được khoảng 1.120 tỷ đồng.

Mức tăng doanh thu như vậy là cần thiết để giúp cho 2 ngành điện, than cân bằng được tài chính và tạo ra lợi nhuận để đầu tư phát triển, VEA khẳng định.

Đánh giá về tác động của giá điện khi tăng tới 10,7%, Chủ tịch Hiệp hội nói, mức tác động tới đời sống sinh hoạt cũng như giá thành sản phẩm các ngành nghề là không lớn lắm.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận rằng, động thái của VEA trong việc vẫn “cố đấm ăn xôi”, thuyết phục Chính phủ tăng giá điện cao hơn mức đã được quyết định, cho thấy mục đích sâu sa là muốn tối đa hơn nữa lợi nhuận của 2 ngành độc quyền, điện và than, hơn là lo cân đối sức chịu đựng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, “mong muốn” này của VEA là không thành bởi, văn bản về giá điện mới đã được ký ban hành chiều 24/2.

“Thủ tướng đã quyết giá điện, cứ thế mà làm”

Thông tư mới về giá điện đã được Bộ Công Thương ký chiều 24/2. Sáng thứ 6 tới, 26/2, Bộ Công Thương sẽ họp báo công bố cụ thể giá điện mới năm 2010.

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng chỉ cho phép mức tăng giá điện năm nay là tăng lên 6,8% so với năm 2009, giờ chúng tôi cứ thế mà làm thôi. Trong đó, giá than cám 5 tăng 28%, than cám 4 tăng 47%.

"Chúng tôi chưa nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhưng, chuyện tăng giá điện này đã được Thủ tướng quyết từ trước Tết nguyên đán rồi, nêu rõ tại cuộc họp bàn về giá điện năm 2010 hôm 12/2", ông Hào chia sẻ.

Khi đó, giá điện tăng 6,8% làm giảm GDP khoảng 0,34% và làm tăng chỉ số CPI khoảng 0,2 - 0,27%. Giá điện cho các cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh tăng bình quân khoảng 6,1-6,3%, giá điện bán cho công nghiệp tăng khoảng 6,3%.

Không thể chấp nhận phương án tăng 10,7% vì như vậy sẽ là quá cao, tác động không tốt tới nền kinh tế, ông Hào nhấn mạnh.

  • Phạm Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,