221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1263148
So găng quyết liệt giữa các hãng Hàng không nội địa
1
Article
null
So găng quyết liệt giữa các hãng Hàng không nội địa
,

- VietJet Air chính thức trở thành hãng hàng không giá rẻ khi Tập đoàn AirAsia quyết định mua lại 30% vốn. Hãng dự kiến sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên vào tháng 5 tới. Miếng bánh thị phần hàng không nội địa thời gian tới sẽ bị giằng co quyết liệt.

Mô tả ảnh.
Hàng không 2010 hứa hẹn 1 năm cạnh tranh sôi động (ảnh H.Y)


Có thêm hãng bay giá rẻ

Hãng hàng không tư nhân VietJet Air ngày 11/2 cho hay, Bộ GTVT vừa cấp Giấy phép vận chuyển hàng không sửa đổi lần thứ nhất cho Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air), điều này đồng nghĩa với việc phê chuẩn thỏa thuận liên doanh giữa (VietJet Air) và tập đoàn hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á AirAsia.

Trước đó, Sở KH-ĐT TP.Hà Nội cũng đã thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh của VietJet Air, đưa AirAsia vào danh sách cổ đông sáng lập.

Theo thỏa thuận, AirAsia tham gia đầu tư góp vốn vào VietJet Air với tỷ lệ là 30%. Liên doanh này đang xúc tiến khẩn trương việc thuê máy bay (trước mắt dự kiến 3 chiếc) và lên lịch bay, xác định tần suất bay, điểm đến... để kịp cho chuyến bay thương mại đầu tiên vào dịp 30/4-1/5.

Nhận giấy phép bay từ tháng 12/2007, VietJet Air là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có vốn pháp định 600 tỷ đồng, với hai cổ đông chính là Tập đoàn Sovico (Sovico Holdings) và Ngân hàng TMCP Nhà TP.HCM (HDBank).

Chuyến bay đầu tiên VietJet Air dự kiến thực hiện cuối năm 2008. Song, không được "dũng cảm" như Indochina Airlines, hãng này quyết định lùi lại 4 tháng do diễn biến giá xăng dầu bất lợi.

Đến tháng 3/2009, hãng lại quyết định lùi kế hoạch bay thêm 6 tháng, tức là đến tháng 10, rồi lại đến cuối năm và bây giờ lại lùi tiếp đến 5/2010. Nguy cơ bị rút giấy phép bay cũng treo lơ lửng, giống như Indochina Airlines, nếu hãng không bay được vào thời điểm dự kiến.

Trong khi đó, thất bại sau cuộc "hôn phối" không thành với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin trong việc ra đời một liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam, Air Asia quay sang VietJet.

Sự ra đời của hãng hàng không giá rẻ Việt Nam mới, theo một quan chức hàng không, sẽ góp phần đa dạng hóa giá vé, thị trường hàng không tại Việt Nam, cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Thị phần miếng bánh co lại

Việc Indochina Airlines bị rút giấy phép khiến "miếng bánh" hàng không nội địa co dần, rơi vào tay "anh cả" Vietnam Airlines và hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA). Tuy nhiên, dự đến tháng 5, khi VietJet Air đi vào hoạt động, thị phần này ít nhiều sẽ bị san sẻ.

Mô tả ảnh.
Hành khách có cơ hội bay với giá hấp dẫn (ảnh P.Hải)

So với đối thủ mới này, có sự tham gia của Air Asia có đường bay khắp khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Australia, thì JPA còn rất non trẻ với 2 năm hoạt động (kể từ khi chuyển đổi mô hình từ Pacific Airlines sang).

Đặc biệt, năm 2009, hãng đã trải qua vô vàn khó khăn, từ chuyện phải đổi thương hiệu, lỗ lớn do rủi ro trong mua xăng dầu phòng ngừa xăng dầu đến thanh tra toàn diện về kỹ thuật.

Riêng đợt thanh tra, Tổng giám đốc JPA Lê Song Lai cho hay, có thời điểm hãng này thất thu tới 1 tỷ đồng mỗi ngày (mất hơn một tuần) và đến nay đã cơ bản hồi phục. Điều may mắn là vấn đề an toàn cũng được các nhà chức trách hàng không khẳng định.

Hiện JPA đang gặp khó về năng lực đội bay, với 6 chiếc đang chạy hết công suất, và dự kiến mất vài năm tới tình hình mới được cải thiện.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Lai vẫn rất lạc quan nói rằng thị phần hàng không nội địa còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, sự có mặt của đối thủ mới cũng buộc các hãng phải tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cạnh tranh, không chỉ về giá vé, mạng đường bay mà cả chất lượng dịch vụ.

Đồng quan điểm trên, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cũng cho rằng: thị trường hàng không Việt Nam vẫn đang phát triển, các hãng đều có cơ hội trong cuộc chiến giành thị phần. Hơn nữa, đây cũng không phải là sự đột biến vì hãng Air Asia đã hoạt động ở Việt Nam từ cách đây 5 năm.

Nhận xét ban đầu là vậy, nhưng trên thực tế, các hãng hàng không nội địa cũng rất thận trọng. Bởi, xét trên khía cạnh mô hình hàng không giá rẻ, nhưng VietJet Air vốn là hàng không tư nhân sẽ nhanh nhạy hơn trong việc ra các quyết định liên quan đến kinh doanh, còn JPA vẫn bị cơ chế ràng buộc do 70% vốn sở hữu Nhà nước.

Vietnam Airlines thì cho biết sắp tới sẽ phải gia tăng hoạt động trên các đường bay trong khu vực, mà mới nhất là mở đường bay thẳng Hà Nội - Rangoon (Myanmar) từ 2/3/2010. Hơn nữa, hãng cũng tăng lên 2 chuyến mỗi ngày trên các đường bay từ Sài Gòn đi Bangkok (Thái Lan) và tới Singapore, đặc biệt là củng cố mạng bay đến các nước Đông Dương.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,