Thị trường trái phiếu trong nước đã trải qua một năm ảm đạm, chỉ có một số rất ít ngân hàng tìm được “cửa thoát hiểm” và duy trì lợi nhuận từ mảng thị trường giàu tiềm năng này.
Trong buổi gặp mặt cuối năm, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cỡ lớn hồ hởi cho biết, kinh doanh trái phiếu năm 2009 khó khăn hơn, nhưng vẫn đóng góp xấp xỉ 500 tỷ đồng vào lợi nhuận ngân hàng. Mức lợi nhuận này có thể tương đương với tổng lợi nhuận của cả một ngân hàng cổ phần cỡ vừa và nhỏ.
“Khi thị trường trái phiếu trong nước khó kiếm lời thì thị trường trái phiếu quốc tế đã trở thành phao cứu sinh cho chúng tôi”, vị lãnh đạo trên đây cho biết.
Không phải ngân hàng nào cũng tìm được lối ra. (Ảnh: VNN) |
Số lẻ
Trên thực tế, những ngân hàng có thể kiếm lời được từ thị trường trái phiếu không nhiều. Lý do đơn giản là không phải ngân hàng nào cũng được phép buôn bán trái phiếu trên thị trường quốc tế.
Đầu tư trái phiếu trên thị trường quốc tế được coi như một hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và do đó liên quan tới vấn đề ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước hiện giới hạn số lượng ngân hàng được phép thực hiện nghiệp vụ này.
Trong năm 2009, trên thị trường trái phiếu quốc tế thứ cấp, nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán ra mạnh mẽ trái phiếu quốc tế mà Chính phủ Việt Nam phát hành vào năm 2005. Lợi suất có thời điểm tới 13-14%/năm.
Tới cuối năm 2009, lợi suất của trái phiếu quốc tế mà Chính phủ Việt Nam phát hành năm 2005 chỉ còn 6-7%, tức là chênh lệch tới 6% chỉ trong vòng vài tháng.
“Lo đủ vốn, mua được những lô trái phiếu này là thắng. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể mua được”, một lãnh đạo ngân hàng thương mại Nhà nước cho biết.
Như vậy, có thể nói những cơ hội mua bán trái phiếu trên thị trường quốc tế chỉ là hữu hạn, không thể phản ánh bức tranh thực sự của hoạt động kinh doanh trái phiếu các ngân hàng hiện nay.
Lo ngại mang tên “Hotel California”
Ca khúc bất hủ “Hotel California” kể một câu chuyện mang màu sắc huyền hoặc về những vị khách sau khi thuê phòng tại một khách sạn đã không thể rời khỏi khách sạn đó với câu kết “bạn có thể trả phòng bất cứ khi nào bạn muốn, nhưng bạn không thể rời khỏi đây”.
Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered, ông Ashok Sud, nói vui rằng, sự lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài giống như trong ca khúc “Hotel California”.
“Khi các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào Việt Nam, họ đổi ngoại tệ thành tiền Việt Nam để đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại nhất định rằng, khi nhà đầu tư bán ra trái phiếu, sẽ không dễ cho họ trong việc mua ngoại tệ (chủ yếu là USD) trên thị trường để chuyển ra nước ngoài”, ông Sud nói.
Do quy mô thị trường ngoại hối còn nhỏ, nên đối với các nhà đầu tư khi có nhu cầu mua một lượng ngoại tệ lớn trong thời gian ngắn thì các ngân hàng trong nước khó có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu.
Theo một chuyên gia trên thị trường trái phiếu, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tính thanh khoản của thị trường trái phiếu trong nước.
“Viễn cảnh thị trường trái phiếu trong năm 2010 vẫn sẽ ảm đạm như năm 2009. Nguồn vốn của các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu, vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh”, vị chuyên gia này giải thích.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 2009, tỷ lệ phát hành thành công trái phiếu chính phủ bằng USD là khoảng 62%, trong khi bằng tiền Việt Nam chỉ là 15%.
Trong năm 2009, một khối lượng trái phiếu chính phủ có giá trị trên 50.000 tỷ đồng đã đáo hạn, và trong năm nay, con số này được dự kiến vào khoảng trên 70.000 tỷ đồng. Với tổng khối lượng trái phiếu lưu hành trên thị trường vào khoảng 100.000 nghìn tỷ vào cuối năm 2009, nếu tình hình phát hành trái phiếu trong năm 2010 tiếp tục khó khăn, “nguồn hàng” cho thị trường có thể sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ hấp dẫn của thị trường, một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại thị trường trái phiếu Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến mức lợi suất 10-12% cho các kỳ hạn từ 1-5 năm là mức khá cao so với các loại trái phiếu chính phủ khác.
Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi khác như Trung Quốc, Ấn Độ đang cân nhắc áp dụng thuế đầu tư gián tiếp nước ngoài như Brazil đã áp dụng hồi cuối năm 2009 để hạn chế dòng đầu tư này. Khi đó, trong những so sánh tương đối, Việt Nam có thể trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn hơn.
Theo ĐTCK