221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1269523
Ào ào đòi xả 1.500 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng
1
Article
null
Ào ào đòi xả 1.500 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng
,

- Với mệnh lệnh tạm thời không tăng giá xăng dầu của Bộ Tài chính, đồng loạt các doanh nghiệp (DN) ngành này đang đòi phải trích Quĩ bình ổn, hoặc giảm thuế để “giảm lỗ”.

TIN LIÊN QUAN

Giá xăng dầu đang lừ đừ tiến

Từ khi Nghị định 84 có hiệu lực, tiến thêm một bước “thả nổi” giá xăng dầu, mặt hàng xăng đã có 2 lần tăng giá, với tổng mức tăng là 1.040 đồng/lít.

Đặc biệt, lần tăng giá gần đây nhất vào ngày 21/2, các DN bất ngờ tăng tới 590 đồng/lít khiến dư luận không khỏi nghi ngại, bức xúc. Nhưng rốt cục, tính đến 24/3, sau 33 ngày, các DN xăng dầu lỗ lại hoàn lỗ.

Mô tả ảnh.
Giá xăng tạm thời chưa được phép tăng (ảnh: Phạm Huyền)

Chẳng hạn như, Tổng công ty dầu Việt Nam- PVOil, đơn vị chiếm 25% thị phần xăng dầu cả nước cho biết đang lỗ từ 600-700 đồng/lít. Saigon Petrol, chiếm 8% thị phần cả nước, thông báo lỗ tới 800 đồng/lít xăng và 500-600 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu.

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Không có chuyện quay trở lại cơ chế cũ. Chúng tôi mất bao nhiêu công lao mới ra được Nghị định 84. Đây là một bước tiến bộ, giao quyền tự chủ về giá cho DN trong phạm vi nhất định.

Trong lúc phát triển, khi gặp khó khăn thì phải khắc phục, chứ không phải khó khăn rồi lại đi giật lùi thì khó mà tiến tới thị trường hóa. Tạm thời chúng ta phải chấp nhận những bất cập nhất định trong cơ chế kinh doanh xăng dầu".
Petrolimex, đơn vị chiếm tới hơn 50% thị phần xăng dầu cả nước từ chối đưa ra con số lỗ cụ thể, nhưng khẳng định, tình trạng khó khăn này xảy ra ngay từ trước Tết Nguyên đán. Sau khi nín 38 ngày để rồi tăng vọt 590 đồng/lít xăng, giá bán hiện nay cũng không đủ sức để “kéo” mặt hàng này của Petrolimex lên mức hòa vốn.

Một lý giải phổ biến nhất cho tình hình yếu kém trên, là 2 lần tăng giá vừa qua ở trong nước, cũng không ăn thua gì so với đà tiến lên liên tục và rất đáng lo ngại của giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới.

Ví dụ, tính tới 21/2, giá bình quân 30 ngày của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm đều dưới 83USD/thùng.

Nhưng đến nay, tính tới ngày 23/3, giá bình quân 30 ngày của các mặt hàng trên đều đã vượt 87USD/thùng.

Hiện, giá thành phẩm của xăng và dầu DO đều dao động ở mức cao, hiện trong khoảng 88-89USD/thùng thay vì mức 83-84USD/thùng trước kia. Do đó, khoảng chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành đang ngày càng giãn lớn.

So với giá bán lẻ hiện nay, hôm 15/3, giá cơ sở của xăng đã cao hơn 4,9% nhưng đến ngày 23/3, tỷ lệ chênh lệch này tiếp tục tăng, với mức 5,9%, chênh lên tới 1.003 đồng/lít.

Với dầu diesel, nếu hôm 15/3, giá cơ sở chỉ cao hơn 4,3% thì đến 23/3, đã chênh lên tới 5,4%, cao hơn 792 đồng/lít. Tương ứng ở hai mốc thời gian này, mặt hàng dầu hỏa từ khoảng chênh 4,1% thì nay đã chênh lên 5,2%, cao hơn 785 đồng/lít.

Bởi thế, cả 4 mặt hàng xăng dầu, các DN đều kêu lỗ vốn. Và nếu như, không có quyết định “tuýt còi” của Bộ Tài chính, theo đúng Nghị định 84, là chúng tôi có thể sẽ tăng tới 500đồng/lít là ít nhất, ông Trần Mạnh Hà, Phó Giám đốc công ty xăng dầu miền Bắc, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) chia sẻ.

Ào ào đòi xả quỹ... giảm lỗ

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, bộ này vẫn chưa đả động gì đến việc xả Quĩ.

Trong khi đó, lệnh ngừng tăng giá bán lẻ xăng dầu lại không nêu rõ giới hạn về thời gian. Các DN xăng dầu đều như ngồi trên đống lửa, thấp thỏm chờ đợi tín hiệu “gỡ khó” từ phía Bộ Tài chính.

Mô tả ảnh.
Kiềm giá xăng dầu để kiềm chế lạm phát (ảnh: Phạm Huyền)

“Ngay từ tuần trước, chúng tôi đã kiến nghị sử dụng Quĩ bình ổn để giảm lỗ, nhưng đến nay, bộ vẫn im hơi lặng tiếng”, vị đại diện Saigon Petro nói.

Vị chuyên gia này phân tích, trước đây, đã có lúc Thủ tướng yêu cầu không tăng giá bán xăng nhưng có thời hạn rõ ràng, và khi đó là Nhà nước bù lỗ xăng dầu. Còn nay, Bộ ban hành mệnh lệnh ngừng tăng giá thế này, vậy thì, phần lỗ ấy ai chịu?

Ông Trần Mạnh Hà bày tỏ: “20 ngày trở lại đây, việc bán xăng dầu của chúng tôi đã “ăn” cả vào vốn rồi. Do đó, nếu không xả Quĩ bình ổn thì ít ra, Bộ Tài chính hãy giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 5-10%. Nhưng đến nay, chúng tôi không nhận được ý kiến nào của Bộ cả.”

Không đồng tình với “mệnh lệnh” hành chính chung chung của Bộ Tài chính, một lãnh đạo của đơn vị xăng dầu lớn nhất hiện này bức xúc: “Trong điều kiện cần ổn định kinh tế vĩ mô, chống trượt giá, thì Nhà nước có quyền can thiệp vào câu chuyện giá cả của DN. Nhưng ít ra, Bộ phải có trách nhiệm xử lý những khó khăn cho DN do phải giữ giá. Ví dụ như lỗ quá thì Bộ giảm thuế hay xả quĩ như thế nào chứ?”

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Hiếu phân trần: “Chúng tôi tuân theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngừng tăng giá bán xăng, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô."

"Các DN buộc phải chấp hành và phải đảm bảo đủ lượng cung ứng xăng dầu ra thị trường, tiết giảm chi phí. Còn lại, nếu có vấn đề khó khăn gì, báo cáo bộ và Bộ sẽ tùy cơ ứng biến. Bộ chỉ có thể... nói chung chung như vậy chứ không thể nói ngay là sẽ có biện pháp cụ thể gì", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhưng phía các DN đều cho rằng, bộ Tài chính không thể nói suông, không thể cứ bảo có khó khăn, thì xem xét mãi được. Các DN này cũng không quên cảnh bảo: “Nếu kéo dài quá lâu tình trạng lỗ, thì khi được tăng giá, mức tăng ít thì DN vẫn lỗ, còn tăng nhiều thì dân kêu. Đó sẽ là vòng luẩn quẩn, bế tắc.”

Tuy vậy, đại diện của PV Oil lưu ý, dù sắp tới, thuế được giảm hay quỹ bình ổn được sử dụng, thì giá bán lẻ xăng dầu vẫn giữ nguyên chứ không giảm. Người tiêu dùng sẽ chỉ có cái lợi là không bị tăng giá nữa thay vì, đáng lẽ, họ sẽ bị tăng giá bán.

  • Phạm Huyền


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,