Ở cái tuổi gần lục tuần, Cục trưởng quản lý giá, Bộ Tài chính, Nguyễn Tiến Thỏa, bất ngờ nhận được lời mời đóng phim tại... một quán bia. Ông Thoả báo cáo Bộ Tài chính và ngay lập tức được chấp thuận.
>>> Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa đóng phim/ Ào ào đòi xả 1.500 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng
- Ông có thể chia sẻ duyên cớ nào đưa ông đến với điện ảnh khi đã qua cái tuổi ngũ tuần, hơn nữa lại vốn làm công việc không "dính líu" gì đến điện ảnh?
Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả
- Thực ra việc này cũng rất tình cờ, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Hôm đó, tôi đi dự một cuộc họp báo, cùng dự cuộc họp có đạo diễn người Việt Nam là Triệu Tuấn và giám đốc hãng phim Hội Nhà Văn (sau này tôi mới biết). Khi tan họp, tranh thủ ra đường ngồi... uống bia hơi thì thấy các ông ấy cứ nhìn tôi chằm chằm. Một người chủ động bắt chuyện: “Trông anh quen lắm, hình như anh hay lên truyền hình nói về giá cả, kinh tế”. Tôi trả lời: “Vâng, tôi làm bên Bộ Tài chính”. Bất chợt, các ông ấy nhận xét, nhìn tôi rất giống hình ảnh cụ Bằng ngày xưa (tức Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng). Hỏi quê ra thì mới biết tôi cũng cùng quê với cụ Bằng, ở xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Còn cụ Bằng ở xã Thanh Tùng, mà ngày xưa Thanh Tùng với Đoàn Tùng là một.
Sau một hồi nói chuyện, các ông ấy tâm sự là đang dựng một bộ phim về Bác Hồ có tên Vượt qua bến Thượng Hải, phần tiếp theo của bộ phim truyện nhựa Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong và cần tìm người đóng vai Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Các ông ấy nói: “Tìm mãi rồi mà chưa được người ưng ý, bây giờ gặp anh cứ như một duyên may” và đề nghị tôi thủ vai này.
Sau cuộc nói chuyện tại quán bia hơi đó, tôi cứ tưởng các ông ấy nói cho vui, không ngờ đạo diễn và giám đốc xưởng phim liên tục gọi cho tôi. Lúc đó tôi nghĩ, thử một lần "mạo hiểm" xem sao, vì thời gian quay của nhân vật cụ Bằng cũng ít, không đến một tuần nên tôi có thể thu xếp công việc được. Tôi đề xuất ý kiến lên Bộ Tài chính và được Bộ chấp nhận ngay.
- Cụ thể, ông sẽ sang Trung Quốc cùng đoàn làm phim quay trong bao lâu? Dự kiến khi nào bộ phim sẽ hoàn thành và công chiếu?
- Ngày 30/3 tôi sẽ sang Trung Quốc và đến 5/4 đã quay về Việt Nam. Bộ phim dự kiến sẽ công chiếu vào ngày sinh nhật Bác 19/5.
- Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nhận lời mời đóng phim, lại vào vai một nhân vật đã thành biểu tượng của lịch sử?
- Tôi rất hồi hộp, xen lẫn lo lắng không biết mình có nhập vai cụ Bằng thành công không, cũng như lo lắng cho công việc ở nhà. Từ hôm nhận lời mời đóng phim đến nay, cứ rảnh rỗi là tôi nghiền ngầm kịch bản phim, tìm đọc các tư liệu về cụ Bằng, về diễn xuất, để sao mình có thể nhập vai thành công nhất, thể hiện được cái thần thái của nhân vật. Cụ Bằng trong phim khi ấy cũng khoảng tuổi tôi bây giờ (ông Thỏa sinh năm 1952 - PV).
- Nét tính cách hay chi tiết, hình ảnh nào của nhân vật Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng mà ông thấy ấn tượng nhất khi đọc kịch bản bộ phim?
- Đó là hình tượng một con người rất nhất quán với lý tưởng, lòng trung thành với Bác Hồ, tận tụy với công việc. Tôi rất cảm kích tấm lòng ấy.
- Biết chuyện anh sẽ đóng phim, gia đình anh có phản ứng như thế nào?
- Lúc đầu, khi nghe tôi kể chuyện được mời đóng phim, vợ và con tôi rất ngạc nhiên và không tin. Sau đó, khi biết tôi nói thật, mọi người trong gia đình tôi cũng ủng hộ và tạo điều kiện để tôi yên tâm đi “quay”.
- Nếu tiếp tục có lời mời đóng phim khác, liệu ông có nhận lời?
- Tôi nghĩ chắc là không. Tôi không hy vọng vào việc này và cũng không định đi theo nghiệp diễn. Việc đóng phim lần này tôi chỉ xem như là một cơ duyên, một khi mình đã nhận lời rồi thì phải cố gắng làm cho nghiêm túc.
(Theo Đất Việt)