- Ngay cả đại diện Bộ Xây dựng cũng nói rằng mức giá gần tỷ đồng trở lên cho một chỗ đỗ ô tô là...trên trời.
TIN LIÊN QUAN
Quyền sở hữu: chung riêng lẫn lộn
Chủ đầu tư tòa nhà Golden Westlake cho rằng, chi trước một khoản mua chỗ đỗ xe tiền tỷ trong vòng 38 năm, chủ ôtô sẽ tiết kiệm được 50% so với mức tiền phải bỏ ra thuê chỗ là 3 triệu đồng mỗi tháng - Ảnh: N.N |
Vừa qua, nhiều cư dân sống tại chung cư cao cấp Golden Westlake tại địa chỉ 151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội được phen tá hỏa vì phải lựa chọn giữa hai phương án thuê hoặc mua chỗ đỗ ôtô với mức giá “trên trời” là 3 triệu đồng/tháng hoặc 751 triệu đồng trở lên/suất mua chỗ đỗ ô tô mà chủ đầu tư tòa nhà đưa ra. So với mặt bằng chung tại các chung cư cao cấp thì đây là mức giá đắt nhất từ trước đến nay.
Như đã đưa tin, việc thuê/bán chỗ đỗ ôtô với các mức giá chưa từng có trong tiền lệ tại Hà Nội nêu trên, chủ đầu tư Golden Westlake là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing (HVTS) khẳng định việc làm của họ là hợp pháp. Bởi thứ nhất, khu tầng hầm của chung cư thuộc sở hữu riêng của HVTS chứ không phải là một bộ phận tiện ích chung.
Thứ hai, theo chủ đầu tư, mức giá là tương xứng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo hướng hiện đại và tiện nghi đi kèm với chất lượng quản lý đối với khu vực này.
Làm sáng tỏ vấn đề, VietNamNet đã có buổi trao đổi với một đại diện Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản thuộc Bộ Xây dựng. Từ khía cạnh luật pháp, vị này cho rằng, Luật Nhà ở năm 2005 không nhắc đến khu tầng hầm mà chỉ có quy định nơi để xe là thuộc sở hữu chung.
Tùy theo thiết kế của chủ đầu tư mà nơi để xe có thể là tầng hầm, tầng 1 hay có bãi đỗ ngoài tòa nhà. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt khi chủ đầu tư bố trí cho thuê một dịch vụ nào khác, còn lại thông thường, tầng hầm vốn được sử dụng để giữ xe, mà đã cho thuê để xe thì theo luật, đó là sở hữu chung.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ngay cả luật pháp cũng chưa xác định được cụ thể nơi để phương tiện nào thì được coi là sở hữu chung, nơi nào là sở hữu riêng. Đơn cử, theo Quy chế sử dụng nhà chung cư thì các phương tiện bao gồm xe cho người tàn tật, xe đạp, xe máy, xe ôtô..., trong đó riêng ôtô thì quy định tối thiểu là từ 4-6 hộ có một chỗ để.
Song thực tế, chỗ đỗ ôtô không thể coi là sở hữu chung được vì chiếm diện tích lớn, lại không phải người dân nào cũng có, mà cũng không thể quy định chủ đầu tư phải đảm bảo 100% chỗ đỗ ôtô cho cư dân. Do vậy riêng phương tiện này hiện nay tùy trường hợp mà chủ đầu tư quyết định có kinh doanh hay không và dưới hình thức nào là do thỏa thuận, hợp đồng đã xác lập, ký kết với người dân.
Đại diện này cho rằng, nếu hầm để ôtô do chủ đầu tư xây dựng thuộc sở hữu riêng thì “không có gì phải bàn” về mức giá bán chỗ đỗ xe; bởi khác với nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp - nhà nước quản lý thông qua việc khống chế giá trần, thì đối với thì loại hình nhà ở thương mại, tất cả đều dựa trên nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Chủ đầu tư tự lựa chọn hình thức và hạch toán kinh doanh để sinh lời.
Không khuyến khích chỗ đỗ xe tiền tỷ
Thông tin từ phía quản lý tòa nhà cho rằng, mức thuê chỗ đỗ ôtô là 3 triệu đồng/tháng mới đủ bù đắp các chi phí mà họ đầu tư, chứ không lời lãi nhiều - Ảnh: N.N
Đồng tình với việc chủ đầu tư phải tính toán để sinh lời trong kinh doanh và đối tượng chịu tác động ở đây là những người giàu, đặc biệt, việc xây dựng bãi đỗ xe với sức chứa và quy mô khá lớn đến 300 chỗ như trên, chủ đầu tư đã có vai trò tích cực trong việc bổ sung cho quỹ giao thông tĩnh – vốn rất khan hiếm của Hà Nội, nhưng vị chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà của Bộ Xây dựng cũng cho rằng mức giá bị đẩy lên như vậy “là không hay”.
Ông nói: “Thị trường bất động sản tốt lên là một tín hiệu tốt của nền kinh tế nhưng tăng giá chỉ nên ở một mức độ nào đó. Nhà nước tuy không khống chế về giá những trường hợp bán chỗ như thế, nhưng rõ ràng chính sách nhà ở ngoài việc tạo ra nhà ở, còn là một phương tiện thu hút đầu tư từ Việt kiều, người nước ngoài cũng như người giàu trong nước. Nếu tăng quá cao, khả năng thu hút và khuyến khích sự tham gia sẽ bị giảm sút”.
Riêng mức phí thuê chỗ đỗ xe ôtô được tính 3 triệu đồng/tháng tại Golden Westlake, vị đại diện không ngần ngại khẳng định, mức giá này đã vượt quá quy định hiện hành về giá trần thuê chỗ đỗ ôtô là 1,250 triệu đồng/tháng của UBND thành phố Hà Nội. Nhưng vị này cũng khuyến cáo cư dân sống tại Golden Westlake cần xem kỹ lại hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư tòa nhà:
“Luật Nhà ở quy định nơi để xe là sở hữu chung, phí trông giữ xe không được vượt quá giá trần, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận, điều khoản riêng (không trái với pháp luật). Do vậy, người dân cần kiểm tra xem có ký với chủ đầu tư một hợp đồng nội bộ như vậy không, và các điều khoản quy định cụ thể thế nào”.
Mọi thắc mắc, cư dân có thể phản ánh đến Sở Xây dựng thành phố. Trong các trường hợp phức tạp, tranh chấp, kiện tụng thì tòa án sẽ là cơ quan đứng ra soi xét, kiểm toán các yếu tố cấu thành mức giá trông giữ trên. Quan điểm cá nhân, vị này nhẫn xét, nếu khu vực để xe được coi diện tích sử dụng chung thì phí trông giữ ôtô chỉ nên trong khoảng 1 triệu đồng/tháng, còn 3 triệu đồng/tháng kể trên là mức “vô cùng”.
-
Nguyễn Nga