Ông trùm truyền thông Mexico, Carlos Slim, người vừa truất ngôi giàu nhất thế giới của tỷ phú Bill Gates, đã biết kiếm tiền ngay từ năm lên 10.
TIN LIÊN QUAN
Carlos Slim sinh ngày 28/1/1940, tại Mexico City, là con út trong một gia đình có 6 người con. Slim nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ và từ bé đã thích thú chuyện mua bán.
Ông vua mới của làng tỷ phú thế giới, Carlos Slim. (Ảnh: Wordpress) |
Anh chị Slim kể lại rằng, cậu rất thích bán lại cho mọi người khi thì kẹo, lúc là thanh sôcôla để kiếm những đồng peso bỏ túi. Đi học, Slim tiếp tục kinh doanh đồ chơi với các bạn học.
Năm 15 tuổi, cậu đã có số vốn hơn 5 nghìn peso. Slim đã dùng nó mua 44 cổ phiếu của Banamex, ngân hàng lớn nhất Mexico. Tới năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, Slim đã có trong tay gần 32.000 peso.
Hơn nửa thế kỷ sau, tỷ phú Slim 70 tuổi với khối tài sản trị giá 53,5 tỷ USD, từ vị trí số 3 năm 2009 đã bất ngờ vượt qua hai tỷ phú Mỹ Bill Gates và Warren Buffett, trở thành ông vua mới trong làng tỷ phú thế giới do Forbes bình chọn.
Sự giàu có giống như một vườn cây ăn trái Tháng 8/2007, tờ Wall Street Journal đăng tải một bài viết về Slim, trong đó có đoạn: “Dù giá trị số cổ phiếu của Slim có thể sụt giảm bất cứ lúc nào nhưng hiện nay, nhiều khả năng ông ấy còn giàu hơn cả Bill Gates”. Tháng 3/2008, Forbes xếp Slim vào vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất, dưới Warren Buffett và trên Bill Gates. Năm 2009, ông tụt thêm một bậc, trước khi bật lên dẫn đầu vào năm nay. Cuộc soán ngôi của Slim bắt nguồn từ sự phục hồi giá cổ phiếu của công ty kinh doanh điện thoại di động mà ông sở hữu. Nhờ đó, tài sản của Slim đã tăng vọt lên 53,5 tỷ USD, trội hơn người sáng lập Microsoft khoảng nửa triệu đô. Phạm vi kinh doanh của Slim rất rộng lớn, bao gồm những cửa hàng nổi tiếng nhất, công ty viễn thông lớn nhất, nhiều khách sạn, nhà hàng, công ty khoan dầu, xây dựng và ngân hàng Inbursa của Mexico. Người ta khó có thể trải qua một ngày ở Mexico mà không trả ông ít tiền nào. Ở nước ngoài, Slim có cổ phần ở nhiều tập đoàn danh tiếng như hãng bán lẻ Sak và New York Times Co. Sự nghiệp của Slim bắt đầu phát triển mạnh vào năm 1990, khi ông và các đối tác mua công ty điện thoại quốc doanh Telmex với giá 1,7 tỷ USD. Slim đã khiến Telmex trở mình thành một cỗ máy kiếm tiền. Công ty Telmex của Slim hiện kiểm soát 83% các đường điện thoại cố định ở Mexico và là nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu nước này. Từ Telmex, ông đã xây dựng nên America Movil, mở rộng không ngừng thông qua các thương vụ sáp nhập để biến nó thành hãng viễn thông không dây lớn thứ tư thế giới. Slim có một triết lý đơn giản về chuyện kiếm tiền. "Sự giàu có giống như một vườn cây ăn trái", ông nói. "Anh phải làm cho cái vườn đó lớn lên, rộng ra, phát triển sang cả những khu khác nữa". Lo sợ của người khác, cơ hội của mình Năm 2008, ông mua một số cổ phần của tờ thời báo New York khi giá cổ phiếu hãng này tụt dốc. Giờ đây, từ 250 triệu USD đầu tư vào đây, Slim đã có thể kiếm 80 triệu và có 16% cổ phần. Tuy nhiên Slim vẫn nói ông không muốn trở thành trùm truyền thông Mỹ. Slim đã học bài học kinh doanh đầu tiên từ người cha, ông Julian Slim Haddad, một người Lebanon di cư đến Mexico đầu những năm 1900 và mở một cửa hàng bách hóa. Cha ông đã mua những tài sản giá rẻ trong thời kỳ Cách mạng Mexico. Năm 1987, khi giá cổ phiếu lao dốc trong một trong những cuộc khủng hoảng ở Mexico, Slim nhận thấy cơ hội trong khi những người khác lo sợ, ông đã mua nhiều cổ phiếu giá thấp và bán chúng đi khi kinh tế hồi phục. “Trong thời khủng hoảng, ông ấy đã luôn đầu tư và giờ chúng ta thấy ông bắt đầu thu quả ngọt”, con rể của Slim, Arturo Elias Ayub, nói. Trong khi những người giàu khác thường có xu hướng khoe khoang của cải, Slim vẫn giữ cuộc sống giản dị. Ông vẫn ở trong ngôi nhà đã sống 40 năm nay và lái một chiếc Mercedes Benz cũ kỹ. Ông không dùng chuyên cơ, du thuyền hay những thứ đồ xa xỉ. Song không phải ai cũng vui vẻ với việc Slim trở thành người giàu nhất thế giới, đặc biệt là tại Mexico, nơi chính phủ đang mở cuộc chiến chống đói nghèo. “Đây là bằng chứng cho thấy sự tham nhũng trong vòng tròn quyền lực ở Mexico, vốn cho phép vài người trở nên giàu có và để hàng triệu người khác nghèo khổ”, Ernesto Villanueva, 45 tuổi, cư dân Mexico City, nói. Mặc dù thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với 30 thành viên đã tạo nên một thị trường kinh tế quan trọng nhất thế giới, nhưng Mexico vẫn là nước đang phát triển. Hơn 50 triệu trên tổng số dân 107 triệu của Mexico vẫn chịu cảnh nghèo khó, bươn chải.