- Từ những bà nội trợ, những phụ nữ quần quật với sạp bán rau ở chợ, chẳng mấy chốc họ có trong tay tiền tỉ nhờ môi giới bất động sản.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Buôn nhà từ cái chòi tạm
Tuy hàng ngày vẫn kiếm sống bằng sạp bán trái cây tại chợ Hòa Hưng, TP.HCM, nhưng mọi người thường biết đến chị Thảo như một tay buôn nhà đất sành sỏi hơn là bà chủ sạp.
Khi mới chân ướt chân ráo lên thành phố, chị Thảo tá túc nhờ người bà con trong cái chòi tạm trên mảnh đất khoảng 50m2 ở xã Phòng Phú, huyện Bình Chánh.
Hàng ngày, chị đi bắt ốc, hái rau muống và nuôi lợn để đắp đổi qua ngày. Sau khi bán mấy lứa lợn, chị mua luôn miếng đất trên. Thế nhưng năm 2007, một dự án nhà ở rộng hàng trăm héc-ta được triển khai trong khu vực. Xóm nhỏ của chị Thảo cũng nằm trong dự án.
Đứng trước viễn cảnh công sức bao nhiêu năm gây dựng có nguy cơ mất đi, chị Thảo và hàng xóm đã kiên trì thương lượng với chủ đầu tư dự án. Sau nhiều tháng đấu tranh, chủ đầu tư dự án căn hộ Hạnh phúc, Q.7, TP.HCM, đồng ý nâng giá đền bù gần 20 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.
Sửa nhà cũ vừa mua được với giá hời để tái đầu tư vào nhà mới. Ảnh: Nhật Phương |
Cuối năm 2008, chị Thảo và hàng xóm đồng ý giao đất, nhận tiền đền bù. Với số tiền đền bù hơn tỷ đồng, chị Thảo qua quận Bình Tân mua nhà có diện tích sử dụng 180m2 hết 1 tỷ đồng và hai miếng đất nhỏ, giá 650 triệu đồng.
Số tiền còn lại, chị Thảo sang một sạp trái cây ở chợ Hòa Hưng, thu nhập cũng đủ sống. Vài tháng sau, chị Thảo bán hai thửa đất và kiếm chênh lệch hơn 100 triệu đồng. Chị Thảo tiếp tục dùng số tiền này mua 60m2 đất với giá 2,1 triệu đồng/m2 ở xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương và căn nhà 70m2 ở phường Bình Chiếu, quận Thủ Đức, giá 620 triệu đồng.
Sau gần 10 năm tần tảo, từ một người tay trắng, chị Thảo đã tạo dựng cơ ngơi ổn định, có của để dành nuôi con ăn học. Hơn nữa, miếng đất và căn nhà chị vừa mua đã có người ngấp nghé, trả giá cao.
Chị Thảo tâm sự: "Tôi chỉ nghĩ đơn giản là có tiền mua miếng đất nhỏ, chờ có lời bán đi, lấy tiền đầu tư vào nơi khác”.
Mua nhà nát, bán nhà mới
Chị Nhung, ngụ ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Tôi dành dụm được bốn cây vàng nên rủ thêm mấy anh em hùn tiền mua sáu lô đất nhỏ dọc theo trục đường Bà Hom, Tân Hoà Đông, Mã Lò, khu Bình Trị Đông thuộc quận Bình Tân. Những miếng đất có diện tích khoảng 50-60m2, giá chỉ 1-2 lượng vàng/lô khi còn là đất nông nghiệp. Lúc này, các khu dân cư ở đây cũng đang hình thành. Tôi không ngờ kế hoạch đầu tư đó đem lại lãi to".
Khi quận Bình Tân được thành lập cùng với tốc độ đầu tư hạ tầng của chính quyền, giá đất ở đây tăng theo cấp số nhân. Nếu bán đất, chị em chị Nhung sẽ thu được lời to. Thế nhưng, họ không bán mà xây nhà và làm giấy tờ hợp pháp để bán. Họ kiếm lời được hàng trăm triệu đồng/căn, đó là chưa tính khoản lời do đất lên giá.
Nhân đà thắng lớn đó, hiện chị Nhung tiếp tục lùng sục mua nhà nát hoặc các lô đất nhỏ trong khu vực để kinh doanh. Nhà nát mua giá thấp thì sửa chữa lại rồi bán với giá cao. Còn đất trống thì mua rồi xây nhà bán. Vì theo chị Nhung, mô hình kinh doanh mua nhà nát, bán nhà mới, đang được ưa chuộng đối với các quận, huyện ven thành phố. Một căn nhà nát hoặc cũ, diện tích 30-40m2, chuyển nhượng bằng hợp đồng tay chỉ khoảng 500-600 triệu đồng.
Nhiều căn nhà cấp 4 xộc xệch như thế này đã được những bà nội trợ lùng mua với giả rẻ sau đó bán lại với giá cao. Ảnh: Nhật Phương |
Sau đó xin giấy phép sửa chữa nhà và khoán lại thầu xây dựng cho họ làm mới. Khi hoàn công thì những căn nhà này, được nâng giá lên thành 700-800 triệu đồng. Vì đáp ứng được nhu cầu người mua nên chuyển nhượng tương đối nhanh.
Bà Kim Thanh, cư ngụ tại Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cũng là một trong những trùm buôn nhà đất xuất thân là một người nội trợ trong gia đình. Từ số tiền tích lũy ban đầu mua đất rẻ để chờ giá cao kiếm khoản trên lệch, rồi dần dần lại trở thành người buôn nhà đất.
Hiện bà Kim Thanh, còn liên kết với đại lý mua vật liệu xây dựng với giá sỉ và có cả một đội nhà gồm thầu xây dựng, sơn nước, thợ điện… khi có nhà sửa chữa là lập tức họ thi công ngay.
-
Nhật Phương