- Mặc dù đã tự chủ được 60% phôi, nhưng giá thép Việt Nam vẫn “nương” theo giá thế giới và hôm 7/4, đà tăng của giá bán lẻ tại Hà Nội đã chạm ngưỡng 17 triệu đồng/tấn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vẫn tăng chóng mặt
Tính từ trước 1/3, giá thép mua vào mới chỉ là 12,4 triệu đồng, cho đến nay, giá thép đã tăng tới 4,2 triệu đồng/tấn. Đây là mức chênh lệch kỷ lục chưa từng thấy chỉ trong đúng 5 tuần.
Chỉ sau 3 ngày, giá bán lẻ thép xây dựng của một số thương hiệu liên doanh như Việt Úc… đã tăng thêm 500.000 đồng/tấn. Giá mua vào của đại lý cấp 2 là 16,2 triệu đồng/tấn, kéo theo giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng được điều chỉnh lên mức 17 triệu đồng/tấn.
Giá thép cuộn bán lẻ đã tăng tới 17 triệu đồng/tấn. (Ảnh: Phạm Huyền) |
Lý giải tình hình này, Bộ Công Thương từng cho rằng, ngành thép có quá nhiều “nấc phân phối” qua 3-4 cấp nên giá đã bị “đội” cao khi tới tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo các cửa hàng bán lẻ thép, từ nhà máy tới người tiêu dùng, chỉ qua 2 cấp, trong đó, đại lý cấp 1 là mua từ nhà máy, đại lý cấp 2 kế tiếp mua từ đại lý cấp 1 và bán thẳng tới tay người tiêu dùng.
Phân tích kết cấu giá thép bán lẻ, chị Phạm Thị Hoàn, chủ cửa hàng thép Toàn Cầu cho biết, ví dụ, trước hôm 6/4, thép giao ngay tại một số nhà máy như Thái Nguyên, Việt Úc là xấp xỉ 15,6 triệu đồng/tấn (cả VAT).
Cộng thêm 100.000 đồng chi phí vận chuyển, 300.000 đồng tiền kho bãi, bốc xếp, giá mua vào của đại lý cấp 1 sẽ là 16 triệu đồng/tấn. Cộng thêm khoảng 2% lợi nhuận đảm bảo kinh doanh, giá bán lẻ sẽ là 16,4-16,5 triệu đồng/tấn.
Khi giá chào của nhà máy tăng thêm 550.000 đồng/tấn thì tương ứng, giá bán lẻ cũng sẽ tăng lên tương tự, từ 16,5 triệu đồng/tấn lên 17 triệu đồng/tấn.
Tăng giá là khởi nguồn từ nhà máy, nhà máy bán giá cao thì các cửa hàng bán lẻ cũng buộc phải tăng theo, chị Hoàn nói.
Vẫn “nương” theo giá thế giới
Việt Nam từ cảnh phụ thuộc tới 70% phôi nhập khẩu cho đến nay, chỉ còn phụ thuộc 40% phôi nhập. Nhưng khi hỏi chuyện vì sao giá thép tăng mạnh thì thấy, “lập luận” bị phụ thuộc vào giá thế giới của các doanh nghiệp ngành này vẫn không thay đổi.
Giá thép Việt Nam vẫn phải "nương" theo giá thế giới. (Ảnh: Phạm Huyền) |
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói: “Chỉ sau 1 tháng, giá phôi thế giới đã tăng vọt từ 140-170 USD/tấn. Từ lúc giá phôi còn ở dưới 500 USD/tấn, nay, leo lên mốc 640-670 USD/tấn."
“Vậy thì bảo sao, các doanh nghiệp không tăng giá bán? Tổng Công ty Thép Việt Nam, mới tuần trước mua phôi nhập với giá 614 USD/tấn, tuần này đã phải mua với mức giá 640 USD/tấn", ông Cường cho hay.
Không chỉ là phôi, thép phế, than cốc, đầu vào quan trọng của các nhà máy luyện phôi cũng tăng giá như tên bắn. Hiện nay, giá thép phế được chào bán ở mức 430-460 USD/tấn, tăng tới 60 USD/tấn so với tháng trước. Than mỡ cũng tăng tới 70-80% so với năm trước và hiện giao dịch ở mức 350 USD/tấn.
Tự chủ phôi cũng không… ăn thua
Năm 2009, nhiều công trình lò luyện phôi thép với công suất 500.000 -1 triệu tấn phôi/năm ra đời như một “thành tích” đáng nể của ngành này.
Theo ghi nhận của VietNamNet, hôm 21/3, giá thép là 13,9 triệu đồng/tấn. Nếu so với giá 16,2 triệu đồng tấn từ 6/4, giá thép đã tăng 16%.
Theo thông tư 104/2008 của Bộ Tài chính, trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ trên thị trường tăng bình quân từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, sẽ phải áp dụng biện pháp bình ổn giá. |
Nhưng theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh sắt thép, đó chỉ là đầu tư phần ngọn. 60% phôi mà ngành thép tự chủ được cũng lại phải “nương” theo giá thép phế, giá than cốc thế giới đang tăng vù vù.
Bởi thế, công ty sở hữu mỏ quặng sắt lớn nhất miền Bắc, tự sản xuất được 50% nhu cầu phôi như Công ty Thép Thái Nguyên nếu không khóc vì giá phôi nhập ngoại tăng cao, thì cũng lại khóc vì giá thép phế, giá than cốc tăng ngoài dự đoán.
Vì vậy, giá phôi trong nước không rẻ hơn phôi ngoại là bao, chỉ thấp hơn 50.000-100.000 đồng/tấn. Và đến ngày 6/4, phôi thép “made in Vietnam” này cũng đã tăng từ 12,8 triệu đồng/tấn lên mức 13,2 triệu đồng, tương đương 650 USD/tấn.
Vị chuyên gia này tính toán, nếu sản xuất thép với giá phôi này, giá giao ngay tại nhà máy sẽ lên tới 16,7-16,8 triệu đồng/ tấn. Kéo theo, qua 2 cấp phân phối, giá bán lẻ tới tay người dân sẽ vượt xa con số 17 triệu đồng/tấn.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều không dám ôm hàng tích trữ, chỉ mua đuổi bán đuổi. Các nhà thương mại còn chào giá phôi, giá thép phế cao thì giá thép trong nước còn cao, ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc thép Thái Nguyên khẳng định.
Được biết, Bộ Tài chính đang cử 3 đoàn đi thanh kiểm tra giá thép. Nhưng kinh nghiệm nhiều đợt tăng giá thép trước đây cho thấy, các bộ kiểm tra và kết quả gần như... không có gì. Lỗi sơ đẳng nhất vừa bị phát hiện tuần trước là "không niêm yết giá bán".
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng thừa nhận, doanh nghiệp tăng giá quá nhanh, quá dầy, dễ gây sốc thị trường, nhất là khi Chính phủ đã kiềm chế lạm phát.
Nhưng Hiệp hội cũng chỉ có thể “nhắc” thành viên điều chỉnh giá… dần dần, chứ không thể yêu cầu không tăng giá được khi giá thép giới vẫn leo thang chóng mặt như vậy.
-
Phạm Huyền