- Chỉ có đại diện vài hãng hàng không nước ngoài tham dự Hội thảo về hợp tác giữa du lịch và hàng không, do Tổng cục Du lịch tổ chức sáng 22/4 tại Hà Nội, mặc dù được mời chào với tinh thần cầu thị.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ít bay thẳng tới Việt Nam
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho hay, sự hợp tác giữa ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam với các hãng hàng không nước ngoài rất yếu.
Khi tổ chức hội thảo, Tổng cục Du lịch đã có thư mời, thậm chí năn nỉ đại diện của hàng không "ngoại" tại Việt Nam đến tham dự, ông Bình điểm mặt chỉ có vài hãng đến dự.
"Phải chăng họ không cần khách du lịch Việt Nam?", ông Bình nghi ngờ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, ngay trong số hơn 800 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam cũng chỉ có vài công ty mạnh có thể kết hợp với hàng không nước ngoài để làm sản phẩm.
Năm nay Việt Nam dự kiến đón khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế (ảnh Hà Yên)
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Lại Xuân Thanh nhận xét đúng là có thực trạng này. Ông Thanh cho rằng, nguyên nhân là do công tác tiếp thị của du lịch Việt Nam còn yếu. Hơn nữa, số lượng khách từ Việt Nam bay trên các chuyến của hàng không nước ngoài không lớn.
"Việt Nam vẫn mang dáng dấp là điểm trung chuyển của các chuyến bay kéo dài. Các hãng hàng không "ngoại" hầu hết không bay thẳng tới Việt Nam mà thường bay vòng qua một số nước lân cận", ông Thanh nói.
Ông ví dụ hôm qua một hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ có đơn xin bay vào Việt Nam nhưng cũng đỗ xuống sân bay Bangkok trước.
Hiện nay, ngoài 3 hãng hàng không nội địa đang hoạt động, có 44 hãng hàng không nước ngoài thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến Việt Nam với 54 đường bay từ 34 điểm đến Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
So với năm 2002, tăng thêm 26 hãng hàng không nước ngoài và 22 đường bay, với sự góp mặt của các hãng hàng không lớn cũng như hàng không chi phí thấp.
Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, từ 2004-2009, tổng lượng khách quốc tế đi máy bay là gần 16 triệu lượt trong tổng số khoảng 22,5 triệu lượt khách đến Việt Nam, chiếm tỷ lệ 71%. Trong đó, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam có thị phần lớn nhất với hơn 40%. 50% thị phần còn lại là đóng góp của các hãng hàng không nước ngoài.
Tới đây, để các hãng hàng không nước ngoài mở rộng đầu tư và tham gia vào thị trường Việt Nam, Cục Hàng không sẽ tổ chức các cuộc hội thảo hội nghị mời các hãng đến tận các trung tâm cảng quốc tế địa phương như Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc...
Đừng giảm tượng trưng
Sự hợp tác giữa du lịch và hàng không đã tiến một bước mới, đặc biệt qua chương trình giảm giá Ấn tượng Việt Nam triển khai năm 2009.
Tuy nhiên, ông Bình cho hay, tuy hàng không công bố giảm giá vé nhưng không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng tiếp cận được, đặc biệt với đơn vị nhỏ.
Các công ty tiếp cận được thì phải chấp nhận điều kiện ngặt nghèo về đặt chỗ, số lượng khách, thời gian xuất vé...
Thậm chí, kể cả khi hàng không Việt Nam nói hỗ trợ giảm 50% cho cán bộ cơ quan Nhà nước đi xúc tiến, nhưng ông Bình kể rằng khi thanh toán vé bay quốc tế ông chỉ được giảm vài chục đô la.
Do vậy, cần tránh ưu đãi về hình thức mà quan trọng là mức giảm thực tế du lịch được hưởng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) nói thêm, trong công tác xúc tiến quảng bá, do Tổng cục Du lịch và hàng không Việt Nam phối hợp lỏng lẻo từ khâu xây dựng kế hoạch nên một số hoạt động không thể phối hợp hoặc phối hợp mà hiệu quả thấp.
Ngoài ra, sự khác biệt trong định mức hoặc cơ chế, quy trình giải ngân (giữa một bên là cơ quan Nhà nước với một bên là doanh nghiệp) dẫn tới nhiều rắc rối về thanh quyết toán các khoản chi phí khi tham gia các hội chợ.
Chẳng hạn, tại hội chợ JATA (Nhật Bản) 2008, ITB (Đức) 2010 do có sự khác nhau về định mức ăn, ở cho khách đi khảo sát nên một số trường hợp hai bên không thể phối hợp đón đoàn.
-
Hà Yên