- Ba ngày đầu tháng 5, giá thép bỗng dưng giảm nhiệt mạnh. Có thương hiệu còn khuyến mại thẳng cho khách tới 300.000 đống/tấn.
TIN LIÊN QUAN
Giảm 200.000- 500.000 đồng/tấn
Ngày đi làm đầu tiên trở lại của tháng 5, Hiệp hội Thép Việt Nam “bất ngờ” nhận được một loạt văn bản thông báo sẽ giảm giá của các công ty thành viên như thép miền Nam, thép Pomina, thép Vinakyoe… với mức giảm trung bình khoảng 200.000- 500.000 đồng/tấn.
Thép bỗng dưng hạ nhiệt. (Ảnh: Phạm Huyền)
Giá thép xây dựng giao ngay tại nhà máy hiện chỉ còn dao động từ 13,6 - 14,2 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu (chưa bao gồm thuế VAT).
Thép Thái Nguyên, tuy giá niêm yết không thay đổi (14,3 triệu đồng/tấn). Song, theo ông Vũ Thanh Sơn, nhân viên phòng kinh doanh của công ty này, thì từ 6/5, công ty “khuyến mại” đặc biệt, trừ chiết khấu tới 300.000 đồng/tấn ngay trên hóa đơn, cho mọi khách hàng mua thép của hệ thống đại lý công ty này.
Sau tới 8 lần tăng giá dồn dập trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4, thì đây là lần đầu tiên các công ty thép chính thức hạ giá.
Mặc dù, mức điều chỉnh giảm chỉ mới bằng 1/12- 1/5 tổng mức tăng giá trong suốt 6 tuần trước , nhưng tín hiệu này cũng cho thấy, thị trường thép Việt Nam đang có xu hướng “co lại”.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép chia sẻ: “Các công ty đều phải nhìn nhau cả, khi đã có 1-2 “anh lớn” giảm giá thì tức khắc, các công ty còn lại cũng phải “nối đuôi” nhau mà giảm. Không giảm giá là chết!"
Nhà sản xuất giảm theo nhà đầu cơ
Không khó để nhận ra, cơn nóng lạnh bất thường trên của thép là do giới đầu cơ thao túng. Thị trường bị bóp méo, người tiêu dùng chịu khá nhiều thiệt thòi.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty thép Việt, công ty mẹ của thương hiệu thép Pomina nói: Các nhà thương mại rất “khéo”. Chỉ cần giá thế giới lên nhanh như vừa rồi, là ngay lập tức, họ điều chỉnh giá tăng theo, mặc dù, giá mua vào của nhà máy chưa hề tăng mạnh như vậy.”
Thế nên mới có chuyện, giá thép nhà máy thì chỉ bò lên từ từ, nhưng bên ngoài, giá bán lẻ lại lao lên như tên bắn. Khi sản xuất chỉ tăng 1 và thậm chí không tăng giá thì bên ngoài, nhà bán lẻ lại tăng 10.
Tháng 7, mùa thấp điểm của xây dựng nên giá thép khó có thể tăng mạnh trong quí II (ảnh: Phạm Huyền)
Và nay, khi lượng thép được găm trong kho đã quá nhiều (tới con số 568.000 tấn trong tháng 3) trong khi, giá phôi thế giới đang có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, từ 650 USD/tấn xuống còn 630USD/tấn, các nhà đầu cơ lại tập trung bán hàng tồn và hạ giá để kích cầu.
Rốt cục, thị trường thép Việt Nam có một lôgic “ngược đời”: Các nhà máy thép đang phải … hạ giá theo giá bán lẻ!
Tuần cuối cùng của tháng 4, khi các nhà máy thép vẫn bình yên giữ giá thì giá thép bán lẻ bên ngoài đã “tự giác” nhún xuống. Mỗi bước “lùi” này vào khoảng 200.000 đồng/tấn.
Chỉ trong 5 ngày qua, các cửa hàng bán lẻ thép liên doanh của Việt Úc, Việt Hàn trên đường Láng, Hà Nội đã hạ giá tới 2 lần, với tổng mức giảm giá là 400.000 đồng/tấn. Giá tới tay người tiêu dùng chỉ còn 16,3 triệu đồng/tấn (đã có VAT).
Và thậm chí, tổng đại lý bán đang “xả hàng” với giá còn… thấp hơn cả trăm ngàn đồng so với giá thép nhà máy.
Bà Phạm Thị Hoàn, chủ hàng bán lẻ thép Việt Úc lấy ví dụ: “Hôm 3/5, họ báo giá cho tôi chỉ còn 15,7 triệu đồng/tấn (gồm VAT), giảm 300.000 đồng/tấn so với trước. Nhưng cũng lúc đó, giá nhà máy thép Việt Úc, nếu cộng cả VAT vẫn là 15,95 triệu đồng/tấn. So sánh ra, giá đại lý đã hạ thấp hơn tới 250.000 đồng/tấn so với giá nhà máy”.
“Nguyên nhân vì sao lại có sự “phá” giá nhà máy như vậy thì có lẽ, là do họ đã ôm hàng quá nhiều thời gian qua, nên giờ bị tồn đọng, phải bán nhanh”, bà Hoàn phán đoán.
Với diễn biến này, thị trường thép Việt Nam đang “lội ngược dòng” so với Úc, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á… khi tại các nước này, đều có dự báo rằng, giá thép quí II sẽ còn tiếp tục tăng do giá quặng sắt tăng, đồng thời, nó cũng trái ngược với dự báo về khả năng “tăng giá mạnh quí II” của Vụ kinh tế dự báo, Bộ KH-ĐT mới đây.
Ế ẩm thì khó tăng giá quí II
Không chỉ người tiêu dùng, mà chính nhà sản xuất thép Việt Nam cũng đang bị lao đao vì nhà đầu cơ tung hứng giá thép.
Sản xuất thép của nhà máy thép Thái Nguyên cũng gặp khó vì tiêu thụ chậm. (Ảnh: Phạm Huyền)
Nổi bật của tháng 4 là sản xuất đình trệ lại và tiêu thụ ì ạch. Mà ở đó, sự ế ẩm này không phải vì nhu cầu đi xuống mà vì, các tổng đại lý hay nhà đầu đã “bỏ mặc”, không mua thép của nhà sản xuất để tiêu thụ hàng tồn kho.
Ông Nguyễn Tiến Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tháng 4, các thành viên hiệp hội chỉ tiêu thụ được 299.000 tấn thép, chỉ bằng 52% của tháng 3. Sản xuất thép chỉ đạt 478.000 tấn, bằng 85% của lượng sản xuất của tháng 3.
Nhiều thương hiệu thép chỉ tiêu thụ bằng một nửa của tháng trước. Ví dụ như thép Pomina chỉ tiêu thụ có 53.000 tấn, giảm 30% so với tháng 3, thép Việt Úc chỉ bán được có 11.000 tấn trong khi, giảm tới 45% so với tháng 3.
Thép Thái Nguyên chỉ bán được khoảng 28.000 tấn, giảm tới 60% so với tháng 3. Thép miền Nam trong tháng 4 cũng chỉ tiêu thụ được trên 30.000 tấn, trong khi tháng 3 là 70.000. Tương tự, thép Vinakyeo tháng 4 cũng chỉ bán được 30.000 tấn trong khi tháng trước là 40.000 tấn…
Theo ông Nghi, nếu nhà sản xuất mua phôi lúc giá cao 650USD/tấn thì hạ giá như vậy sẽ là lỗ. Song với tình thế này, nhà sản xuất buộc lòng phải giảm giá để cạnh tranh.
Hai tháng tới sẽ là mùa mưa, các công trình ít thi công nên thường là mùa thấp điểm của thị trường vật liệu xây dựng nói chung. Giá phôi đã chững lại trên cơ sở, giá quặng sắt tăng 40-50% đã được xác lập trong hợp đồng quí II.
Tính đến thời điểm này, thép trong các nhà máy đã tồn tới 315.000 tấn và lượng phôi chuẩn bị cho tháng 5 sẽ có 490.000 tấn, nghĩa là không thiếu phôi, cũng không thiếu thép cho quí II.
Vì thế, giá thép có thể sẽ “trồi sụt” ở biên độ nhẹ và khó lòng tăng mạnh ở quí II. Mức giá 14,5 triệu đồng/tấn (chưa VAT) tại nhà máy và mức 17 triệu đồng/tấn giá bán lẻ vừa qua có thể coi là giá đỉnh của thị trường thép năm nay.
-
Phạm Huyền