Trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân là hai phạm trù độc lập với nhau. Thế nhưng, trong vụ án Nguyễn Đức Chi, một số biện pháp nhằm truy cứu trách nhiệm cá nhân lại làm “liên lụy” đến cả pháp nhân công ty. Hậu quả là một dự án đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng phải nằm “đắp chiếu” cùng với những vướng mắc liên quan đến chủ đầu tư chưa biết sẽ được giải quyết ra sao.
Vạ lây
Rusalka là tên của dự án do Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) làm chủ đầu tư tại Nha Trang, Khánh Hòa, được cấp phép vào năm 2000 và điều chỉnh bổ sung vào năm 2001. Với tổng vốn dự kiến 15 triệu đô la Mỹ, khi hoàn thành nơi đây sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng bao gồm hệ thống khách sạn, sân golf 9 lỗ cùng các dịch vụ hội nghị, thể thao, sân khấu biểu diễn ngoài trời... Theo giấy phép, RIT là công ty liên doanh 100% vốn nước ngoài của ba pháp nhân quốc tịch Nga gồm Elaitrox, Luzhniky-DHL và DHL Cargo. Trong đó Công ty Elaitrox do Nguyễn Đức Chi làm chủ sở hữu chiếm 60% vốn đầu tư trong liên doanh RIT. Ông Chi đồng thời là Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của RIT và đại diện theo ủy quyền của các bên tham gia liên doanh.
Dự án bị bỏ hoang gần 10 năm nay |
Dự án Rusalka đang được triển khai thì ngày 25-6-2005, chủ tịch HĐQT RIT bị bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với lý do để điều tra về hành vi này, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an đã kê biên, thu giữ con dấu, các giấy tờ, tài liệu của Công ty RIT cùng toàn bộ tài sản đã đầu tư vào dự án Rusalka (bao gồm 43,8 héc ta đất, các công trình đã xây dựng trên đất và một số tài sản khác). Đồng thời, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan CSĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka và UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho dự án này.
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử tòa án đã không đủ căn cứ buộc Nguyễn Đức Chi về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà phải chuyển sang tội danh khác. Từ một vụ án gây ầm ĩ mang danh là “siêu lừa”, “vua lừa”, rút cục bị cáo Chi chỉ bị phạt bốn năm tù giam về tội “sử dụng trái phép tài sản” và 18 tháng tù giam về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau hơn bốn năm rưỡi thụ án, đến tháng 2 vừa rồi Nguyễn Đức Chi đã được tòa giảm án và ra tù trước thời hạn.
Nhân vật chính của vụ án đã tự do, nhưng dự án Rusalka thì lại rơi vào cảnh chết dở. Các công trình, tài sản mà RIT đã đầu tư vào dự án, theo kết quả định giá của Bộ Tài chính vào năm 2006, trị giá hơn 131 tỉ đồng (tương đương khoảng 8 triệu đô la Mỹ theo thời giá) hiện trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao này hiện đang là bãi đất tiêu điều, cỏ dại mọc tràn lan. Ông Chi cho biết khoảng 60 tỉ đồng tiền của nhà thầu bỏ ra thi công công trình cũng đang “mắc kẹt” trong dự án. Hơn 500 nhân sự gồm nhân viên, công nhân của RIT và của nhà thầu bị mất việc làm.
Áp dụng sai?
Cái “chết” của dự án Rusalka có lẽ có nguyên nhân bắt nguồn từ việc áp dụng một số biện pháp để phục vụ cho vụ án Nguyễn Đức Chi trước đây.
Như đã nói, ngay sau khi Nguyễn Đức Chi bị khởi tố bắt tạm giam, Cơ quan CSĐT đã kê biên, thu giữ con
Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa: "Hậu quả để lại là rất lớn" |
Thậm chí, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Chi về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tòa án đã từ chối đề nghị xem xét lại việc kê biên với lý do tài sản bị kê biên không có liên quan đến vụ án. Như vậy, nếu coi vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, có giá trị chứng minh tội phạm như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì tài sản của dự án Rusalka không thể là vật chứng của vụ án.
Do đó, việc áp dụng biện pháp kê biên trong vụ án Nguyễn Đức Chi rõ ràng đã có sai sót. Có ý kiến cho rằng ngay cả trong trường hợp tài sản đúng là vật chứng của vụ án thì việc áp dụng biện pháp kê biên cũng nên thận trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể gây ra cho doanh nghiệp và xã hội.
Lẽ ra biện pháp kê biên cần được hủy bỏ ngay. Thế nhưng, ở giai đoạn xét xử việc kê biên tài sản lại được tòa án bảo lưu, tuy nhiên lần này thì với lý do “tài sản thuộc quyền hợp pháp của bị cáo Chi” và “kê biên để đảm bảo thi hành án”. Thực chất, tài sản của dự án Rusalka không thể thuộc quyền hợp pháp của bị cáo Chi như nhận định của tòa mà phải là sở hữu của RIT, hay cụ thể hơn nữa là của ba công ty góp vốn vào liên doanh gồm Elaitrox, Luzhniky-DHL và DHL Cargo. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, chỉ được kê biên phần tài sản tương ứng với mức bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, mức bồi thường được xác định trong vụ án chỉ có 2,6 tỉ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với 131 tỉ đồng giá trị tài sản bị kê biên và hơn nữa đã được bị cáo tự nguyện bồi thường xong. Như vậy, có cần thiết phải duy trì việc kê biên, làm cho khối tài sản hàng trăm tỉ đồng thuộc sở hữu của doanh nghiệp tiếp tục bị xuống cấp, trùm mền?
Rắc rối
Ngày 1-4 vừa qua, tức phải gần năm năm sau, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) mới nhìn nhận sai lầm bằng bản án giám đốc thẩm quyết định hủy bỏ việc kê biên tài sản của dự án Rusalka, đồng thời đình chỉ vụ án về phần này. Nút thắt đã mở! Tuy nhiên, lại nảy sinh một vướng mắc tiếp theo là ai có quyền tiếp nhận số tài sản vừa được giải tỏa trong khi án giám đốc thẩm đã không hề đề cập? Giao cho Nguyễn Đức Chi cũng không ổn vì như đã phân tích ông Chi không thể là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản kia. Chủ sở hữu hợp pháp phải là RIT nhưng RIT thì không còn tồn tại nữa do dự án Rusalka đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt hoạt động. Ông Chi cho biết hiện đang đề nghị các cơ quan chức năng hủy bỏ các quyết định thu hồi giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để RIT tiếp tục thực hiện dự án Rusalka nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Có ý kiến cho rằng việc duy trì các quyết định thu hồi nói trên xuất phát từ đề nghị của Cơ quan CSĐT nhằm phục vụ cho vụ án “lừa đảo...” nhưng nay vụ án đã được chứng minh không có hành vi “lừa đảo...” thì các quyết định đó cũng không có lý do gì để tồn tại. Chưa nói, căn cứ pháp lý của việc chấm dứt hoạt động đối với dự án Rusalka còn nhiều điều chưa ổn. Theo khoản 4, điều 65 Luật Đầu tư, dự án đầu tư có thể bị chấm dứt trong trường hợp “do vi phạm pháp luật”. Chủ thể vi phạm pháp luật ở đây chỉ có thể được hiểu là chủ dự án đầu tư, tức Công ty RIT mà RIT thì không có hành vi vi phạm pháp luật nào cả. Hơn nữa, khoản 5, điều 42, Luật Doanh nghiệp quy định: khi nhân danh công ty để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm. Như vậy, liệu có oan khi buộc RIT phải gánh chịu trách nhiệm thay cho hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của cá nhân Nguyễn Đức Chi?
Mổ xẻ trường hợp dự án Rusalka để thấy rằng việc áp dụng các biện pháp trong vụ án hình sự mà người bị truy cứu là doanh nhân, giám đốc... rất có thể sẽ làm cho doanh nghiệp của họ bị tổn thương nặng nề. Trên thực tế cũng đã từng xảy ra nhiều trường hợp tương tự. Đây là vấn đề rất đáng được xem xét, rút kinh nghiệm nhằm tránh những thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp và xã hội.
-
Theo Thời báo KTSG