- Nhiều doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, quĩ bình ổn giá xăng dầu với kiểu vận hành vừa xả vừa trích như hiện nay chỉ là cái “gậy” để Bộ Tài chính “điều hành” thị trường dễ hơn, thay vì ý nghĩa bình ổn cho người tiêu dùng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lỗ do trích Quĩ bình ổn?
Nhắc tới chuyện vận hành Quĩ bình ổn giá xăng dầu bây giờ, nhiều doanh nghiệp xăng dầu cứ lắc đầu, ngán ngẩm. Tới thời điểm này, khi các doanh nghiệp vẫn lỗ, tiền trích Quĩ bình ổn thực tế là đang “ăn” vào vốn của doanh nghiệp.
Giá xăng dầu sẽ khó giảm nếu liên tục phải ưu tiên trích Quĩ bình ổn (ảnh: Phạm Huyền) |
Tính tới ngày 18/5, đối với mặt hàng dầu diesel, giá bán lẻ đang thấp hơn 1.251 đồng/lít so với giá cơ sở, tương ứng tỷ lệ chênh lệch “âm” là là 8,6%. Đối với xăng A92, giá bán lẻ cũng đang thấp hơn giá cơ sở 817 đồng/lít, tương ưng tỷ lệ chênh là 4,8 %.
Sau khi trừ đi lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 517 đồng/lít xăng và lỗ 951 đồng/lít dầu diesel.
Với việc được phép xả Quĩ để bù lỗ phát sinh (400 đồng/lít dầu và 500 đồng/lít xăng) thì mức lỗ trên tiếp tục giảm, còn 551 đồng/lít dầu diesel và chỉ còn lỗ 17 đồng/lít xăng.
Điều đáng nói là, khoản “lỗ” trên là do “có” 300 đồng/lít,kg “cố định” phải trích Quĩ bình ổn khiến giá cơ sở đội lên cao. Nếu không phải trích Quĩ, doanh nghiệp sẽ chỉ lỗ 251 đồng/lít dầu diesel và đối với mặt hàng xăng, thậm chí có thể dư ra 283 đồng/lít xăng. Mặc dù, mức dư này chưa đạt tới con số lợi nhuận định mức.
Như nhiều doanh nghiệp nói, tỷ lệ % giữa giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ là biểu hiện xu hướng lỗ của doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, “góp phần” làm gia tăng tỷ lệ “lỗ” này lại cũng chính là Quĩ bình ổn.
Vị lãnh đạo của đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam thẳng thắn: “Chẳng có cái quĩ nào cứ… lớn mãi được. Nó phải có giới hạn nhất định. Với cơ chế hiện nay, khi lỗ mà phải trích lập Quĩ thì đó là gánh nặng thêm cho doanh nghiệp. Khi quĩ đã có đủ qui mô cần thiết rồi, và giá thế giới đi xuống, có thuận lợi thì thay vì được ngừng trích lập Quĩ, giảm giá bán lẻ thì người tiêu dùng vẫn phải chi tiền lập Quĩ. Đó lại là gánh nặng cho người tiêu dùng.”
Với kinh nghiệm dạn dày trong kinh doanh, ông không ngại chỉ trích: “Qui định vừa xả, vừa trích Quĩ này không có thực tiễn. Nó vô nghĩa. ”
Bên thu cứ thu, bên chi cứ chi, bình ổn ở đâu?
Với quyết định xả- trích Quĩ song song, các doanh nghiệp thực tế chỉ được bù 100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu hỏa và bù 200 đồng/lít đối với xăng.
Mua 1 lít xăng, phải bỏ 300 đồng cho Quĩ! (ảnh: Phạm Huyền) |
Điều này cũng tương tự như một giải pháp khác: Ngừng trích Quĩ và giảm mức xả Quĩ từ 400-500 đồng/lít hiện nay xuống mức 100 – 200 đồng/lít như trên.
Quỹ Bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ. Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán hiện hành; hoặc việc tăng giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân thì Bộ Tài chính có thể giảm mức trích Quỹ thấp hơn 300 đồng/lít,kg hoặc tạm thời ngừng trích Quỹ. (Theo thông tư 234/2009/TT-BTC huớng dẫn hình thành, quản lý và sử dụng Qũy bình ổn giá xăng dầu) |
Theo tính toán của các chuyên gia xăng dầu, nếu áp dụng cách thức này, sau khi xả Quĩ trong 1,5 tháng qua, số dư còn lại của Quĩ cũng vẫn còn khoảng 1.200 tỷ đồng, tương tự như kết quả của việc vận hành Quỹ vừa trích, vừa xả hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại không làm theo cách đơn giản đó. Bởi vậy, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều thấy, cách vận hành Quĩ bình ổn không minh bạch, không rõ ràng.
Vị trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp xăng dầu nhún mình lắc đầu: “Có lẽ, bộ muốn vận hành Quĩ kiểu cuốn chiếu. Nhưng thú thực, tôi không hiểu ý đồ của Bộ Tài chính vì sao lại chỉ đạo như vậy?”
Tuần tự, lô gíc thì ai cũng hiểu rằng, cực chẳng đã, “con lợn đất” của ngành xăng dầu được rút ruột ra để “bình ổn” thị trường, tránh tình trạng giá cả phải leo thang. Và đương nhiên, động thái giảm khó đầu tiên trước khi “rút Quĩ” là phải ngừng trích Quĩ.
Đến nay, chuyện vận hành Quĩ bình ổn giá xăng dầu là hoàn toàn ngược lại.
Không ít người dân đặt câu hỏi, trong bối cảnh cực chẳng đã này, việc trích lập Quĩ còn có ý nghĩa đúng đắn là bình ổn thị trường hay không?
Chỉ thấy một thực trạng rằng, để đối phó, doanh nghiệp không chỉ âm thầm ngừng trích lập Quĩ mà còn giảm sản lượng cung ứng xăng dầu bởi, càng bán, sẽ càng lỗ, nhiều doanh nghiệp úp mở chia sẻ với PV. VietNamNet như vậy.
Quĩ là tiền của người tiêu dùng. Nhà nước chẳng thu về, doanh nghiệp cũng chẳng được “sờ” đến. Đến hết năm, doanh nghiệp lại phải hạch toán, quyết toán với Bộ Tài chính như thể một khoản quĩ của mình.
Với khẳng định “không trích Quĩ khi lỗ”, bất chấp lệnh của Bộ Tài chính, thì hẳn nhiên, tài khoản Quĩ hiện nay nếu kiểm tra thực tế là đang rỗng! Còn trên sổ sách, những con số bên có (thể hiện phần tăng lên do trích) hay bên nợ (thể hiện phần giảm đi do xả Quĩ), và số dư con lại sẽ chỉ đơn thuần là con số toán học.
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Có lẽ, Bộ Tài chính muốn có thành tích. Bên thu vào cứ thu, bên chi ra cứ chi. Vậy là, hai động thái xả Quĩ để bình ổn và trích lập Quĩ để dự phòng đều… có kết quả cả.”
“Còn nếu hi sinh một bên, chỉ xả và không thu tiếp thì, sẽ không có thành tích nào. Hơn nữa, qui định việc ngừng trích Quĩ trong điều kiện nào đều có cả. Vấn đề là vì sao Bộ không áp dụng biện pháp này?"
“Bộ Tài chính cần công khai quan điểm, có lý giải rõ với nhân dân và bàn bạc dân chủ với các doanh nghiệp hơn”, ông nói.
-
Phạm Huyền