- Từ cuối tuần trước, thị trường ngoại tệ đã bắt đầu tăng giá trở lai. Nhưng đa số mọi người đều nghĩ, đây chỉ là điều chỉnh nhỏ, bình thường của thị trường. Tuy nhiên, từ đầu tuần, giá USD bắt đầu tăng dữ dội. Sau gần nửa năm bình lặng, thị trường ngoại hối được một phen náo loạn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mua tích lũy, mua trả nợ
Đầu tuần này, giá USD vẫn chỉ ở mức 18.980 – 19.020 đồng/USD. Tuy có tăng hơn trước đó nhưng chưa tạo ra bất cứ sức ép nào đối với mọi người vì giá USD vẫn “lình xình” trên dưới 19.000 đồng/USD và thấp hơn cả tỷ giá ngân hàng.
Bất ngờ, sang ngày thứ 3 (11/5,) giá USD bắt đầu bùng nổ và chỉ sau 3 ngày giao dịch đến chiều ngày 13/5, giá USD đã tăng đến mức cao nhất 19.180 đồng/USD. Tăng gần 200 đồng/USD so với cuối tuần trước. Giá tăng quá mạnh đã khiến cho rất nhiều người dân lao vào mua USD vi lo sợ giá sẽ theo đà tăng tiếp.
Đa số người dân đều có chung tâm lý, USD sẽ tiếp tục tăng giá. (Ảnh: VNN) |
Hai ngày nay, nhân viên giao dịch tại các đại lý mua bán USD tự do lớn trên phố Hà Trung – Hà Nôi liên tục bận rộn, trời nóng, người chen mua chật kín, điện thoại reo liên tục… làm cho không khí thêm ngột ngạt. Đã lâu lắm rồi, chợ USD tự do Hà Nội mới có dịp sôi động đến thế.
Nhân viên giao dịch tại đại Lý Quốc Trinh cho biết: “Hai ngày nay, lượng người mua đổ dồn về rất nhiều. Đó là một quy luật bình thường, khi giá bắt đầu chớm tăng lên và tăng mạnh thì người dân sẽ đổ xô đi mua nhiều hơn. Giá hiện nay tuy đã tăng lên nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trước Tết âm lịch, khi đó có lúc giá USD tự do đã lên trên 20 ngàn đồng/USD. Vì thế, người dân vẫn sẽ tiếp tục mua vào vì cho rằng, mức giá hiện nay vẫn có lợi”.
Ông Hoàng Vĩnh, (ở Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, thấy giá USD tăng lên liên tục, ông liền đi mua để trả khoản nợ hơn 10 ngàn USD đã vay từ cuối năm ngoái. Ông cho biết, giá tăng liên tục nên mua ở các đại lý và cửa hàng vàng bạc nhỏ rất khó. Hình như họ găm giữ hy vọng giá tăng lên, hoặc bị các đại lý lớn hút về hết. Tôi phải mua vì chỉ cần giá lên lại mức như trước Tết là mất thêm chục triệu bạc.
Cũng lo mua USD trả nợ nhưng chị Thanh Phương, thủ quỹ tại DN tư nhân Mạnh Huy chuyên về cơ điện được sếp yêu cầu đi đặt cọc trước để mua một khoản USD lớn, chuẩn bị trả nợ cho ngân hàng. Chị Phương cho biết, chị đã đến ngân hàng để liên hệ mua nhưng chưa được trả lời nên đành phải ra thị trường tự do đặt cọc trước. Lỡ không mua được trong ngân hàng còn có nguồn mà trả nợ. Giá USD chắc sẽ còn tăng nên chỉ sợ không mua được chứ không lo mua hớ.
Nhân viên kinh doanh ngoại hối một ngân hàng cổ phần cho biết, trước đây, khi giá USD xuống, lãi suất thấp rất nhiều DN đã vay ngoại tệ thời hạn ngắn 3 - 6 tháng, nay đã đến hạn trả nợ nên nhu cầu mua USD để trả nợ khá lớn. Đúng lúc này, giá USD lại tăng cao đột ngột khiến cho nhiều DN lo lắng, đổ xô đi mua USD. Chỉ trong hai ngày qua, đã có nhiều DN khách hàng đặt vấn đề nhờ mua USD hộ mà không giải quyết được.
Trong khi nhiều người lo mua USD trả nợ thì không ít người cũng nhanh chóng gom USD để tích lũy, đầu cơ. Ông Hoàng Minh Thắng (Hoàng Mai) cho biết, thấy vàng lên giá và đã có lãi nên ông đã quyết định bán vàng và mua USD để cất giữ. Ông cho rằng, bán vàng thời điểm này có lãi, lại mua được USD tích trữ với giá hợp lý nên ông đã quyết định mua 30 ngàn USD.
Cùng tâm lý như ông Thắng, bà Nguyệt Minh ở Tây Hồ đã quyết định rút hơn 500 triệu gửi ở ngân hàng để mua USD. Bà Minh lý lẽ, USD đang có giá hợp lý, lãi suất ngoại tệ cũng bắt đầu tăng lên nên quyết định mua USD.
Chính nhu cầu mua USD tăng cao của người dân đã khiến giá USD có thêm động lực để tăng giá mạnh trong những ngày qua. Theo nhận định của các đại lý trao đổi USD ở Hà Nội, giá USD dù đã tăng nhưng vẫn còn ở mức hợp lý để mua vào. Vì thế, giao dịch mua bán sôi động sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.
Tác động tâm lý
Một trong những nguyên nhân khiến USD tăng giá mạnh khiến người dân đổ xô đi mua USD trong những ngày hôm qua là một số hãng tin nước ngoài có nhận định về khả năng nới biên độ tỷ giá lên mức 4%. Theo quy luật từ trước đến nay, mỗi lần có điều chỉnh như thế, USD sẽ tăng giá mạnh.
Tuy nhiên, chiều ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã khẳng định trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô đang tương đối ổn định và diễn biến theo chiều hướng tích cực, NHNN sẽ duy trì tỷ giá ổn định.
USD chưa ngừng tăng giá dù Ngân hàng Nhà nước đã có trấn an. (ảnh: CKM) |
Theo NHNN, trong những ngày vừa qua có thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng về việc sẽ điều chỉnh giảm giá VND 4% so với USD. NHNN khẳng định đây là thông tin thất thiệt không có cơ sở, gây tâm lý hoang mang trên thị trường.
Từ thực tế điều hành, cơ quan quản lý này cho biết, từ cuối tháng 3/2010 đến nay, thị trường ngoại hối đã đi vào hoạt động ổn định, nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, các nhu cầu hợp lệ về ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp đã được đáp ứng đầy đủ. Các tổ chức tín dụng luôn duy trì trạng thái ngoại hối dương. Các tổ chức tín dụng không những mua được ngoại tệ đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng của mình, mà còn dư thừa để bán lại cho NHNN. Tính từ giữa tháng 4 đến nay, NHNN đã mua được từ các tổ chức tín dụng hơn 1 tỷ USD để tăng dự trữ.
Sự khẳng định của NHNN và động thái điều chỉnh tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại trong mấy ngày gần đây cho thấy, đợt tăng giá này chủ yếu do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, sự bình ổn đó sẽ kéo dài bao lâu mới chính là điều quan tâm của nhiều người.
Chuyên gia Chu Thị Việt Anh - Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, sự ổn định của tỷ giá trong 4 tháng đầu năm 2010 là một tín hiệu đáng mừng song không có nghĩa là áp lực lên tỷ giá sẽ không còn nữa.
Trong thời gian sắp tới, những yếu tố sau đây sẽ vẫn có tác động lên diễn biến của tỷ giá. Trước hết là những lo ngại liên quan đến tình trạng lạm phát (CPI bình quân quý 1/2010 tăng 8,51% so với quý 1/2009), tình trạng nhập siêu (3,62 tỉ USD quý 1/2010) và thâm hụt ngân sách (bội chi ngân sách trong quý 1/2010 là 3%).
Bên cạnh đó, sự lo ngại liên quan đến xu hướng ưa chuộng vay USD của các doanh nghiệp cũng là yếu tố khá quan trọng. Xu hướng vay USD thay vì VND có thể là một nhân tố đẩy cầu USD lên cao và làm trầm trọng hơn tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế.
Đặc biệt, không thể bỏ qua tính chu kỳ, cuối quý II, đầu quý III hàng năm thường là thời điểm xảy ra căng thẳng tỷ giá. Cuối cùng, diễn biến giá USD trên thế giới cũng sẽ phần nào có tác động tới diễn biến tỷ giá USD/VND. Do đó, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường ngoại hối, để có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ và duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối trong thời gian sắp tới.
-
Phước Hà