221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1285639
Dân "đi đêm" với ngành điện?
0
Article
null
Dân 'đi đêm' với ngành điện?
,

- Nhiều địa phương còn tiết giảm điện rất oái oăm bằng cách cắt điện một mạch từ đêm đến sáng hôm sau. Đã có nơi, người dân cho biết phải mất… 30 triệu đồng mới có điện.

TIN LIÊN QUAN

30 triệu đồng cho một “suất” điện?

Để “chống cháy” mùa mất điện, nhiều hộ gia đình đã phải bấm bụng, bỏ hàng triệu đồng để mua thiết bị chống nóng, hoặc, “đi đêm” với điện lực địa phương.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Người dân bỗng dưng phải mất 2-4 triệu đồng để mua ắc qui, thiết bị kích điện (ảnh: La Thành)

Theo tính toán của 1 chủ cơ sở sản xuất cơ khí tại Nam Định, ít nhất là tốn 4- 5 triệu đồng để sắm quạt tích điện, máy kích nổ, ắc qui. Nhưng những thiết bị này cũng chỉ đủ để chiếu sáng. Nhà nào có điều kiện, phải tốn tới 10-20 triệu đồng để mua máy phát điện.

Ước trung bình, chạy dầu 1 tiếng, đã mất tới 20.000 đồng. Ở nhiều cơ quan, công sở, mỗi ngày mất điện là phải tốn 300.000 đồng tiền chạy dầu phát điện. Đó là chưa kể tiếng ồn phát ra từ các “nguồn điện” tự cung tự cấp cùng với không khí oi bức tới 38-39 độ C, nào có dễ chịu.

Trong khi, trung bình một tháng, tiền điện sinh hoạt cho một gia đình hiện đại, có 2-3 điều hòa cũng chỉ 600-700 ngàn đồng. Khoản chi phí phát sinh ấy, nếu dân kiện ngành điện cắt điện không báo trước, gây thiệt hại cho dân thì có…kết quả không?

Anh Phong, thôn Phủ, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương bất bình kể: “Trong khi, cả xã thì tối om om mà cách nhà tôi có 4-5 nhà, có một nhà nghỉ và một xưởng sản xuất nhôm kính không hiểu sao vẫn cứ sáng trưng đèn, hoạt động bình thường.”

”Mọi người ở thôn đều đồn ầm rằng, họ phải đi đêm, chi tới 30 triệu đồng với nhà đèn để kéo dường dây riêng, từ trạm cấp điện ưu tiên”, anh nói.

Rồi, anh cũng lấp lửng bảo: “Nói chung, ở vùng quê thì, cứ nhà nào có tiền là có điện, chị ạ!"

Lịch cắt điện thì.. vẫn tồi tệ như vậy. Ví dụ, có hôm, toàn thôn mất điện đúng 1 ngày rưỡi: từ 7h sáng hôm 9/6 và kéo dài hết ngày, xuyên đêm và đến tận 19h tối ngày 10/6 có điện trở lại. Còn trong tháng 5, điện mất còn triền miên hơn nữa, cắt suốt từ sáng tới tận nửa đêm.

Tại xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, anh Hiến, chủ cơ sở sản xuất ở đây vẫn tiếp tục gọi điện cho PV VietNamNet bày tỏ sự bức xúc về kiểu “cúp điện” tràn làn ngày qua ngày.

Anh kể, sang tháng 6, mọi sự vẫn không hề thay đổi, dân vẫn phải chờ tới đêm mới có điện. Ở khu vực của anh, có 2 tuyến dây 110kV thì một bên “thừa điện”, sáng trưng, còn 1 bên thì “thiếu điện”, tối om. Không rõ, ngành điện tính toán thế nào mà lại nơi sáng, nơi tối như vậy?

Điện lực tỉnh bế tắc

Đối với các điện lực địa phương, chuyện kêu khổ vì điện của dân nghe chẳng có gì lạ. Thậm chí các vị lãnh đạo này còn khẳng định, dân “nói quá”!

“Dân cứ phản ánh với báo chí thế, chứ thực ra, chúng tôi có cắt đến 24h đâu? Mấy hôm nay, chúng tôi còn chỉ cắt ban ngày và 9h tối là đóng điện cho dân còn xem World Cup”, ông Trần Quốc Đạt, Phó Giám đốc điện lực tỉnh Nam Định bức xúc.

Mô tả ảnh.
Làng quê Việt Nam tù mù tối tăm vì không có điện (ảnh: Thanh Tùng)

“Ở xã Giao Thủy, Giao Nhân, điểm báo nêu hôm trước, chuyện cắt điện đến 11h đêm chỉ là… cách đây 2 tuần. Sau đó, chúng tôi đã điều chỉnh lại rồi.”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Đạt thừa nhận, đúng là ở tỉnh Nam Định, điện sinh hoạt ngày nào cũng bị cắt.

Ông phân trần: “Chúng tôi được phân bổ có 2,2- 2,4 triệu kWh/ngày, mà nhu cầu cần tới 3,6 triệu kWh/ngày. Điện thiếu nhưng lại có quá nhiều thứ phải ưu tiên. "

"Nào là ưu tiên cho công nghiệp, sản xuất, nào là các cơ quan hành chính sự nghiệp, bệnh viện, trường học… Rồi, còn phải ưu tiên cho các sự kiện như đại hội Đảng các cấp, thi cử vừa rồi... Cái gì cũng phải ưu tiên thì còn đâu điện cho sinh hoạt mà cắt… luân phiên?"

Cũng “phủ nhận” thông tin cắt điện bất hợp lý mà dân phản ánh, trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc điện lực Điện lực Hải Dương khẳng định mạnh mẽ: “Tôi đảm bảo là ở tỉnh tôi, không có chỗ nào bị cắt liên tục như vậy. Chúng tôi đã yêu cầu phải làm đúng nguyên tắc luân phiên.”

Vị lãnh đạo điện lực tỉnh này chỉ thừa nhận tình trạng cắt điện từ sáng tới nửa đêm là diễn ra trong.. tháng 5!

“Còn sang tháng 6, chúng tôi đã chỉ đạo đóng điện cho dân từ 19h tối. Nếu dân kêu là mất điện đến đêm, thì chắc là do anh em cán bộ điện lực vì phải đi đóng điện nhiều nơi nên có thể đóng muộn ở một điểm nào đó”, ông Cường “đoán”..

Tỉnh Hải Dương có tỷ trọng điện dùng cho công nghiệp quá lớn, tới 71%. Riêng 2 nhà máy xi măng Hoàng Thạch, và Phúc Sơn, đã ngốn tới trên 2 triệu kWh/ngày trong khi, tuần này, mỗi ngày chỉ được phân bổ 5- 5,8 triệu kWh/ngày.

Tháng 6, điện lực tỉnh Hải Dương đã đàm phán đề nghị 2 nhà máy trên giảm 20-30% sản lượng dùng điện, tương đương tới 400.000- 500.000 kWh. Lượng điện này đủ dùng cho vài xã.

“Điện công nghiệp ngốn quá nhiều, kể cả tiết giảm điện sinh hoạt, cũng chẳng bao giờ đạt chỉ tiêu phân bổ của EVN", ông Cường cho hay.

Về thông tin dân phải “đi đêm” với nhân viên điện lực xã, huyện để có điện, các vị lãnh đạo điện lực tỉnh đều lấp lửng không xác nhận cũng không … phủ nhận.

“Quả thật, tôi không dám nói là… không có chuyện ấy. Việc này cũng khó kiểm tra lắm. Nhưng cái chính là thiếu điện thì phải cắt công bằng. Ai mà làm việc ấy thì không thể tồn tại được”, phó giám đốc điện lực Nam Định giãi bày.

Tương tự, vị lãnh đạo điện tỉnh Hải Dương cũng cho biết, việc này quả là … khó nói. Chúng tôi sẽ xác minh, kiểm tra lại thực tế dưới huyện.

Tuy nhiên, khi trao đổi lại với những người dân đã phản ánh với báo VietNamNet thì được biết, thực tế mất điện chưa thay đổi… tốt đẹp được như quan chức điện lực tỉnh khẳng định.

  • Phạm Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,