– Giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá than bán cho sản xuất điện sẽ giữ ổn định đến hết năm 2010
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thoả cho hay, giá điện sản xuất, tiêu dùng và giá than bán cho sản xuất điện sẽ giữ ổn định đến hết năm. Đồng thời giữ mức điều chỉnh giá xăng dầu; tiếp tục mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Giá điện sản xuất và tiêu dùng sẽ giữ ổn định đến hết năm 2010 Ảnh: HC |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong 5 tháng qua, giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường nhìn chung có xu hướng tăng nhưng không quá đột biến trong phạm vi cả nước. Trong đó, 3 tháng đầu năm, giá có xu hướng tăng cao hơn, đến tháng 4 - 5 có dấu hiệu chững lại. Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 4,55% so với tháng 12/2009.
Theo Cục Quản lý giá, từ đầu năm 2010, nhiều yếu tố bất lợi đã gây sức ép lên mặt bằng giá. Giá dầu thô và nguyên liệu cơ bản phải nhập khẩu với khối lượng lớn tăng trở lại. Nhập siêu chưa thể kiểm soát được dưới 20% kim ngạch xuất khẩu đã tác động làm tăng giá thị trường nội địa. Hầu hết giá nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phôi thép, chất dẻo, khí hóa lỏng… tăng trên 50%.
Đồng thời, việc nhà nước và DN thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa và dịch vụ như giá điện bình quân điều chỉnh tăng 6,8% (từ 1/3/2010), giá nước sạch điều chỉnh tăng tại một số địa phương, giá xăng dầu điều chỉnh theo diễn biến của giá xăng dầu thành phẩm thế giới… cũng gây sức ép lớn tăng giá hàng hóa trên thị trường.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Hữu Trường cho hay, tại 17 DN vừa được kiểm tra nhằm thực hiện bình ổn giá, có 12 DN thuộc diện phải đăng ký giá bán hàng hóa dịch vụ, nhưng chỉ có 1 DN đăng ký giá. Nhiều DN chưa quản lý tốt chi phí sản xuất, kinh doanh làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá bán không hợp lý. Các DN nhập khẩu, kinh doanh sữa có giá bán lẻ bình quân gấp gần 2 lần giá vốn, trong khi chi phí quảng cáo, tiếp thị…. bình quân vượt khoảng 20% mức không chế (theo quy định là 10% chi phí hợp lý).
Trước tình hình này, Thứ trưởng Trần Xuân Hiếu yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, bình ổn giá cả. Với mặt hàng lương thực cần chủ động nguồn hàng dự trữ không để xảy ra tình trạng khan hiếm, đầu cơ tích trữ; các mặt hàng thuộc doanh mục nhà nước thống nhất quản lý sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Mặt hàng thép cần có giải pháp kiểm soát giá đầu vào đối với các DN sản xuất, kinh doanh. Các mặt hàng đường ăn, phân bón nhiều đơn vị có tỷ lệ lợi nhuận trước thuế từ 22 -45% trên giá bán. Đây cũng là cơ sở để xem xét, yêu cầu các DN sản xuất trong nước giữ ổn định hoặc giảm giá bán trong năm 2010” – ông Trần Hữu Trường kiến nghị.
-
Hải Châu