Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và Chính phủ, trong 5 năm (2006-2010), ngành Thuế tiếp tục duy trì và phát triển phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành, hưởng ứng tích cực vào phong trào Chiến sĩ thi đua trên toàn quốc.
Tin bài mới:
Người dân Hà Nội thức ... chờ điệnNgười dân Hà Nội thức ... chờ điện
Giá vàng thế giới lập kỷ lục cao mọi thời đại mới
Thẳng tay rút giấy phép dự án du lịch 4,15 tỷ USD
Toàn ngành thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Những điển hình tiên tiên đó vừa phát huy tác dụng tích cực đến sự phát triển chung của toàn ngành, làm tốt chức năng thu ngân sách Nhà nước và quản lý thuế, vừa có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong cộng đồng xã hội.
Trong 5 năm (2006-2010), tổng thu NSNN ước đạt 1.547 nghìn tỷ đồng |
Ngay từ khi phát động phong trào, những tập thể Anh hùng Lao động và điển hình tiên tiến giai đoạn 2001-2005 vẫn tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống, đạt nhiều thành tích và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không những thế, giai đoạn 2006-2010 còn tiếp tục xuất hiện những đơn vị, cá nhân tiêu biểu được coi là ngọn cờ, là tấm gương cho toàn ngành phấn đấu và học tập như Cục Thuế TP. HCM, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cục Thuế tỉnh Yên Bái…
Từng bước khẳng định sự phát triển, toàn ngành đã có những tấm gương sáng tạo độc đáo: Đưa kiến thức thuế vào học đường của ngành thuế Yên Bái, giúp người dân nhận thức và hiểu rõ hơn về vai trò của ngành thuế; “Thu được thuế và thu được cả lòng dân” của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đã xử lý được các khoản nợ tồn đọng và nhiều vấn đề nổi cộm khác, dẫn đầu trong việc thu NSNN; hay như Cục Thuế TP. HCM là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện nhiều cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ mới theo mô hình “một cửa”, giữ vững danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Với phong trào thi đua mang tính trọng tâm và mũi nhọn là hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách, liên tục trong 5 năm qua, ngành thuế đã hoàn thành và vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), kể cả những năm gặp khó khăn do tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong 5 năm (2006-2010), tổng thu NSNN ước đạt 1.547 nghìn tỷ đồng, vượt 16,2% (tăng 216 nghìn tỷ đồng) so với dự toán và gấp 2,8 lần tổng số thu giai đoạn trước (2001-2005). Trong đó thu nội địa (trừ dầu) đạt 1.162 nghìn tỷ đồng, vượt 16,1% (tăng 162 nghìn tỷ dồng) so với dự toán pháp lệnh, đạt mức tăng trưởng bình quân 22% năm.
Cùng với sự tăng cao về số thu, thì cơ cấu nguồn thu NSNN đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, trong đó thu nội địa tăng cao và trở thành nguồn thu chủ yếu của NSNN (khoảng 78,2%), quy mô thu NSNN cũng tăng khá đồng đều qua các năm. Các địa phương có quy mô thu NSNN hơn 1.000 tỷ đồng/ năm tăng từ 21 tỉnh-thành phố (2006) lên tới 41 tỉnh – thành phố năm 2010, trong đó có 5/63 địa phương có số thu hơn 10.000 tỷ đồng/ năm: Hà Nội, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.
Tổng cục Thuế đã thực hiện chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế đến năm 2010 dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và nỗ lự của các cán bộ công chức trong ngành. Trong phong trào thi đua nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện các chính sách pháp luật thuế, Tổng cục đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền để Quốc hội thông qua và ban hành Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, sửa đổi Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế TNDN… từng bước chuẩn hóa công tác quản lý thuế tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.
Cũng trong giai đoạn này, Tổng cục Thuế còn có nhiều sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, cụ thể, rõ ràng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho đối tượng nộp thuế như: Triển khai Luật Thuế TNCN, xây dựng quy chế một cửa thống nhất, thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đã cắt giảm được 30% số thủ tục hành chính thuế hiện có.
Thu nội địa tăng cao và trở thành nguồn thu chủ yếu của NSNN |
Ngoài ra, để đáp ứng được yêu cầu quản lý theo cơ chế mới và phù hợp với nguồn lực hiện có, ngành Thuế đã đề xuất, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin mới để phát huy hiệu quả tích cực cho ngành thuế như ứng dụng phục vụ đăng ký và quản lý thuế TNCN, khai thuế qua mạng với các doanh nghiệp lớn, mở rộng hiện đại hóa và kết nối thông tin giữa cơ quan thuế, kho bạc và ngân hàng...
Việc kiến thiết, tổ chức các phong trào thi đua, ngoài ý nghĩa phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực của công tác quản lý thuế, thì còn là giải pháp để xây dựng, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn ngành. Trải qua năm năm thi đua và phấn đấu, Tổng cục Thuế đã có 8 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 145 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, đã được nhận nhiều Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập và các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Trong năm 2010, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 2 tập thể xuất sắc trong ngành Thuế là Cục Thuế TP. HCM và Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đại hội điển hình tiên tiến ngành Thuế giai đoạn 2006-2010 diễn ra vào ngày 21/6 tới đây sẽ là dịp báo cáo Tổng kết công tác thi đua trong 5 năm qua, đón chào Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VIII, góp phần tiếp tục phát hiện và nhân rộng, khen thưởng biểu dương các điển hình tiên tiến của toàn ngành, đề ra phương hướng thi đua trong nhiệm kỳ tiếp theo 2011- 2015, phấn đấu hoàn thành thắng lợi chương trình Hiện đại hóa công tác thuế trên toàn quốc.
-
Thành Vinh