221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1289746
"Giá điện chưa thả nổi, thì còn... thiếu điện"
0
Photo
null
'Giá điện chưa thả nổi, thì còn... thiếu điện'
,

- Nếu đổi ông TGĐ Tập đoàn Điện lực (EVN) này sang ông TGĐ khác, cục diện thiếu điện vẫn thế thôi khi mà, giá điện chưa dám thả nổi, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương trao đổi với VietNamNet xung quanh câu chuyện thiếu điện hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu điện còn do…chưa thả nổi giá điện

PV: Thưa ông, với tình trạng thiếu điện triền miên, nhiều năm nay, đa số ý kiến đều cho rằng, lỗi sâu xa là do cơ chế độc quyền của EVN còn kéo dài?

Mô tả ảnh.
Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương. (Ảnh: Phạm Huyền)
- Thực ra, EVN chỉ còn độc quyền truyền tải, phân phối. Về nguồn điện, EVN chỉ còn chiếm 60% nguồn.

Vấn đề mấu chốt ở đây là vấn đề giá điện. Nhà nước chưa dám thả nổi giá điện.

Ngành điện khuyến khích có sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài EVN, tuy kêu gọi là thế, nhưng đều có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước về giá.

Cơ chế của ta là, nếu anh có sản xuất điện thì ta chỉ chấp nhận mua điện của anh với mức nhất định và nó không theo thị trường. Mấy dự án điện phong chẳng hạn, chào tới 9-10 cent/kWh mới xây, nhưng ta không chấp nhận giá ấy.

Nếu ta thả nổi giá điện theo thị trường thực sự thì có thể, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy điện rất “bất cần”, bằng mọi giá, trong một thời gian ngắn là xong và họ sẽ vẫn nhanh chóng kiếm được người mua điện.

Thế nên, tuy nước ta thiếu điện như thế, nhưng nhiều nhà đầu tư không vào được.

PV: Tuy nhiên, thả nổi giá điện ngay thì sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền tới mặt bằng giá cả hàng hóa, gây lạm phát… ?

- Nâng giá điện sẽ kích thích đầu tư, khắc phục thiếu điện nhưng lại làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa khi giá điện tăng, ưu đãi giá điện nhưng thiếu điện, làm thiệt hại sản xuất… rõ ràng là, Nhà nước bây giờ sẽ phải hết sức đắn đo, lựa chọn trong câu chuyện này.

Tuy nhiên, theo tôi, Nhà nước phải tính toán câu chuyện trên ở mức độ nào đó, vì sự phát triển kinh tế cần một môi trường ổn định.

Đầu tư điện, giá rẻ đi đôi với chất lượng kém

PV: Hi vọng bù đắp lại cho sự thiếu hụt nguồn thủy điện hiện nay là các nhà máy nhiệt điện mới nhưng, các nhà máy này lại bị sự cố liên tục, chậm tiến độ? Xin ông giải thích rõ?

Mô tả ảnh.
Giá điện cần sớm được thị trường hóa (ảnh: theo congthuong)

- Bản chất của các nhà máy nhiệt điện than là công nghệ rất khó và phức tạp, cho nên, xây dựng xong, sẽ cần ít nhất 1 năm hiệu chỉnh để nhà máy hoạt động ổn định, tin cậy. Nhưng vì hệ thống điện của ta luôn thiếu nên cứ xây dựng xong nhà máy, chúng ta đã “tính” luôn cả suất tham gia của nhà máy đó trong việc đảm bảo cung ứng điện.

Chính vì thế, khi các nhà máy mới trục trặc là gây căng thẳng thêm cho hệ thống điện. Riêng mấy nhà máy lớn như Cẩm Phả, Sơn Động, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, khi bị sự cố, ngừng hoạt động là mất đến gần 1000 MW, không phải ít.

PV: Thưa ông, hỏng hóc, chạm tiến độ còn do thiết bị, nhân lực nhà thầu không đáp ứng và đa số dự án do nhà thầu Trung Quốc thi công. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Đó là câu chuyện muôn thuở của vấn đề đầu tư vào ngành điện ở Việt Nam. 90% nhà máy nhiệt điện than của ta là thuê nhà thầu Trung Quốc và chúng ta chấp nhận tất cả máy móc, thiết bị, công nghệ của họ.

Ưu điểm của nhà thầu Trung Quốc là đưa ra giá chào rất rẻ… phù hợp với tiềm lực tài chính của ta.

Có dự án, các nước G7 chào gần 2.000USD/kWh, còn họ chỉ chào chưa đến 1.000USD/kWh. Và chính vì giá cả cạnh tranh như vậy, nên các nhà thầu khác khó thắng thầu. Và không có lý do gì, ta lại không chấp nhận hồ sơ dự thầu và không xem xét nghiêm túc mức giá chào của nhà thầu Trung Quốc.

Khi chấp nhận như vậy thì cái ta được lớn nhất là giá cả trong hệ thống đầu tư điện rẻ hơn. Tuy nhiên, hậu quả thực tế là giá rẻ thì nhà máy lại bị trục trặc này kia, vì cái dở nhất của nhà thầu Trung Quốc là chất lượng công nghệ, thiết bị không thể bằng các nước G7.

Còn ở các nước G7, giá chào cao gấp đôi nhưng chắc chắn, vấn đề chất lượng có thể được đảm bảo hơn, bao gồm cả đảm bảo tiến độ như cam kết.

Chúng ta đang phải chấp nhận tình trạng lựa chọn đối tác với các đối nghịch lợi ích như vậy.

Cách chức Tổng giám đốc EVN, không ích gì

PV: Ông Bộ trưởng Năng lượng nước Iraq đã phải từ chức vì để thiếu điện. Khi một công ty hoạt động kém thì ông TGĐ sẽ bị cách chức. Còn ở ta, thiếu điện là câu chuyện trường kỳ, gây thiệt hại cho nền kinh tế rất lớn nhưng những người đứng đầu ngành điện có vẻ vô can? Ông nghĩ sao về điều này?

Mô tả ảnh.
Mất điện khiến sinh hoạt người dân đảo lộn, ban đêm đổ ra ngoài ngõ hóng mát. (Ảnh: Phạm Huyền)

- Nói về lý thuyết thì đúng như thế. Hoạt động kém hiệu quả là TGĐ công ty có thể bị cách chức. Nhưng thực tế ngành điện ở nước ta, với tình hình phụ tải như thế, thời tiết như thế mà Chính phủ vẫn ưu đãi giá điện, không thả giá theo thị trường thì kể cả có cách chức ông TGĐ EVN hiện nay, rồi cho ông khác thay thế thì liệu có thay đổi cục diện thiếu điện được không? Tôi chắc là không.

Nếu nói chậm tiến độ nguồn điện, gây ra thiếu điện thì không chỉ mình EVN mà tất cả các chủ đầu tư khác trong nước cũng làm chậm tiến độ. Mặc dù, biết trước kịch bản nguy cơ thiếu điện, nhưng trong điều kiện hiện nay, EVN cũng không thể làm tốt hơn được.

Vì hệ thống điện của ta không đủ công suất dự phòng lớn, để có thể diễn biến theo kịch bản hòan hảo là hạn hán hay chậm tiến độ thì vẫn đủ điện.

Vấn đề thay đổi cục diện thiếu điện không chỉ một mình ông TGĐ EVN mà là vấn đề của toàn xã hội, của các bộ ngành… EVN chẳng qua là người đại diện Nhà nước chịu trách nhiệm vấn đề này.

Còn nếu giao cho một ông TGĐ mới đứng đầu ngành điện mà kèm theo điều kiện, cho phép giá của nhà đầu tư chào bán 7-8 cent/kWh, ta cũng mua thì chắc là được.

PV: Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu điện, cắt điện tràn lan ở các tỉnh nhưng báo chí lại rất khó tiếp cận với lãnh đạo EVN để đề nghị lên tiếng trước công luận? Ông đánh giá sao về điều này?

- Tôi cho rằng, việc đó là EVN cần phải cải tiến cách cư xử với công chúng. Hãy để cho dư luận hiểu mình. Còn đánh đổi TGĐ EVN này với TGĐ khác thì tôi e là không giải quyết được gì.

  • Phạm Huyền (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,