- Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7, giá thép xây dựng đã tăng thêm 1 triệu đồng/tấn. Các doanh nghiệp cho rằng, thị trường thép đã quay trở về mức giá thật.
TIN LIÊN QUAN
Giá thép hồi phục
Theo ghi nhận thị trường thép tại Hà Nội ngày hôm nay, 20/7, giá thép xây dựng bán lẻ (đã gồm VAT) của các công ty liên doanh như Việt Úc, Việt Hàn vào khoảng 14,5 triệu đồng/tấn. Giá thép Thái Nguyên bán lẻ vẫn giữ nguyên ở mức 14,432 triệu đồng/tấn.
Giá thép Việt Đức giữ thấp nhất trong các nhãn hiệu liên doanh và được bán lẻ ở mức 14,2- 14,3 triệu đồng/tấn.
Giá thép xây dựng đang quay trở lại mức giá thật (ảnh: Phạm Huyền)
Chị Phạm Thị Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Cầu, đường Láng, Hà Nội chuyên phân phối thép xây dựng liên doanh cho biết, suốt từ đầu tháng đến nay, công ty liên tục nhận được thông báo điều chỉnh giá. Trung bình mỗi lần, bảng giá thép xây dựng mới lại nhích lên khoảng 200.000 đồng/tấn. Tính đến hôm nay, giá thép do công ty chị nhập về từ đại lý cấp 1 đã ở mức 14,1 triệu đồng/tấn
Trong khi đó, giá thép giao ngay tại nhà máy, chưa gồm VAT hiện dao động trong khoảng 12,3- 12,750 triệu đồng/tấn. Các công ty thép lần lượt điều chỉnh dải giá với khoảng tăng khá khác nhau.
Ví dụ, hôm 13/7, một số đơn vị tăng thêm 200.000 đồng/tấn, hôm 14/7, thép Việt tăng thêm 350.000 đồng/tấn và mới hôm qua, 19/7, công ty thép Việt Đức điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng/tấn.
Riêng thép Thái Nguyên vẫn giữ giá là 12,8 triệu đồng/tấn trong 2 tháng qua. Có thể thấy, giá bán lẻ trên thị trường hiện nay chênh hơn so với giá bán tại nhà máy (cộng VAT) khoảng 1,6 - 1,8 triệu đồng/tấn.
Thị trường thép đang dần hồi phục và ổn định trở lại sau những cơn nóng lạnh bất thường của 3 tháng trước.
Nhiều doanh nghiệp thép đã từng lỗ nặng
Sau đợt dồn dập tăng giá tới đỉnh điểm 14,5 triệu đồng/tấn (giá giao ngay tại nhà máy chưa VAT), rồi lại rớt thảm hại xuống “đáy” với mức 11,3 triệu đồng/tấn, các nhà sản xuất thép trong nước đều có chung nhận định, mức giá thép hiện nay là hợp lý và là mức giá thật.
Mùa thấp điểm, thép Việt Đức chỉ huy động 60% công suất thiết kế (ảnh: Phạm Huyền)
Trao đổi với PV. VietNamNet chiều nay, 20/7, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giá thép “bật” trở lại như vậy là một tín hiệu tích cực của thị trường. Một phần nguyên nhân là do giá phôi trên thế giới đã nhích trở lại, từ mức dưới hoặc ngang 500 USD/tấn hồi tháng 5, thì nay, đã giao dịch ở mức 530-560 USD/tấn.
Tiêu thụ thép của các nhà sản xuất đã được cải thiện. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tháng 6 vừa qua, tiêu thụ thép đạt 365.000 tấn, tăng 25% so với tháng 5. Thép Vnsteel: 35.872 tấn, Vinakyo: 27.000 tấn, VPF: 19.000, Việt- Úc: 21.000 tấn, NAsteel Vina: 9.400 tấn, Việt Hàn: 19.000 tấn, Việt Đức (mới sản xuất thép xây dựng từ 1/6): 5.200 tấn. |
Phân tích thêm về các động thái tăng giá, ông Nguyễn Tiến Nghi khẳng định: “Mức giá hiện nay mới là hòa vốn, hoặc có lãi chút ít cho nhà sản xuất. Ở tháng trước, hầu hết những công ty nào phải hạ giá dưới 12 triệu đồng/tấn, đều là hạ dưới giá thành và chấp nhận chịu lỗ. Khi đó, thị trường tiêu thụ ì ạch, trong khi sức ép lãi suất ngân hàng không phải là nhỏ".
Do đó, tăng giá thép như hiện nay lại là hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho các công ty và cũng là mức giá chấp nhận được cho người tiêu dùng, ông Nghi nói.
Trong đợt giảm giá trước, chỉ rất ít công ty không bị tác động nặng từ việc giá phôi hạ và hàng tồn đọng, ví dụ như thép Việt Đức do mới đi vào sản xuất nên chưa phải chịu tác động từ việc tồn hàng, hay như công ty Thái Nguyên, kiên trì giữ giá, chấp nhận bán hàng chậm, chỉ còn đạt 17.000 tấn trong tháng 6, nhưng nhờ đó mà tránh được việc thua lỗ do đua nhau hạ giá.
Dự báo tháng 7, giá thép có thể tăng nhẹ thêm một đợt nữa. Sang tháng 8 Dương lịch, tức tháng 7 Âm lịch, là tháng xá tội vong nhân, giới xây dựng kiêng động thổ các công trình nên sức tiêu thụ thép sẽ lại đi xuống và sẽ hồi phục trở lại khi sang quí IV.
-
Phạm Huyền