221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1295481
“Lùa” dân ra khỏi chung cư nguy hiểm rồi phó mặc
1
Article
null
“Lùa” dân ra khỏi chung cư nguy hiểm rồi phó mặc
,

- Sau 3 ngày cấp tập dọn ra khỏi căn hộ của mình ở C1Thành Công, đến nay đã gần 2 năm, 110 hộ dân cũng gần như mất luôn tiếng nói.

TIN LIÊN QUAN

Hàng chục lá đơn kiến nghị khẩn cấp đã được đại diện các hộ dân gửi đến các bên liên quan trong thời gian hơn một năm qua. Những bất bình chưa nhận được một lời phản hồi, giải đáp thoả đáng thì càng lúc, chủ đầu tư thực hiện cải tạo, xây mới chung cư C1 Thành Công là Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1) càng ra sức “làm ngày làm đêm” để xong phần móng.

Những ngày gần đây, hàng chục hộ dân bất bình tập trung trước cổng công trường xây dựng còn đang ngổn ngang trên đất của toà nhà C1 Thành Công cũ để phản đối việc thi công của chủ đầu tư. Lý do sâu xa xuất phát từ việc chính quyền và chủ đầu tư thiếu tôn trọng, phớt lờ ý kiến, nguyện vọng của các hộ về phương án triển khai xây dựng, đền bù, hỗ trợ tái định cư; coi thường, quy trình thủ tục giải quyết khiếu nại...

Mô tả ảnh.
Người dân bao vây trước cổng công trường xây dựng trên đất nhà C1 Thành Công cũ sáng 19/7 - Ảnh: Linh Chi

Phớt lờ, phó mặc

Toà nhà C1 Thành Công có tuổi đời gần 30 năm thuộc quận Ba Đình bị liệt vào diện “chung cư nguy hiểm” của thành phố Hà Nội vì bị lún, nứt nghiêm trọng. Sau đợt lụt lịch sử hồi tháng 11/2008, bị ngập úng nhiều ngày, tình cảnh khu nhà đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Được lệnh của thành phố, trong vòng 3 ngày (từ ngày 8-10/11/2008), toàn bộ 110 hộ dân đã di dời khẩn cấp khỏi toà nhà, đến tạm cư ở nhà N06 Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Song cũng từ đó đến đầu tháng 7/2010, mặc cho toà nhà C1 được phá dỡ và chủ đầu tư tiến hành động thổ, khai móng xây dựng toà nhà mới (cuối tháng 4/2009), các hộ dân vẫn không hề được cập nhật thông tin chính thức, được làm việc trực tiếp với chính quyền cũng như chủ đầu tư theo nghĩa các bên cùng trao đổi, bàn bạc, thống nhất để bàn về phương án xây dựng mới toà nhà và cơ chế tái định cư, tạm cư và hỗ trợ di dời.

Trước đó, ngày 29/4/2009, các hộ nhận được thông báo kèm tờ trình của Cienco1 gửi đến xin duyệt cơ chế tái định cư, tạm cư và hỗ trợ di dời để thực hiện dự án phá dỡ và xây dựng mới nhà nguy hiểm C1..., bản vẽ thiết kế căn hộ bố trí tái định cư... Nhưng sau thông báo này, phớt lờ ý kiến, thái độ, phản hồi của người dân, chủ đầu tư không có một trả lời, kết luận nào.

Tình hình trở nên cấp bách khi ngày 14/7/2010 vừa qua, một số hộ dân mới nhận được Quyết định 4170 được ký trước đó gần 1 năm (từ ngày 17/8/2009) của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt cơ chế chính sách tạm cư, bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng để xây dựng mới nhà nguy hiểm C1 Thành Công từ chủ đầu tư. Trong khi các kiến nghị, nguyện vọng phản ánh trong các đơn từ khiếu nại trước đó không được xem xét thì lúc này, Cienco1 lại tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công móng của công trình, khiến bà con vô cùng bức xúc.

Bà Đặng Bích Phượng, phòng 218 của nhà C1 Thành Công cũ nói: “Quyết định 4170 ký từ tháng 8/2009 mà chủ đầu tư không hề công khai. Mọi văn bản, chủ trương liên quan đến nhà C1 khác, chủ đầu tư và các cấp chính quyền cũng không công bố, chúng tôi muốn biết đều phải đi xin các nơi khác. Thông tin bị bưng bít để áp đặt chứ không phải là thoả thuận”.

Ông Nguyễn Văn Chinh ở phòng 322 cũ cũng nói thêm: “quy định của thành phố là có giấy phép xây dựng mới được đào móng xung quanh. Trước khi có giấy phép thì chủ đầu tư phải thoả thuận, thống nhất với dân, còn đây chúng tôi chưa có một chữ thống nhất phương án nào cả, mà chủ đầu tư làm liều, lấy cớ là để đảm bảo an toàn nên hô hào bà con đi cho nhanh. Nếu biết trước là để xây mới khu nhà thì không ai đi ngay cả”.

Là chủ căn hộ số 120 trước kia, thu nhập của gia đình vốn trông vào cửa hàng kinh doanh thực phẩm, từ khi chuyển đi một cách gấp gáp, hàng họ ế thừa, tồn đọng, bà Trương Thị Thử ngậm ngùi cho hay, lúc đầu cũng lãnh đạo quận Ba Đình hứa hẹn sau 1 tháng di dời, sẽ có đơn vị đến làm việc về phương án đều bù, hỗ trợ tái định cư. Vậy mà gần 2 năm nay, bà chưa nhận được đồng hỗ trợ nào, cũng không biết được hỗ trợ bao nhiêu.

Áp đặt

Mô tả ảnh.
"Chung cư nguy hiểm" C1 Thành Công trong ngày người dân di dời đầu tháng 11/2008 - Ảnh VNN

Không chỉ công tác hỗ trợ đền bù, tái định cư không được giải quyết thoả đáng mà phương án xây dựng, thiết kế mà Cienco1 đưa ra cũng vấp phải sự phản đối ồ ạt của các hộ dân.

Đơn cử, diện tích sử dụng sau khi tái định cư tại nhà mới trong thông báo, tờ trình và bản thiết kế của Cienco1, sẽ là 1,3-1,4 lần diện tích sử dụng cũ tại nhà C1. Theo các hộ, đây là mức thấp theo quy định cũng như thực tế, nhất là so với quy mô toà nhà mới được phê duyệt xây dựng lên tới 17 tầng, hệ số sử dụng đất gấp 9,47 lần.

Hơn nữa, các căn hộ tái định cư được thiết kế xây dựng chỉ rộng từ 35-58m2, gồm có 2 phòng (1 phòng ngủ, 1 phòng khách). Việc bố trí trong căn hộ cũng không phù hợp phong thuỷ như nhà vệ sinh ngay sát cửa ra vào, nhiều căn hộ bố trí giống hình “khẩu súng lục” hay hình “dao bầu”...

Các hộ cho rằng, với một công trình dân sinh được xây dựng trong giai đoạn này ở một quận trung tâm thành phố thì diện tích, thiết kế như vậy là không hợp lý và khoa học, khi mà 100% các hộ gia đình đều có từ 2 thế hệ trở lên.

Chưa có giấy phép xây dựng

Giải thích với báo chí mới đây về sự chậm trễ công khai phương án đền bù tới các hộ dân, Phó Chủ tịch quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình cho rằng, mặc dù thành phố đã phê duyệt phương án đền bù tái định cư cho các hộ dân (tháng 2/2010) nhưng lúc đó dự án chưa được cấp phép xây dựng nên chủ đầu tư chưa thể lên phương án kinh doanh.

Vì vậy, “UBND quận chưa thể công khai phương án bởi nếu công khai sẽ gây bất lợi cho chủ đầu tư và người dân. Trong trường hợp người dân chất vấn thì quận cũng không thể giải thích bởi chính sách phải dựa trên cơ sở đầu tiên là dự án chủ đầu tư đề xuất” – ông Bình nói.

Về vấn đề chủ đầu tư chưa có giấy phép xây dựng, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó GĐ Sở Xây dựng dẫn giải, dự án nhà C1 là công trình đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội được xếp vào diện nhà nguy hiểm. Đặc biệt, thành phố Hà Nội khi quyết định giao dự án cho chủ đầu tư là Cienco 1 đã yêu cầu đơn vị này phải hoàn thành dự án trong vòng 2 năm để cho người dân được nhanh chóng tái định cư.

Nhưng trong quá trình triển khai các bước để xin giấy phép thì Chính phủ lại ra quyết định dừng thi công các dự án cao tầng tại 4 quận nội đô nên việc xin giấy phép cho dự án buộc phải dừng lại. Bên cạnh đó, công trình đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm nay vì vậy xét tính chất dự án và nguyện vọng của chủ đầu tư (xin thi công phần cọc nhồi trước để đảm bảo tiến độ) và căn cứ vào thiết kế cơ sở đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt, Sở Xây dựng đã ra Văn bản số 1577/SXD chấp thuận cho chủ đầu tư được thi công phần đài giằng móng công trình C1 (thực chất chính là phần ép cọc hoặc khoan cọc nhồi). Còn phần tầng hầm và thân công trình chỉ được thi công khi có giấy phép xây dựng.

Nhưng được biết, việc cấp phép xây dựng từng phần này Sở Xây dựng chưa có báo cáo với thành phố bằng văn bản. Còn với Cienco1, từ khi được bật đèn xanh nhờ “văn bản thoả thuận” này, chủ đầu tư đã đề luôn dòng chữ: “Giấy phép xây dựng số 1577/SXD” ngay trên tấm biển giới thiệu dự án trước cổng công trường. Trong khi việc thi công xây dựng đang được tiến hành gấp rút bất kể đêm ngày thì những hộ dân có chủ quyền tại đây hẳn nhiên cần được đối xử một cách tôn trọng, theo đúng trình tự pháp luật.

  • Nguyễn Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,