221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1296367
Thép nội tăng giá: gậy ông đập lưng ông
0
Article
null
Thép nội tăng giá: gậy ông đập lưng ông
,

Sau bốn lần giảm giá trong tháng 5 và 6/2010 khiến các doanh nghiệp thép trong nước đứng, ngồi không yên từ tháng 7 trở lại đây giá thép đã liên tục tăng trở lại với mức tăng từ 200.000- 700.000 đồng/tấn.

>>> Siêu dự án thép 16 tỷ USD bắt đầu ’vòi’ ưu đãi/ Giá thép xây dựng ’leo’ thêm 1 triệu đồng/tấn

Thép miền Nam (Tổng công ty Thép Việt Nam-VNSteel) tăng khoảng 700 nghìn đồng/tấn, thép Việt Hàn tăng 200 nghìn đồng/tấn, Thép Việt Đức có mức tăng thấp nhất 100 nghìn đồng/tấn. Hiện giá thép giao tại nhà máy (chưa tính thuế VAT và chiết khấu) đang dao động ở mức từ 12,2-13,26 triệu đồng/tấn, còn giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường xoay quanh 14,2-14,4 triệu đồng/tấn.

bai-thep-13-7-2010.jpg
Thép nội tăng giá liên tục từ đầu tháng 7/2010


Giải thích nguyên nhân tăng giá, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, do tác động từ thị trường phôi và thép phế trên thế giới tăng từ 500 USD/tấn ở thời điểm tháng 6 lên mức 560 USD/tấn trong tháng 7. Mặt hàng thép phế cũng tăng từ 350 USD lên 380 USD/tấn, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã tăng giá bán sản phẩm từ 100-500 nghìn đồng/tấn cho mỗi lần.

Qua tìm hiểu tại một số đại lý trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá bán lẻ thép xây dựng của các công ty liên doanh như Việt-Úc, Việt-Hàn ở mức 14,5 triệu đồng/tấn; thép Thái Nguyên, Thép Việt dao động ở mức 14,2 triệu đ-14,4 triệu đồng/tấn. Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, thông thường, khi thép xây dựng tăng giá, người tiêu dùng thường đổ xô đi mua vì lo ngại giá còn tăng cao hơn nữa, nhưng ở đợt tăng giá này sức tiêu thụ trên thị trường lại giảm mạnh, từ 40% đến 50% so với tháng trước.

Nếu như trước đây trung bình một cửa hàng đại lý tiêu thụ khoảng 15 tấn thép một ngày thì nay con số ấy giảm xuống chỉ còn từ 7-8 tấn một ngày. Chị Nghiêm Thị Cúc, chủ một đại lý sắt thép ở phố Đê La Thành cho biết, sau đợt tăng giá thép hồi tháng 3, các chủ công trình xây dựng dự đoán việc tăng giá thép có thể tiếp tục diễn ra, nên đã mua gom hàng dự trữ. Bên cạnh đó, thị trường xây dựng chuẩn bị kết thúc mùa cao điểm do bước vào mùa mưa nên sức mua giảm nhiều so với các tháng trước đây.

Thực tế này khác với dự báo của VSA là trong tháng 7 sức tiêu thụ thép trên thị trường tương đối khả quan. VSA cho rằng, nếu như lượng tiêu thụ thép trong tháng 4, 5 chỉ đạt lần lượt là 299 nghìn tấn và 283 nghìn tấn thì tháng 6 lên tới 355 nghìn tấn và bước sang tháng 7 sức tiêu thụ sẽ cao hơn, từ 360 - 390 nghìn tấn.

Phó chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho biết, với mức giá tăng như hiện nay các doanh nghiệp sản xuất mới hòa vốn, hoặc có lãi chút ít bởi 2 tháng trước, tình hình tiêu thụ thép ảm đạm, để kích cầu thị trường các doanh nghiệp đã chấp nhận lỗ, giảm giá bán dưới giá thành sản xuất, ở mức 11,3 triệu đồng/tấn để quay vòng đồng vốn. Với mức tăng giá thép như hiện nay là hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận được và là mức giá thật của thị trường.

Việc các doanh nghiệp sản xuất thép tăng giá đã trở thành thông lệ. Đó là, cứ khi nào giá phôi thép và thép phế trên thị trường thế giới có biến động là các doanh nghiệp thép không ngần ngại đưa ra những lý do để thanh minh cho việc tăng giá của mình.

Nếu như những năm trước đây, ngành thép Việt Nam phải phụ thuộc tới 60% đến 70% phôi thép nhập khẩu thì việc tăng giá thành phẩm còn có thể chấp nhận được. Thế nhưng, từ năm 2008 nguồn phôi sản xuất trong nước đã chủ động được 50% và năm 2009 tỷ lệ này nâng lên gần 60% đã bớt phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Nhưng giá phôi thép chào bán trên thế giới mới rục rịch tăng, ngay lập tức các doanh nghiệp thép đã đẩy giá bán sản phẩm lên cao, chính điều này đã tạo cơ hội cho thép nhập khẩu tràn vào gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là hình thức kinh doanh theo kiểu “gậy ông đập lưng ông” mà bài học cho ngành này đã có từ vài năm nay.

Ông Nghi cho biết thêm, tiêu thụ thép sản xuất trong nước đã khó, các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh với thép cuộn nhập khẩu từ thị trường ASEAN, giá rẻ hơn so với thép sản xuất trong nước từ 500-700 nghìn đồng/tấn. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 222 nghìn tấn thép cuộn nhập khẩu vào Viêt Nam, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2009. Riêng tháng 6, dù giá thép trong nước giảm nhưng thép nhập khẩu vẫn tràn về với số lượng trên 41 nghìn tấn (chiếm 41% trong tổng lượng nhập khẩu hàng tháng).

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước lại tăng giá bán sẽ càng tạo điều kiện cho thép nhập khẩu giá rẻ vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Trước tình hình đó, VSA khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất trong nước không để thị trường thiếu thép và không nên tăng giá cao quá mức sẽ tạo điều kiện cho thép nước ngoài tràn vào, khi đó doanh nghiệp trong nước dễ mất thị phần ngay tại sân nhà.

Bài học này đã từng xảy ra năm 2009, khi giá thép trong nước tăng cao, một số doanh nghiệp thương mại đã không quan tâm đến lợi ích chung, chỉ quan tâm lợi nhuận của mình, nhập khẩu thép ngoại ồ ạt về bán với giá rẻ hơn, đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vào tình thế khó khăn.

  • (Theo VNeconomy)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,