- Vinashin cần cho biết cụ thể, toàn diện bức tranh tài chính, công nợ... của từng đơn vị sẽ chuyển giao thì Vinalines mới có thể có giải pháp trị “trúng bệnh” được, ông Trần Hữu Chiều, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng Hải chia sẻ với VietNamNet xung quanh câu chuyện tiếp nhận các dự án, đơn vị từ Vinashin.
TIN LIÊN QUAN
Sẽ mời kiểm toán độc lập để “bắt bệnh” của Vinashin
PV: Thưa ông, xin ông cho biết, các buổi làm việc giữa Vinalines và Vinashin về vấn đề chuyển
giao các doanh nghiệp và dự án từ Vinashin sang Vinalines bước đầu đã có kết quả như thế nào?
Ông Trần Hữu Chiều, Phó TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (ảnh: Phạm Huyền)
- Vinalines và Vinashin đã có 2 buổi họp với nhau và mới thống nhất sơ bộ về thủ tục tiếp nhận các dự án và doanh nghiệp của Vinashin. Trong số 7 doanh nghiệp và dự án mà chúng tôi phải tiếp nhận của Vinashin, còn kèm theo tới 15 công ty con trực thuộc và 4 dự án con.
Để thực hiện QĐ của Thủ tướng là bàn giao nguyên trạng, chúng tôi đã yêu cầu Vinashin cần có báo cáo cụ thể hiện trạng từng dự án, từng doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho chúng tôi, đặt biệt là tình hình tài chính, công nợ, tiền vốn tài sản… Đồng thời, chúng tôi cũng như đề nghị bên Vinashin chỉ đạo các doanh nghiệp phải chuyển giao làm rõ tình hình đó.
Sau đó, chúng tôi sẽ mời đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm tra thực trạng các doanh nghiệp, dự án của Vinashin và Căn cứ vào đó, hai bên sẽ làm biên bản bàn giao. Trên cơ sở đó, ban điều hành Vinalines sẽ báo cáo HĐQT định hướng xử lý từng doanh nghiệp, từng đơn vị, từng con tàu một.
PV: Việc tiếp nhận các đơn vị kinh doanh thua lỗ và nợ hàng tỷ đồng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sản xuất kinh doanh chung của Vinalines?
- Khác với sự thuận lợi của bên dầu khí, cuối năm 2008 và đầu 2009, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động vận tải biển nên bản thân hoạt động của chúng tôi cũng khó khăn. Nhất là các đội tàu đầu tư cuối năm 2008, là thời điểm giá cước vận tải biển cao nhưng sang năm 2009, giá cước vận tải biển lại xuống thấp. Khi đó, ban điều hành Vinalines đã phải xin các bộ xem xét xử lý tài chính như cơ cấu lại vốn vay, giãn thời gian khấu hao.
Tàu Hoa Sen điển hình cho bài học đầu tư không hiệu quả
Hoạt động vận tải biển có đặc thù là khi thị trường lên thì nguồn doanh thu lên rất nhanh, lúc đó các chủ tàu thường xin khấu hao nhanh để có nguồn vốn trả nợ nhanh, trả lãi suất ngân hàng nhưng khi ngược lại, chúng tôi đều phải xin giãn khấu hao để cân bằng tài chính, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Vì thế, nói rằng, việc tiếp nhận các doanh nghiệp, dự án của Vinashin không có ảnh hưởng tới các đơn vị khác của Vinalines thì không đúng, nhưng ảnh hưởng mức độ nào, ra sao thì đến nay chúng tôi chưa thể ước chính xác được.
Bởi sau 2 cuộc họp, chúng tôi vẫn chưa nắm được số liệu, bức tranh tài chính ra sao của từng dự án, doanh nghiệp phải tiếp nhận. Chúng tôi đang chờ các báo cáo từ Vinashin.
Nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ tính toán làm sao việc tiếp nhận này không ảnh hưởng tới các đơn vị khác trong Vinalines.
Chúng tôi đều là những doanh nghiệp Nhà nước nên khi Vinashin có khó khăn thì các DNNN phải chia sẻ, để Vinashin tập trung ngành nghề chính là đóng và sửa chữa tàu.
Làm sống lại những con tàu cũ nát: không dễ
PV: Câu chuyện chuyển nhượng DN (M&A) này là do mệnh lệnh hành chính từ Chính phủ. Vậy, các ông có cảm thấy lo lắng, băn khoăn gì về điều này?
- Không lo lắng khi tiếp nhận thì không đúng. Thực sự, chúng tôi đang đề nghị bên Vinashin làm sao, đối với một doanh nghiệp bàn giao, phải cụ thể bức tranh tài chính, không giấu điều gì, trên cơ sở đó mới xử lý được.
Nhà hàng trên tàu Hoa Sen
Trong cơ chế thị trường, chúng tôi đã từng xử lý trường hợp tương tự này rồi. Năm 1998- 2000, chúng tôi đã giải quyết một xí nghiệp vận tải biển có đội tàu già cỗi, giá cao, bên bờ vực phá sản.
Khi tiếp nhận, biện pháp thứ nhất là kiểm tra đội ngũ quản lý ở dưới đó như thế nào, đội ngũ lao động ra sao, tình trạng kỹ thuật con tàu ra sao… Người đứng đầu không đảm bảo, chúng tôi tìm người từ Tổng công ty cử xuống thay thế và mọi chế độ cho nhân sự đó sẽ vẫn được ăn theo chế độ của tổng công ty, như vậy, cán bộ đó sẽ tập trung làm nhiệm vụ. Sau 2 năm, chúng tôi đã chuyển đổi thành công xí nghiệp đó ra khỏi tình trạng phá sản.
Ở lần này, khi tiếp nhận các đơn vị của Vinashin, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp đó. Riêng với các dự án, chúng tôi sẽ phải cơ cấu lại mục tiêu đầu tư cho hợp lý, phù hợp nguồn vốn của mình.
Nhưng đặc thù thị trường vận tải biến lên xuống rất nhanh, lúc lên một cái, đang lỗ vài trăm tỷ, mà đầu tư đúng lúc thì gỡ lại để hòa vốn cũng rất nhanh.
Nhưng nói gì thì nói, chúng tôi phải chờ xem bức tranh tài chính các đơn vị đó ra sao mới trị bệnh đó.
PV: Ông có lo lắng như thế nào khi tiếp nhận trường hợp công ty vận tải Viễn Dương, một đơn vị thua lỗ nặng nề mà điển hình là có con tàu Hoa Sen đầu tư 1300 tỷ và nay vẫn neo đó?
- Công ty này quản lý lượng tàu rất lớn của Vinashin nhưng theo một só nguồn tin, một số tàu của công ty này đang bị bắt giữ ở nước ngoài. Chúng tôi cần xem rõ là số tàu đó bị bắt vì lý do gì, số tiền phải trả bao nhêu để kéo lại các con tàu đó, tình trạng kỹ thuật con tàu ra sao?
Ở công ty này, nặng nhất là con tàu Hoa Sen chở khách, đầu tư rất lớn rồi nhưng không hiệu quả. Khi nhận con tàu đó, chúng tôi sẽ xem xét kỹ trình trạng kỹ thuật con tàu đó ra sao và sẽ phải chuyển đổi lại mục tiêu đầu tư. Đây là bài toán nguồn vốn thực hiện làm sống lại con tàu đó như thế nào?
PV: Nhìn từ câu chuyện đầu tư con tàu Hoa Sen, ông có đánh giá thế nào về kinh nghiệm đầu tư kinh doanh lĩnh vực vận tải biển hành khách?
- Trước đây, chúng tôi đã mở dịch vụ chạy con tàu Thống Nhất, tàu Hạnh phúc vận tải hành khách Bắc Nam. Nhưng ở thời bao cấp đó, còn có sự chênh lệch hàng hóa hai miền nên còn hoạt động được. Ở thời điểm này, khi làm tàu Hoa Sen, nhiều người cũng nói tại sao đó là lĩnh vực chính của Vinalines mà Vinalines lại không làm?
Chúng tôi đã có kinh nghiệm rồi và thấy rằng, làm vận tải hành khách biển không “ăn thua”, không có lợi nhuận. Vì ở Việt Nam, nhiều người không chịu nổi sóng gió đi biển, giá cả khó cạnh tranh, vì cao hơn giá cước của phương tiện vận tải khác. Trong thâm tâm lúc đó, tôi cũng đã nghĩ là con tàu Hoa Sen sẽ không hiệu quả.
Giờ, phải tiếp nhận tàu Hoa Sen, thì cơ bản nhất là phải tính cho con tàu này hoạt động theo tuyến nào? Thực tế, khôi phục lại và chạy khách thì chắc là không hiệu quả. Mà chuyển đổi từ tàu khách mà sang tàu chở hàng thì hoán cải rất tốn kém, lại không hiệu quả, vì thiết kế kỹ thuật hai tàu khác.
Dự kiến, ý tưởng trước mắt sẽ phải khai thác theo hướng như làm khách sạn nổi, làm dịch vụ du lịch.
PV: Vinalines có rút kinh nghiệm gì trong điều hành của mình từ câu chuyện của Vinashin?
- Đây là bài học xương máu về đầu tư và đặc biệt là quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính trong các Tập đoàn, Tổng công ty.
Với một DN thì hàng năm, phải xem xét, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư. Chính ở Vinalines, năm 2007, chúng tôi cũng mở ra nhiều dự án đầu tư để phát triển, kể cả là bất động sản, tài chính ngân hàng… Sau này, khi thấy không hiệu quả, mà vốn lại lớn nên chúng tôi đã trình HĐQT công ty cho giãn những dự án đó ra.
Về đầu tư, khi đầu tư thì phải tính toán sát sao yếu tố rủi ro để hạn chế tối đa. Nếu dự án đầu tư mà theo kiểu cố tình thì thường người ta sẽ vẽ ra cho đẹp, để trình vay ngân hàng… Còn nếu đầu tư thực chất thì người ta thường phải tính toán rất kỹ từng đồng vốn bỏ ra một. Khi một dự án vốn lớn, mà hiệu quả thấp, phải xem xét kỹ khi trình HĐQT. Đó là bài học về cấn đối đầu tư. Và cũng là về công tác quản trị doanh nghiệp.
-
Phạm Huyền (thực hiện)
Dự kiến, các đội tàu vận tải sẽ bàn giao trước 15/7 và từ 15/7 đến 20/7 sẽ bàn giao khu CN, cảng biển.
7 doanh nghiệp và dự án sẽ chuyển từ Vinashin sang Vinalines:
Công ty TNHH 1 thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin và phần vốn góp của Tập đoàn tại các công ty con thuộc công ty này; Công ty vận tải Biển Đông; Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; Cảng Vinashin Đình Vũ; Khu công nghệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang; Cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn Cà Mau; Các công ty TNHH vận tải và các công ty CP vận tải có vốn góp của Tập đoàn và Công ty CP vận tải có vốn góp của cty con thuộc Tập đoàn