- Sau một thời gian dài đóng vai trò là dòng sản phẩm chủ lực của thị trường bất động sản (BĐS), hiện tại, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP.HCM bị đóng băng về giao dịch.
>>> Dân công sở nhấp nhổm đi buôn đất/ Môi giới nhà đất “nghỉ khỏe” vì ế khách
Căn hộ cao cấp bị ảnh hưởng nặng nhất bởi sự suy giảm sức mua của thị trường |
Nghịch lý là, dù nguồn cung được rao bán nhiều, nhưng khách hàng quan tâm đến phân khúc này lại rất ít. Ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng Giao dịch BĐS Vinaland Phú Mỹ Hưng cho biết, thời gian qua, văn phòng giao dịch của ông đã nhận được khá nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp của khách hàng ký gửi. Tuy nhiên, 3 tháng qua, chưa có sản phẩm căn hộ cao cấp nào giao dịch thành công.
“Không ít nhà đầu tư đã mua sản phẩm trước đây với giá gốc của chủ đầu tư, giờ chấp nhận bán lại với mức giá lỗ một vài trăm triệu đồng, nhưng vẫn không bán được. Cái khó của việc bán căn hộ cao cấp lúc này là không có khách hàng, mà đã không có khách hàng thì đâu có cơ hội để ngã giá, nên dù bán lỗ vẫn không bán được”, ông Hải nói.
Theo ông Nguyễn Minh Sương, Giám đốc Công ty BĐS Đại Nam (quận 2, TP.HCM), đa phần khách hàng mua sản phẩm của các dự án cao cấp trước đây là nhà đầu tư “lướt sóng”. Do vậy, khi thị trường căn hộ cao cấp đóng băng, không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đã “mắc cạn”. Thông thường, khi dự án được tung ra thị trường (với mức giá từ 4 đến 5 tỷ đồng/căn), khách hàng chỉ cần đóng đợt đầu khoảng 30%, sau đó đóng tiền theo tiến độ. Những người trường vốn có thể cố “nuôi” căn hộ, nhưng các nhà đầu tư không có khả năng tài chính thì “méo mặt” vì không bán được hàng.
Không chỉ các nhà đầu tư, mà ngay cả các chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp cũng “đau đầu” vì thị trường đóng băng. Để bán được sản phẩm, nhiều chủ đầu tư đã phải liên tục giảm giá, nhưng vẫn không tìm được khách hàng.
Đơn cử, một dự án có quy mô đầu tư lên đến 5.000 tỷ đồng ở Khu Nam Sài Gòn, trong kế hoạch ban đầu, mức giá chào bán sẽ từ 2.600 USD đến 2.800 USD/m2, nhưng hiện tại, dự án này được chào bán với giá từ 1.700 USD đến 2.000 USD/m2, mà vẫn không bán được hàng. Tiến độ đầu tư dự án không thể dừng lại, tiền vay ngân hàng khó khăn, trong khi sản phẩm không bán được, khiến chủ đầu tư này gặp nhiều khó khăn.
Lý giải về nguyên nhân thị thường căn hộ cao cấp gặp khó, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho rằng, lượng tiền đổ vào BĐS không nhiều, do nền kinh tế còn chưa thực sự ra khỏi khó khăn, trong khi tín dụng BĐS được thắt chặt, nhiều người mua BĐS lúc này có tâm lý để dành, nên chuộng đất hơn. Ngoài ra, nguồn cung lớn, khiến thị trường “bội thực”.
Còn theo ông Đinh Quốc Lực, Giám kinh doanh Công ty BĐS Hoàng Linh, nguyên nhân trước hết là do xu hướng chung của toàn thị trường. Bên cạnh đó, mặc dù đã giảm, song giá căn hộ cao cấp hiện nay vẫn khá cao, vượt khả năng của phần lớn những người có nhu cầu mua để ở.
“Với mức giá từ 1.300 USD đến 2.000 USD/m2, tính ra mỗi căn hộ có giá 3 - 4 tỷ đồng, nên rất ít người có khả năng mua. Trong khi đó, những người có khả năng về tài chính lại có xu hướng đầu tư vào kênh khác”, ông Lực nhận định.
-
Theo Đầu tư