221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1310390
Giới trẻ lên bar "đốt" tiền…trong tiếng nhạc ảo
0
Article
null
Giới trẻ lên bar 'đốt' tiền…trong tiếng nhạc ảo
,
Chỉ với vài tiếng uống rượu, lắc lư theo điệu nhạc trên các bar, dân chơi 8X, 9X phải chi một khoản tiền lên tới cả chục triệu đồng. Số tiền mà nhiều người lao động có nằm mơ cũng không nghĩ đến được.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Nhiều bạn trẻ đang coi lên bar là một cái thú.

Có một thực tế đang tồn tại đó chính là việc bên cạnh những sở thích, thú chơi tao nhã, bổ ích của giới trẻ lứa tuổi 8x, 9x như: thể thao, dã ngoại, học ngoại ngữ v.v… thời gian qua, thú lên bar, vũ trường để "đốt" tiền đã dần "hút hồn" một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Sự "xâm lấn" này đã và đang gióng lên hồi chuông báo động…


Lên bar và… sốc

Không thể phủ nhận việc gia tăng các điểm vui chơi, bar, quán karaoke… trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua đã giúp nhiều người có nhu cầu giải trí lui tới để xả stress. Song, bên cạnh những ưu điểm này, việc các quán bar, vũ trường đã và đang lôi cuốn một bộ phận không nhỏ giới trẻ lứa tuổi 8x, 9x như hiện nay đặt ra nhiều vấn đề phải bàn.

Để có thêm cứ liệu cho bài viết này, tôi đã chủ động liên hệ với Trung "tiền cổ" - một dân nghiền lên bar nhà ở phố Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội) hiện đang là sinh viên một trường đại học đóng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Thấy tôi muốn lên bar để "xả", Trung "tiền cổ" liền hồ hởi: "Tối em qua đón anh, không vui không lấy tiền!".

20h tối thứ 7, tiết trời Hà Nội trở lạnh báo hiệu thời điểm chính thu đã đến, trên chiếc xe spacy 125cc màu trắng cáu cạnh, Trung vận bộ quần áo hiệu Moschino - một hãng thời trang nổi tiếng có giá cả chục triệu đồng đến đón tôi tại một quán café tọa lạc trên trục đường ven Hồ Tây. "Qua chỗ này "nạp" một tí rồi xả sau anh ạ?" - Trung nói rồi phóng xe đưa tôi thẳng đến một quán ăn chuyên phục vụ dân nhậu thích món "lẩu cháo chim" nằm trên phố Hàng Than.

Có mặt tại quán, đập vào mắt tôi là hình ảnh 3 đôi "cậu ấm cô chiêu", có độ tuổi chỉ trên dưới 20. Trên bàn la liệt vỏ chai rượu vodka Hà Nội nhỏ (loại có dung lượng 300ml). "Anh H. bạn anh! Anh ý đang buồn nên muốn đi "xả" cùng anh em mình tối nay" - Trung giới thiệu. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ nhậu ở nơi đây. Tôi cùng nhóm của Trung tìm đến tuyến phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) khi kim đồng hồ điểm 22h30 phút.

Bar M. nằm nép mình bên tuyến phố. Bên ngoài xe máy, ôtô đỗ hàng dài. Theo chân Trung, tôi tiến vào bên trong sảnh của bar. Có lẽ vì Trung là khách "nhẵn mặt" của quán, nên khi chúng tôi đi vào, đội ngũ security - nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ cảnh giới, ngăn ngừa khách mang vũ khí, vật cấm vào trong bar chỉ ngước mắt nhìn qua thay vì khám xét cẩn thận.

Đúng như sự bàn tán của dân chơi về việc bar M. dù mới khai trương, song được xếp vào top đầu hiện đang hút dân chơi của thành phố. Phía sau cánh cửa cách âm đang chát chúa tiếng nhạc, gần 40 bàn rượu của bar vào thời điểm hiện tại đã không còn trống. Phải cố lắm, chúng tôi mới được nhân viên quản lý nơi đây bài trí cho một chiếc bàn giữa sàn. Chưa đầy 10 phút sau, chiếc bàn mà tôi cùng nhóm bạn của Trung đang đứng quây tụ xuất hiện 3 chai rượu ngoại Hennessy VSOP (loại có dung tích 700ml/chai); đĩa hoa quả cùng một số chai nước suối, khăn lạnh…

Cô gái phục vụ mặc chiếc váy đen sau khi nhận được tín hiệu mở rượu từ Trung, tay liền thoăn thoắt rót rượu. Các thành viên trong nhóm của Trung cứ thế vừa nốc rượu vừa quay cuồng theo điệu nhạc House do nhân viên DJ đang đứng trên bục điều chỉnh. Điều khiến tôi kinh ngạc nhất đó chính là việc các nhóm bạn choai choai của Trung nhảy rất bài bản. Thoạt nhìn qua, tôi cứ ngỡ rằng đây là các "vũ công" thực thụ…

Dưới ánh đèn laze hư hư, ảo ảo, quan sát, tôi nhận thấy, các bàn xung quanh đều có sự xuất hiện của các cậu ấm, cô chiêu mặt còn búng ra sữa nốc rượu không ngừng, đồng thời lắc lư điên loạn theo tiếng nhạc inh ỏi được phát ra từ những chiếc loa thùng đặt xung quanh bar. Theo cô gái phục vụ của bàn tôi tiết lộ thì dân chơi trong thời gian qua lui tới bar chủ yếu có lứa tuổi 8x, 9x. Số dân chơi này đã chơi là luôn hết mình…

Hình ảnh lắc lư điên đảo, quay cuồng nhảy trong tiếng nhạc nơi bar M ồn ã chỉ được giảm đi khi nhân viên DJ chuyển hệ nhạc. Từ điệu House, Trance sang dòng "xế lô" du dương. Đây cũng là thời điểm mà khi cầm tờ hóa đơn do Trung vừa thanh toán tiền trên tay, tôi không khỏi giật mình trước việc chỉ vài giờ lên đây xả hơi, nghe tiếng nhạc chát chúa, khoản phí phải chi trả lên tới 5 triệu 700 ngàn đồng. Số tiền này còn chưa tính đến khoản "bo" cho nhân viên phục vụ trước đó của Trung.

Cảnh báo hệ lụy đi kèm

Sự bùng nổ quán bar, vũ trường trên địa bàn thành phố được đánh dấu từ thời điểm ngày 1/1/2010 khi mà cơ quan chức năng cho phép các vũ trường được đăng ký, hoạt động kinh doanh trở lại. Việc gia tăng số lượng các quán bar, vũ trường cũng đồng nghĩa với việc lượng dân chơi lên đây để xả theo đó cũng gia tăng đáng kể.

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng tới nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 40 quán bar kinh doanh rượu và mở nhạc mạnh đang hoạt động. Bar F. (trên phố Hàng Bài); bar N (trên phố Hai Bà Trưng), bar S (quận Tây Hồ), bar D (quận Đống Đa)…- là những bar "hút" nhiều dân chơi nhất. Vào giờ "cao điểm" - các ngày lễ, Tết, cuối tuần các bar này luôn kín bàn rượu. Số dân chơi tập trung ở nơi đây lên đến cả trăm người.

Vấn đề được đặt ra ở đây đó chính là việc các loại hình tệ nạn như "bay lắc", sử dụng ma túy… theo đó có phát sinh? Nhất là trên thực tế hiện nay công tác phòng ngừa tệ nạn xã hội ở một điểm bar hoạt động đang bị bỏ ngỏ. Trở lại lần lên bar với "Trung tiền cổ" ở trên, khi xuất hiện với Trung các thành viên trong nhóm đều thoát khỏi sự kiểm soát của nhân viên bảo vệ một cách nhanh chóng…

Tiếp tục ghi nhận thực tế, chúng tôi cũng chứng kiến hình ảnh tương tự tại nhiều bar khác. Đơn cử như tại bar S. nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, mặc dù được trang bị đội ngũ security - nhân viên bảo vệ rất hùng hậu. Song việc khám người, ngăn ngừa tệ nạn xâm nhập của các nhân viên này lại rất qua loa, đơn thuần chỉ là hành động sờ túi quần, túi áo khách một cách rất đại khái. Đây chính là nguyên nhân gián tiếp khiến nguy cơ dân chơi giắt ma túy trong bao thuốc lá, dưới tất, trong ví da… để vào bar "bay lắc" là điều khó tránh khỏi.

Chúng tôi khi xâm nhập thực tế đã rất bàng hoàng trước việc tiêu tiền như "đốt" của một bộ phận giới trẻ lứa tuổi 8x, 9x khi lên bar hiện nay. Bởi chỉ với vài tiếng lắc lư theo điệu nhạc, dân chơi phải chi một khoản tiền lên tới cả chục triệu đồng. Số tiền mà nhiều người lao động có nằm mơ cũng không nghĩ đến được.  Đấy còn chưa kể đến số dân chơi này lên bar còn "sắm" thêm ma túy tổng hợp để "xứng với cái tuổi" chơi của mình. Vậy số tiền "đốt" theo tiếng nhạc ảo trên lấy từ đâu ra? Khi mà ít có gia đình nào đáp ứng nhu cầu lên bar hàng ngày của các dân chơi được. Xin thưa rằng, "dám chơi dám làm" chính là một trong những suy nghĩ đang tồn tại trong tiềm thức của nhiều dân chơi thích lên bar mà gia đình không chu cấp được tiền hiện nay.

Có lẽ đây cũng chính là nguyên do khiến nhiều dân chơi là giới trẻ mê lên bar khác đã bất chấp pháp luật "kéo" mạng cá độ bóng đá về để tổ chức đánh bạc (loại hình đánh bạc dưới dạng cá độ bóng đá trên mạng internet này, Báo CAND đã từng có bài phản ánh). Khiến cơn bão cá độ bóng đá qua mạng internet đang có chiều hướng gia tăng cường độ như hiện nay. Chưa hết, trên thực tế, thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều vụ việc phạm pháp hình sự (cướp tài sản, lừa đảo…) do lứa tuổi 8x, 9x gây ra mà nguyên nhân cũng vì muốn đáp ứng nhu cầu "bay lắc", lên bar thác loạn của mình.

Vậy có nên sống gấp, coi thú lên bar như sở thích không thể thiếu trong mình? Câu hỏi này xin dành cho chính bản thân dân chơi là giới trẻ đang coi lên bar tiêu tiền như rác là cái thú của mình. Đồng thời những người kinh doanh dịch vụ này đừng vì tư lợi mà biến cơ sở của mình thành ổ "bay lắc" di động.

Liên quan đến thú lên bar trong giới trẻ, trao đổi với PV Báo CAND, Thạc sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý - Trường Đại học KHXH và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Giới trẻ (8x, 9x) là lứa tuổi mà các em đang trong giai đoạn phát triển đột biến về tâm sinh lý. Cái tôi trong mỗi em luôn tồn tại. Thế nên để khẳng định cái tôi của mình, nhiều em đã coi việc lên bar, gọi rượu mạnh đắt tiền để xả hơi là một cái thú. Để hệ lụy khôn lường không xảy ra, gia đình, nhà trường cũng như các tổ chức xã hội sớm có biện pháp trang bị kiến thức, lối tư duy cho các em.

Theo Đại tá Nguyễn Kiên - Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), trong nội địa hiện nay, tình hình mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tuy bớt công khai, trắng trợn hơn song còn diễn biến phức tạp.

Các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp còn nhiều và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn. Tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp tại các nhà hàng, vũ trường, khách sạn, quán bar-karaoke gia tăng và diễn biến phức tạp ở các thành phố lớn có chiều hướng phức tạp với nhiều loại ma túy mới thẩm lậu vào nước ta như: cocain, ketamin, ma túy tổng hợp dạng tinh thể, thuốc lắc v.v…

Cũng theo Đại tá Nguyễn Kiên, thời gian qua, nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp còn rủ nhau dùng ma túy ở bên ngoài rồi sau đó mới vào các địa điểm trên (bar, vũ trường…) để "lắc".

(Theo CAND)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,