Sau khi thỏa thuận, chị Huyền đồng ý mua ô đất số 17, lô C27-NV11 có diện tích 206m2 với giá 34 triệu đồng/m2; trong đó ngoài tiền nộp cho chủ đầu tư là 12 triệu đồng/m2, tiền chênh ngoài hợp đồng là 4,532 tỉ đồng. Ngày 14/4/2010, chị Huyền đặt cọc 200 triệu đồng cho bà Sâm và hẹn khi bà Sâm đưa chị vào ký hợp đồng với chủ đầu tư sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh hoạ.
Tiền đã trao, "cháo" không được múc
Gặp chúng tôi, chị Bùi Thị Thanh Huyền không khỏi bức xúc khi kể lại hành trình bị cho vào bẫy của mình. Khoảng tháng 4/2010, chị Huyền gặp bà Bùi Thị Huyền Sâm, ở số 11 ngách 5/11 Hoàng Tích Trí, phường Kim Liên, Đống Đa (Hà Nội) và được bà Sâm cho xem bản hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh số 15/ 2010 giữa Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Công ty Bảo Sơn) với Công ty TNHH Địa ốc Trọng Anh thực hiện một phần tại dự án khu đô thị mới Lê Trọng Tấn do Công ty Geleximco làm chủ đầu tư và Công ty Bảo Sơn là đầu tư thứ phát. Bà Sâm mới được giao làm đại diện bán.
Bà Sâm cho biết nếu mua đất liền kề thì giá sẽ là 34 triệu đồng/m2, trong đó 12 triệu đồng là giá trong hợp đồng, sẽ ký thẳng với Công ty Bảo Sơn, còn tiền "chênh" là 22 triệu đồng/m2.
Sau khi thỏa thuận, chị Huyền đồng ý mua ô đất số 17, lô C27-NV11 có diện tích 206m2 với giá 34 triệu đồng/m2; trong đó ngoài tiền nộp cho chủ đầu tư là 12 triệu đồng/m2, tiền chênh ngoài hợp đồng là 4,532 tỉ đồng. Ngày 14/4/2010, chị Huyền đặt cọc 200 triệu đồng cho bà Sâm và hẹn khi bà Sâm đưa chị vào ký hợp đồng với chủ đầu tư sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.
Hai ngày sau, 16/4, bà Sâm yêu cầu chị Huyền lên trụ sở Công ty Bảo Sơn ở số 50 Nguyễn Chí Thanh để ký hợp đồng và thanh toán nốt số tiền chênh còn lại là 4,332 tỉ đồng cho bà ta.
Tại đây, sau khi nhận tiền, bà Sâm nói chị Huyền ngồi chờ ở sảnh để bà ta đi làm việc. Nhưng sau đó lại hẹn sang ngày khác. Những ngày sau, dù không đưa chị Huyền vào ký hợp đồng được, nhưng bà Sâm vẫn hứa sẽ bằng mọi cách để chị ký được hợp đồng.
Cho tới gần 1 tháng sau, ngày 12/5, từ Hà Nội, chị Huyền phải vào TP HCM tìm gặp bà Sâm để giải quyết dứt điểm việc mua bán. Nhưng lần này bà Sâm nói bận nên làm giấy ủy quyền trực tiếp từ Công ty Trọng Anh để chị Huyền đến Công ty Bảo Sơn giải quyết hợp đồng số 15 giữa hai công ty.
Cầm được giấy ủy quyền này, chị Huyền đến Công ty Bảo Sơn hỏi thì mới tá hỏa khi biết rằng do không chuyển tiền đúng thời hạn quy định nên Công ty Bảo Sơn đã có quyết định chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Trọng Anh.
Biết được sự thật này, chị Huyền lập tức yêu cầu bà Sâm trả lại tiền nhưng bà Sâm cố tình viện ra rất nhiều lý do để trì hoãn. Ngày 1/7/2010, chị Huyền một lần nữa yêu cầu bà Sâm trả tiền. Nhưng bà Sâm lại "hẹn lần cuối cùng" là ngày 21/7/2010 nếu không ký được hợp đồng thì bà Sâm sẽ trả lại toàn bộ 4,532 tỉ đồng đã nhận; đồng thời cam kết nếu không đúng hẹn sẽ bồi thường cho chị Huyền.
Tuy nhiên, quá cái ngày "hẹn lần cuối" ấy, bà Sâm vẫn không ký được hợp đồng và tiền cũng không chịu trả.
Lo lắng số tiền hơn 4 tỉ đồng của mình sẽ bốc hơi cùng những "lời hứa gió bay" của bà Sâm, chị Huyền đành phải làm đơn tố cáo gửi Cơ quan Công an và báo chí.
Dùng hợp đồng hết "date" để lừa đảo?
Quá trình tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi đã có trong tay bản hợp đồng mà bà Sâm đã đưa ra để gây lòng tin cho chị Huyền.
Đó là Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh số 15/2010/HĐHTDDT - BS - TA ngày 20/2/2010 giữa Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Bảo Sơn ký với Công ty TNHH Địa ốc Trọng Anh (trụ sở tại 132 Unit 1902 Hàm Nghi, quận 1, TP HCM) "về việc hợp tác góp vốn đầu tư, cam kết chuyển giao quyền đầu tư kinh doanh sau khi đã hoàn tất hạ tầng kỹ thuật phần dự án chuyển giao".
Theo đó, Công ty Bảo Sơn chịu trách nhiệm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phần dự án chuyển giao trong Dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức sau đó chuyển giao cho Công ty Trọng Anh quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh để Công ty Trọng Anh tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở để chuyển nhượng. Đổi lại, Công ty Trọng Anh có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Bảo Sơn "cùng với giá trị vốn góp đầu tư được xác định cố định ngay khi xác lập Hợp đồng là 79,038 tỉ đồng. Tiến độ thanh toán thành 4 đợt, trong đó:
Đợt 1 là 62 tỉ đồng trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Đợt 2 là 9 tỉ đồng trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày chuyển giao.
Đợt 3 là 7,038 tỉ đồng trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày Công ty Bảo Sơn bàn giao toàn bộ hạ tầng kỹ thuật cho Công ty Trọng Anh.
Đợt 4 là 1 tỉ đồng thanh toán khi hai bên thanh lý hợp đồng.
Tuy nhiên, sau đó do Công ty Trọng Anh không chuyển tiền theo đúng hợp đồng đã ký nên Công ty Bảo Sơn đã có Công văn số 40 gửi Công ty Trọng Anh, trong đó khẳng định "chiếu theo điều 6.3 của hợp đồng, Công ty Bảo Sơn chính thức thông báo Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh số 15/2010 với quý công ty chính thức hết hiệu lực pháp lý".
Không những thế, ngày 7/4/2010, tức là trước thời điểm bà Sâm nhận tiền của chị Huyền 7 ngày, Công ty Bảo Sơn tiếp tục có Công văn số 96 do Tổng giám đốc Nguyễn Trường Sơn ký, gửi cho Công ty Trọng Anh "về việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác đầu tư". Trong đó khẳng định việc chấm dứt hiệu lực pháp lý Hợp đồng hợp tác đầu tư và cảnh báo "hiện nay có một số người sử dụng hợp đồng hai bên đã ký kết để huy động vốn của khách hàng không biết nhằm mục đích gì. Việc làm trên có thể làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như thương hiệu của hai công ty. Vậy đề nghị công ty kiểm tra sự việc trên tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra...".
Như vậy, rõ ràng vào thời điểm ngày 16/4/2010, khi bà Sâm viết giấy biên nhận hơn 4,5 tỉ đồng của chị Huyền để chuyển nhượng đất thì hợp đồng số 15 đã hết "đát" và chỉ là giấy lộn. Nhưng khó hiểu hơn là sau đó gần 1 tháng, ngày 12/5, ông Đỗ Bình Trọng, Giám đốc Công ty Trọng Anh vẫn ký "Giấy ủy quyền" số 125103/CV-TA cho chị Huyền "Đại diện cho Công ty Trọng Anh giải quyết những vấn đề về giấy tờ liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh số 15".
Với hy vọng gặp người bị tố lừa đảo trình bày về vụ việc này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với bà Bùi Thị Huyền Sâm theo số điện thoại di động 0936094499 nhưng đều được tổng đài trả lời "không liên lạc được".
(Theo CAND)