221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1316966
Đất ven đô bị thổi giá, giao dịch vẫn ảm đạm
0
Article
null
Đất ven đô bị thổi giá, giao dịch vẫn ảm đạm
,
Không thể “sờ” được những lô đất nội đô, một bộ phận người dân có thu nhập trung bình và khá tìm ra các vùng ven đô, hoặc các quận mới nơi giao thông đang và sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá ở nhiều nơi cũng đã quá tầm với bởi một bộ phận các nhà đầu cơ đã đi trước một bước. Còn các chủ đầu tư và người dân có đất thì vẫn đang âm thầm tăng giá.

1
Đất thổ cư vùng ven đang tăng giá mạnh mẽ. (Ảnh: Bee)

Giá đất bị đẩy lên quá cao


Theo khảo sát của Diễn đàn Doanh nghiệp, sau khi thông xe đường Lê Văn Lương kéo dài, giá chào bán ở một số khu vực quanh trục đường này như Văn Khê, Văn Phú, Xa La… đều tăng từ 20 - 25%, thậm chí, một số nơi giá đất tăng đến 50% so với tháng trước.


Điển hình như giá đất dịch vụ Vạn Phúc trước thông xe là 25 - 30 triệu đồng/m2, hiện đang chào bán với giá 47 triệu/m2 (đất chưa phân lô). Mặt đường Vạn Phúc (đầu đường Lê Văn Lương kéo dài) hồi tháng 9 ở mức 120 triệu đồng/m2 nay tăng lên 200 triệu đồng/m2.


Chung cư Văn Khê hồi tháng 9 chỉ khoảng 20 - 22 triệu đồng/m2 đến nay giá thấp nhất là 25 triệu đồng. Chỉ trong vòng 3 - 4 tuần, đất liền kề Văn Khê từ hơn 60 triệu đồng lên đến 75 - 85 triệu đồng/m2 tùy diện tích. Khu vực Xa La giá chào bán chung cư cũng tầm 20 - 21 triệu đồng. Liền kề Văn Phú cũng tăng từ 42 - 43 triệu đồng lên 55 - 57 triệu đồng/m2.


Tại khu đô thị An Hưng, giá đất liền kề đường nhỏ có giá 59 - 60 triệu đồng/m2, mặt đường lớn có giá 83 - 85 triệu đồng/m2, tăng khoảng 3 triệu so với tuần trước. Giá biệt thự tại đô thị Mỗ Lao trên 100 triệu đồng/m2. Giá chênh căn hộ UCity cũng bị đẩy lên tới 300 triệu đồng tùy diện tích.


Đất ở khu vực xa hơn như Phú Lương, Phú Lãm, Yên Nghĩa (Hà Đông), Thanh Lương, Cự Khê, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai)... giá đất cũng đã lên 20-30 triệu đồng/m2. Mảnh đẹp có nơi lên tới 35 triệu/m2.


Giao dịch thực tế ảm đạm


Mặc dù giá đất tăng khá nhanh theo đà hình thành của các tuyến giao thông như Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn (Hà Đông)... nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Những người có thu nhập trung bình và khá thực sự khó có thể mua đất ở các khu đất mà đường đã hoàn thành, hoặc sắp hoàn thành như khu Dương Nội, An Hưng, Usilk City, Park City, và thậm chí là Văn Phú, Xa La...


Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp Online, ông Nguyễn Thế Giang - Phó giám đốc đầu tư sàn giao dịch BĐS Shodex Tây Bắc cho biết, việc giá một số dự án dọc đường Lê Văn Lương kéo dài bị đẩy lên quá cao còn là do “chiến thuật” cung hàng nhỏ giọt của chủ đầu tư dự án, đồng thời còn có sự hợp tác “đẩy” giá của các nhà đầu tư lớn.


Ông Giang đưa ra dẫn chứng, dự án KĐT Dương Nội khi mới đưa ra thị trường, chủ đầu tư chào giá 45 triệu đồng/m2 liền kề. Mỗi lần cung hàng tiếp theo, họ chỉ đưa ra bán một vài ô và sau đó dừng bán khiến cho thị trường rất khan hàng. Trong bối cảnh như vậy lại xuất hiện hiện tượng một số nhà đầu tư lớn rót mấy chục tỷ đồng vào dự án nhằm kích thích thị trường, tạo nên những cơn “sốt” giá cục bộ.


Ông Giang cũng khẳng định: “Các chủ đầu tư không bao giờ bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu thực mà thường thông qua các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư lại bán lại qua 3 - 5 khâu trung gian rồi mới đến tay người có nhu cầu thực nên giá đất ở khu vực này bị đẩy lên cao là điều đương nhiên”.


Cũng ở khía cạnh là một nhà đầu tư, ông Giang cho rằng, Nghị định 71 đã thắt chặt tình trạng đầu cơ, nâng giá thì mới đây, Thông tư 16 do Bộ Xây dựng ban hành có hiệu lực từ ngày 15/10 lại “cởi trói” khiến thị trường trở nên thiếu minh bạch. Hơn nữa, nếu việc niêm yết thông tin dự án và giá căn hộ được chủ đầu tư thông báo bằng văn bản để chính quyền và người dân theo dõi thì giá đất sẽ không thể tăng “ảo” như hiện nay.


Còn theo Bee, giá đất tăng không chỉ do chủ các dự án dùng thủ thuật kéo lên, theo đó giá đất thổ cư ở cùng khu vực tăng theo, mà còn do đội “cò” đất đông đảo có mặt ở mọi nơi.


Một chuyên gia bất động sản, tài chính cho rằng, nguyên nhân khiến giá liên tục tăng dù âm ỉ hay nóng sốt, là do người mua và người bán hiếm có cơ hội mua bán trực tiếp, mà hầu hết thông qua trung gian môi giới. Những người “giàu kinh nghiệm” làm giá này chỉ cần có một thỏa thuận miệng với người bán, nâng giá lên để cưa đôi, hoặc chiếm gọn phần giá “vượt yêu cầu” của người bán.


Theo quy định, các trung tâm môi giới bất động sản phải có ít nhất 1 người có chứng chỉ môi giới, tuy nhiên, với lượng cò đất tự do đông đảo và không thuộc văn phòng nào như hiện nay, đất thổ cư trong dân bị "cò"  "kích" giá không kém gì các chiêu của những đại gia.

Khung giá đất năm 2011 sẽ được giữ nguyên

Trong một động thái mới nhất,
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết khi trao đổi với VnEconomy chiều 28/10, dự kiến, khung giá đất năm 2011 trên toàn quốc sẽ được giữ nguyên nhằm mục đích kiềm chế việc tăng giá đất trong thời gian qua.

Theo ông Hiển, hiện nay trên thị trường, giá đất đang được dư luận phản ánh quá cao so với thu nhập cũng như khả năng chi trả của nhiều người dân, kể cả những người có thu nhập tương đối cao.

Tuy nhiên, ông Hiển nói, bất cập này không thuộc trách nhiệm của ngành tài nguyên bởi thực tế, dù công tác định giá đất đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, song đó chỉ là định khung giá đất. Còn xác định giá đất cụ thể vẫn thuộc về Bộ Tài chính.

Vị thứ trưởng này cho biết, vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo phải cố gắng giữ giá đất không để tăng liên tục. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một số biện pháp nhất định nhằm thực hiện chỉ đạo này, đặc biệt là việc từ bỏ ý định sửa Nghị định 188/CP về giá đất nhằm góp phần ổn định giá đất trong thời gian tới.

“Do vậy, khung giá năm 2011 sẽ không thay đổi nhiều, về cơ bản là vẫn giữ nguyên so với khung giá đất năm 2010. Chỉ vùng nào xét thấy thực sự cần thiết điều chỉnh, còn lại phải giữ nguyên để kìm giá đất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Hiển nói.
 
  • Việt Hà (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,