Hà Nội gỡ rối, đẩy nhanh cổ phần hóa
05:37' 30/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bắt đầu triển khai CPH từ năm 1998, đến hết năm 2002, Hà Nội đã hoàn thành việc CPH cho 90 DN. Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Đổi mới và Phát triển DNNN của Hà Nội, ông Nguyễn Thế Quang khẳng định, sau khi tháo gỡ vướng mắc, với tốc độ CPH như năm nay, chắc chắn thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch CPH đề ra.

Soạn: AM 143908 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đối với các DN của Hà Nội đã CPH: chất lượng lao động tốt hơn.

Cổ phần hóa: Lợi đã nhìn thấy

Có thể nói, lợi ích mà CPH mang lại cho các DNNN trên địa bàn TP Hà Nội là khá rõ ràng. Ông Trần Đình Thụ, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết, sau CPH, do phát hành thêm cổ phiếu để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, nên vốn hoạt động của nhiều DN đều tăng: trước CPH, bình quân vốn chủ sở hữu/DN là 2,12 tỷ đồng, thì sau CPH, con số này là 4,16 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần. Ông Thụ dẫn chứng, như công ty CP Việt Hà có vốn từ 4,5 tỷ đồng đã tăng lên 10 tỷ đồng, Công ty Kính mắt Hà Nội từ 3,1tỷ đồng lên 12,6 tỷ đồng, Công ty Kim khí Hà Nội từ 3,1 tỷ đồng lên 7,2 tỷ đồng...

Số liệu từ Sở Tài chính cho thấy, quá trình CPH đã huy động được 351,4 tỷ đồng vốn trong dân cư, chiếm 78% vốn điều lệ. Thu nhập bình quân của người lao động đã tăng trên 30% so với trước khi chuyển đổi.

Công ty CP Dệt 10/10 là một trong số những DN của Hà Nội tiến hành CPH đầu năm 2000. Nếu như trước đó, tốc độ phát triển sản xuất của công ty cao nhất chỉ đạt 8%/năm, thì sau khi CPH, tăng trưởng của Dệt 10/10 đã đạt tới 25%/năm, tổng doanh thu tăng gấp 6 lần. Gần 4 năm qua, Dệt 10/10 đã tuyển dụng thêm khoảng 600 lao động, nâng tổng số lao động của công ty lên trên 1.000 người, với mức thu nhập bình quân đạt 1,6 triệu đồng/tháng. Ông Dương Văn Bình, Giám đốc Công ty CP Dệt 10/10 cho biết, khi chuyển sang CPH, công ty đã có ngay một chiến lược sản xuất mới, với định hướng lâu dài. Chúng tôi xoay quanh chiến lược đó để tranh thủ sự ủng hộ của tập thể cổ đông, CBCNV, đi đúng định hướng đặt ra. Đó chính là động lực để phát triển sản xuất".

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng hào hứng với việc CPH, nhất là đối với những công ty mà cả lãnh đạo và CBCNV đều ngại sự thay đổi, hoặc nghi ngờ hiệu quả của việc CPH. Theo như phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc TP giai đoạn 2003-2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phải CPH đối với 82 DN. Từ 2003 đến hết 8/2004, Hà Nội mới hoàn thành CPH 30 DN. Như vậy, đến năm 2005, còn 52 DN sẽ phải hoàn tất công việc này. Bên cạnh đó là giữ nguyên pháp nhân 100% vốn nhà nước của 70 DN, sáp nhập 42 DN, giải thể 9 DN và chuyển 3 DN về Bộ GTVT.

 DN nào CPH chưa hiệu quả là do phong cách quản lý cũ

Lý giải nguyên nhân gây khó cho tiến trình CPH, ông Phạm Công Bình, Chi Cục trưởng Cục Tài chính DN (Sở Tài chính), đồng thời là Phó Trưởng ban Đổi mới và Phát triển DNNN Hà Nội, cho VietNamNet biết, đó là do việc xác định giá trị DN, xử lý tài sản, vật tư hàng hóa tồn kho kém; xử lý công nợ, xử lý các tài sản đầu tư theo dự án và đặc biệt là vấn đề đất đai, nhà xưởng gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Bình, đối với Hà Nội, nhà đất rất có giá, nên việc xác định đúng giá trị của nó là công việc phức tạp, khó khăn. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại các DN, nhất là với những DN có địa điểm kinh doanh tốt rất phức tạp và đến nay cũng còn nhiều quan điểm khác nhau, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Do đó, sau CPH, một số người đầu cơ và kinh doanh bất động sản đã mua gom cổ phiếu với giá cao, không vì mục đích phát triển của DN mà nhằm chiếm hữu đất đai, gây mất ổn định kinh doanh, như ở Công ty CP Hữu Nghị, Nhiếp ảnh, Phú Gia, Bắc Nam...

Đó là chưa kể đến các yếu tố về tâm lý, nhận thức của chính các giám đốc và công nhân DN tiến hành CPH. Một bộ phận lãnh đạo DN chưa quán triệt nhận thức về Nghị quyết TW 3, cá biệt có DN biểu hiện thái độ chần chừ, đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tiến, khi trả lời báo giới đã nói rằng: "Một số lãnh đạo của các DN còn e ngại, liệu sau khi tiến hành CPH thì họ còn được giữ chức vụ đang có trong DN hay không. Theo tôi, để triển khai được CPH, những DN thấy năng lực của lãnh đạo không đủ đáp ứng trong điều kiện công ty cổ phần thì kiến nghị, chúng tôi sẽ có biện pháp lựa chọn, thay thế".

Ngoài ra, không phải DN nào cũng chuẩn bị được phương án sản xuất kinh doanh cho công ty sau CPH như Dệt 10/10. Hầu hết các DN còn xem nhẹ công việc này. Chính Trưởng ban Đổi mới và Phát triển DNNN của Hà Nội, ông Nguyễn Thế Quang, cũng thừa nhận sự hạn chế này và cho rằng, đó chính là  sự rơi rớt của phong cách quản lý cũ, vì bộ máy quản lý không thay đổi nhiều sau CPH. Chỉ chăm chăm lo CPH cho xong, nên sau khi chuyển đổi, một số công ty đã lúng túng hoặc chưa thực sự phát huy được khả năng sản xuất, kinh doanh, làm hạn chế hiệu quả CPH.

Bên cạnh đó, các Sở chủ quản rất muốn can thiệp vào hoạt động của các công ty cổ phần, nhưng lại không rõ ràng, khiến cho tiến trình chuyển đổi càng vất vả.

Một nguyên nhân cơ bản cũng khiến cho các DN ngại ngần là sự đối xử không công bằng giữa DNNN với DN cổ phần hoặc tư nhân. Theo giám đốc một DN, nếu là công ty nhà nước thì vay vốn rất thuận lợi, có khi chỉ cần tín chấp. Song, đến khi chuyển thành công ty cổ phần, lại gặp không ít khó khăn khi vay vốn. Độ tin cậy đối với ngân hàng bị giảm đi. Việc vay vốn khó khăn hơn đối với những DN nhỏ của TP sau khi CPH.  "Chúng tôi đã có ý kiến với ngân hàng nhiều lần, nhưng ngân hàng cũng là DN, nên họ cũng phải tính toán làm sao để đảm bảo an toàn cho đồng vốn bỏ ra", ông Nguyễn Thế Quang nhận xét.

Sẽ tấn công vào các giám đốc- đối tượng chính cản trở CPH

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Quang cho biết, tiến trình CPH của Hà Nội năm 2004 tốt hơn nhiều so với các năm trước, nhờ cơ chế thông thoáng và cụ thể hơn. Từ đầu năm đến nay, TP đã hoàn thành CPH đối với 19 DN, phấn đấu đến cuối năm, sẽ hoàn thành công việc này cho hơn 20 DN nữa. Như vậy, so với năm ngoái, tốc độ CPH của Hà Nội đã nhanh đáng kể (2003 chỉ có 8 DN được cổ phần).

Ông Quang nói rằng, nguyên nhân khiến mọi việc suôn sẻ là nhờ "cơ chế nhanh" và TP tập trung thực hiện quyết liệt. Đồng thời, Hà Nội cũng giải quyết được những vấn đề khó khăn nhất về nợ đọng tài chính, như công nợ khó đòi, hàng hóa tồn kho, thế chấp; xử lý lao động dôi dư và áp dụng giá đất mới trong xác định CPH. Những vướng mắc này đã cản trở việc CPH trong các năm trước.

Việc định giá DN đã thoát được rắc rối, nhờ Hà Nội cho phép thuê các tổ chức tài chính vào cuộc. Điều này không chỉ giúp DN đẩy nhanh quá trình CPH, mà còn cho kết quả khách quan, chính xác hơn. Ví như, TP đã lựa chọn và ký hợp đồng với 9 công ty chứng khoán và kiểm toán để thuê tư vấn xác định giá trị DN, hoặc thuê tư vấn CPH trọn gói cho 26 DN. Theo ông Quang, định giá tài sản DN tất nhiên là việc khó và hiện vẫn còn những vướng mắc, nhưng TP sẽ cố gắng giải quyết những việc trong tầm tay, nếu gặp khó khăn sẽ báo cáo Bộ Tài chính để có hướng giải quyết kịp thời.

Ông Quang cũng khẳng định, trở ngại lớn nhất hiện nay trong sắp xếp, đổi mới DNNN không phải từ công nhân, tổ chức Đảng hay Công đoàn, mà chính là một số giám đốc ngại thay đổi. Hà Nội sẽ tấn công mạnh vào "mắt xích" này để đạt mục tiêu đề ra. Đó là kiên quyết xử lý đối với giám đốc DN có biểu hiện chần chừ và miễn nhiệm đối với lãnh đạo DN hai năm liên tiếp thua lỗ (Hà Nội đã từng xử lý 2 trường hợp). Nhờ đó mà năm nay, đội ngũ lãnh đạo DN đã xử lý công việc tốt hơn, tập trung lo chỉ đạo CPH. Các công ty sau khi CPH đã vận hành trơn chu, chi phí tiết kiệm, sản xuất kinh doanh có lãi, lao động được sàng lọc... nên chất lượng nâng cao.

Với những thay đổi và sự quyết tâm của lãnh đạo TP, các Sở, Ban, Ngành và lãnh đạo DN, ông Nguyễn Thế Quang tin tưởng, chắc chắn Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu CPH đối với 82 DN trong giai đoạn 2003-2005 như kế hoạch đề ra.

  • Hà Yên

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Cổ đông Nhà nước tham gia HĐQT là vấn đề đạo lý" (28/09/2004)
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS (24/09/2004)
Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa? (23/09/2004)
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
TP.HCM tăng DN lẫn qui mô vốn CPH (20/09/2004)
Sẽ cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone (15/09/2004)
Cải cách DN nhà nước: Nhìn lại và suy ngẫm (10/09/2004)