(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu vừa ký quyết định cổ phần hóa 3 nhà máy nhựa thuộc Công ty Nhựa Việt Nam, đó là nhựa Thăng Long, Vân Đồn và Tân Phú. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% tỷ lệ cổ phần trong các công ty này.
|
Các sản phẩm nhựa gia dụng của Việt Nam. |
Nhà máy Nhựa Thăng Long sẽ chuyển thành Công ty CP Nhựa Thăng Long (THANG LONG PLASTIC JOINT STOCK COMPANY, tên viết tắt THALOPLAST) có trụ sở chính tại Hà Nội. Công ty cổ phần có số vốn điều lệ là 3,5 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước là 50,69 %; tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động 37,91% và số còn lại bán ra ngoài. Trong đó, 4.560 cổ phần sẽ bán ưu đãi cho lao động trong nhà máy, trị giá 136,8 triệu đồng.
CP Nhựa Thăng Long tham gia kinh doanh các ngành nghề: sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm nhựa công nghiệp, gia dụng, nguyên liệu, phụ gia và hóa chất cho ngành nhựa; in ấn trên bao bì nhựa.
Cũng theo QĐ trên, Nhà máy Nhựa Vân Đồn (TP.HCM) sẽ chuyển thành Công ty CP Nhựa Vân Đồn (VAN DON PLASTIC JOINT STOCK COMPANY, tên viết tắt: SIMIPLAST), với số vốn điều lệ 4,37 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước 50,98%, bán cho người lao động 43,99%. Nhà máy Nhựa Tân Phú (TP.HCM) cũng chuyển thành Công ty CP Nhựa Tân Phú (TAN PHU PLASTIC JOINT STOCK COMPANY, tên viết tắt: TAPLAST), vốn điều lệ 8,7 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước 51%, tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động 39,68%.
Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cũng vừa có quyết định phê duyệt Phương án CPH Công ty Bao bì Nhựa Tân Tiến, với số vốn điều lệ là 95,5 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ cổ phần của Nhà nước 63,75%, bán cho người lao động 36,25 %. Giá trị thực tế của Công ty Bao bì Nhựa Tân Tiến tại thời điểm ngày 31/3/2004 để CPH là trên 273,5 tỷ đồng; trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại công ty là 95,5 tỷ đồng.
|